Kẻ mạo danh Đại tá quân đội Lê Xuân Giang là ai?
(PetroTimes) - Lê Xuân Giang cùng đám bậu xậu đã tạo ra vỏ bọc doanh nghiệp uy tín Bộ Quốc phòng cho mình để thực hiện hành vi lừa đảo, thậm chí chúng còn “sản xuất” cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thấy gì qua vụ Liên kết Việt lừa đảo? |
Những chiêu lừa của công ty đa cấp Liên kết Việt |
Khởi tố 7 lãnh đạo công ty đa cấp Liên Kết Việt |
Theo các nạn nhân của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, nếu mới tiếp xúc với Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, ai cũng bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài khá hoành tráng. Dáng người bệ vệ, khuôn mặt có chút dữ dằn cùng cách ăn nói “đao to búa lớn” đã tạo cho Lê Xuân Giang cái uy với người khác.
Không dừng lại ở đó, tại các sự kiện lớn, Lê Xuân Giang đều mặc trang phục mang hàm Đại tá Quân đội, khiến mọi người càng tin tưởng vào vị thế của hắn. Thêm vào đó, Lê Xuân Giang luôn đi lại trên chiếc xe ôtô Ford cũ nhưng mang biển kiểm soát màu xanh 80B… Chiếc xe này, hắn mua thanh lý lại của một đơn vị nhưng chưa chịu chuyển đổi đăng ký, nhằm lòe bịp thiên hạ.
Lê Xuân Giang luôn diện bộ quân phục hàm đại tá tại các sự kiện lớn. |
Lê Xuân Giang (45 tuổi, ở huyện Văn Giang, Hưng Yên). Hắn từng là học viên một trường trung cấp dạy nghề của Bộ Quốc phòng và từng làm công tác quản lý tài chính trong một đơn vị của quân đội. Nhưng anh ta chỉ ở trong quân ngũ một thời gian rất ngắn, sau đó ra ngoài làm nhân viên cho một số công ty tư nhân.
Năm 2005, Lê Xuân Giang thành lập Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, sau đó thành lập thêm Công ty Quốc tế Hưng Việt. Ban đầu, các công ty này cũng hoạt động bình thường, sản xuất một số mặt hàng truyền thống kiểu như bóng đèn ion, sau đó chuyển sang sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, máy vật lý trị liệu… Đây cũng chính là các mặt hàng được Lê Xuân Giang đem ra làm hàng hóa kinh doanh đa cấp.
Năm 2014, sau khi được Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh đa cấp, Lê Xuân Giang đã đổi tên Công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam. Bị báo chí vạch mặt các hoạt động lừa đảo kinh doanh đa cấp, thì Lê Xuân Giang đổi tên Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam thành Công ty Hưng Phú Group.
Để hoạt động kinh doanh đa cấp, Lê Xuân Giang phải thuê Nguyễn Thị Thủy (người vốn làm việc cho Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy) về làm trưởng nhóm quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Thủy kéo thêm 4 nhân viên kinh doanh khác đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực này về làm việc cho Lê Xuân Giang.
Mánh lừa của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam được nhân viên thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. Chúng quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng nộp tối thiểu 8,6 triệu đồng thì được một mã kinh doanh (mã hàng này được quyền mua 1 máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng). Chúng cũng khuyến khích nhà phân phối nộp tiền vào, nhưng không nhận hàng để hưởng tiền hoa hồng cao hơn.
Một sự kiện hoành tráng của Lê Xuân Giang và đồng bọn. |
Theo các quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, tỷ lệ hoa hồng trả cho người bán hàng đa cấp không được vượt quá 40%, nhưng Lê Xuân Giang vẽ ra “cái bánh” 65% để nhiều người “hoa mắt” lao vào hệ thống.
Đấy là chưa kể, thi thoảng, chúng lại tổ chức hội nghị tôn vinh hoa hồng, thưởng cho các nhà phân phối có tỉ lệ hoa hồng cao nhất những phần thưởng cực kỳ giá trị như nhà chung cư, xe ôtô, xe máy... Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp khi tổ chức sự kiện, hội thảo phải thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức, nhưng hầu hết khi tổ chức sự kiện, Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam đều lờ đi quy định này.
Đại hội Tôn vinh hoa hồng, hội nghị đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hội nghị thuyết trình về chính sách của công ty… đều tổ chức cực kỳ hoành tráng ở những nơi sang trọng, nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Trong các sự kiện đó, Lê Xuân Giang luôn tìm cách tạo ra vỏ bọc doanh nghiệp uy tín Bộ Quốc phòng cho mình.
Vỏ bọc của Lê Xuân Giang và đồng bọn đã hút nhiều nhà phân phối tham gia. Một mặt do chúng có tài thương thuyết nạn nhân, một mặt do nhiều người dân quá tham khi thấy “miếng bánh” của Lê Xuân Giang vẽ ra.
Những người tham gia bán hàng phân phối, hiện trở thành bị hại trong vụ án này gồm đủ thành phần trong xã hội, từ người trí thức đến người nông dân. Nhưng khổ nhất là những người nông dân nghèo, dù tiền của họ mất không nhiều so với những người khác, có người chỉ mua một mã hàng 8,6 triệu đồng, nhưng đó là tài sản họ đi vay mượn khắp nơi, trong khi tài sản trong cả nhà bán đi không thu được lại nổi số tiền đó.
Minh Tùng