Chợ trời Sài Gòn: Bán từ hàng thải đến hàng gian
Nhiều năm nay, chợ trời lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tồn tại trên các tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Phó Đức Chính, Ba tháng Hai, Vĩnh Viễn… bán hàng từ phế thải đến hàng trộm cắp, hàng nhái.
“Họp chợ” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Gọi là “họp chợ” nhưng thực chất đây là hành vi bày hàng lấn chiếm vỉa hè của một số người dân để bán hàng. Nhiều người bày hàng tràn lan trên vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Bán hàn lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường |
Trước đây tại đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp đoạn gần đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, bên trong các cửa hàng là điểm bán hàng điện tử đã qua sử dụng, từ điện thoại di động, đến loa, tivi, đầu đĩa, radio… bày từ trong cửa hàng ra đến hết vỉa hè.
Thấy “ngon ăn”, nhiều người chuyên mua bán đồ cũ ở các chợ trời, kéo nhau về đây chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ. Bất chất con đường này thường xuyên xảy ra ùn xe trong giờ cao điểm.
Tương tự, vỉa hè đường Trần Quang Khải, quận 1 cũng trở thành chợ trời bày bán hàng cũ, hàng trộm cắp… lấn chiếm vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ. Nghiêm trọng hơn là nhiều người dừng xe dưới lòng đường để xem hàng, gây ra tình trạng ùn tắc không đáng có trên tuyến đường này.
Trên đường Phó Đức Chính, tuy việc bày hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không gây kẹt xe, nhưng con đường này nằm ở trung tâm thành phố, có nhiều khách du lịch đặc biệt là khách nước ngoài thường xuyên đi bộ, phải đi dưới lòng đường, tạo hình ảnh xấu giữa một thành phố hiện đại.
Điểm tiêu thụ hàng gian
Người viết vừa dừng xe xem hàng trên đường Nguyễn Kiệm, một chị bán hàng nhanh miệng mời “mua gì vào lựa đi em, muốn hàng nào cũng có, xem ưng thì chị lấy rẻ cho”. Tôi chỉ tay vào bộ kềm đa năng đã qua sử dụng, chị bảo này là “hàng xịn”, “chị mới mua lại của tụi thợ chôm được, chị bán rẻ cho, lấy giá mở hàng giá chỉ 350.000 đồng/bộ thôi”, “giá đó là giá mở hàng rồi, không bớt được đâu em ơi, hàng xịn mà”.
Chiếc kềm đa năng đã qua sử dụng bán giá "trên trời" |
Tuy nhiên, với bộ kềm đa năng tương tự được bán ở nhà sách, chỉ có giá 280.000 đồng/bộ. trong khi bộ này bày bán ở vỉa hè và đã qua sử dụng.
Lấy lý do giá cao nên không lấy, người viết tiếp tục chỉ vào bộ kéo đa năng làm mốc treo chìa khóa, chị kêu “hàng này cũng là hàng xịn, thu lại hàng “chôm”, nên lấy em 120.000 đồng”. Tuy nhiên, tương tự hàng này ở siêu thị Coop Mart giá bán hàng mới chỉ có 68.000 đồng.
Tại điểm bán đồng hồ, người đàn ông bán hàng nhìn mặt khá lạnh lùng, mặc khách xem hàng rồi hỏi giá, ông vẫn giữ thái độ bình thản “em cứ xem đi, thích cái nào thì lấy, hàng của anh là hàng thật”, “hàng này xịn, cần gì bảo hành em ơi, em cứ mua về đi, có hàng nào xịn mà hư đâu?!”.
“Không tin hàng thật, em có điện thoại đó, lên mạng mà xem, hàng này lấy của tụi nhảy hàng, toàn hàng xịn, bán giá vầy (1,2-1,8 triệu/cái) là rẻ lắm rồi. Do đây là vỉa hè chứ ở trong shop người ta lấy em 4-5 triệu/cái”, người đàn ông khẳng định.
Những chiếc đồng hồ "xịn" đến nỗi "không cần bảo hành" |
Thế nhưng, khi ngỏ ý muốn chụp ảnh đồng hồ để kiểm tra và hỏi ý kiến bạn thì người đàn ông xua tay, “không mua thì thôi, chụp làm gì cho mất thời gian” xong còn chửi với theo khi người viết phóng xe đi.
Bên cạnh hàng trộm cắp, nhiều người bán hàng còn trà trộn hàng dỏm, hàng kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Như tại điểm bán điện thoại di động, có 2 kiểu điện thoại được bày bán, hoặc là điện thoại mở nguồn được hoặc là điện thoại không mở nguồn được, lý do đưa ra là hết pin, không có điện sạc.
Khi thử khởi động máy và kiểm tra thì tuy bên ngoài vỏ là điện thoại xịn như Iphone, Nokia, Samsung, nhưng bên trong ruột là hàng Trung Quốc.
Như trường hợp của cậu sinh viên tên Minh, học trường Đại học Công Nghiệp TP HCM, mua điện thoại hiệu Samsung có màn hình cảm ứng giá 1,4 triệu. Người bán điện thoại vỉa hè đảm bảo tuy không bảo hành nhưng có hư gì thì mang ra đây. Thế nhưng, khi mang điện thoại về, dùng được 2 ngày thì mất nguồn, mang ra khiếu nại thì người bán hàng điện thoại nói “không biết, mua ở đâu chứ ở đây không bán loại điện thoại dỏm đó”. Sau lời qua tiếng lại, người bán đồng hồ còn dọa đánh nên cậu sinh viên phải bỏ đi, chấp nhận mất trắng số tiền”.
Theo nhiều người bán hàng ở vỉa hè trên đường Nguyễn Kiệm, để có được chỗ ngồi bán hàng trên vỉa hè tuyến đường này, các chủ hàng cũng phải chịu bảo kê, phải đóng tiền hụi hàng tháng. Người mới muốn đến bán phải có người quen giới thiệu, sau nhiều bước kiểm tra mới được hành nghề. “Nên chúng tôi cũng phải tìm nhiều cách để kiếm lời”, một người đàn ông bán hàng kính mát cho hay.
Bất chấp lệnh cấm, xe khách vẫn dừng đỗ trên đường | |
Nên dẹp “chợ bán đồ ăn cắp”? |
Võ Hiển