Ông Lê Văn Cuông:
Lo ngại việc vận động hành lang, 'chạy' để vào quốc hội
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: "Gần thời điểm bầu cử, nhiều cá nhân liên tục ủng hộ người tâm thần, thương binh, hộ nghèo… để lấy điểm."
Ứng cử là cần thiết
Trước thềm bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021, nhiều cử tri tỏ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt trước việc lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của người dân khi tham gia vào ĐBQH.
Họ cũng cho rằng, việc tự ứng cử ĐBQH rất khó để có thể lựa chọn ra một người đại diện nói lên tâm tư nguyện vọng của mình trước Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử PetroTimes, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: “Tôi rất ủng hộ việc tự tham gia ứng cử ĐBQH. Việc này thể hiện rõ ràng quyền con người mà Hiến pháp đã quy định cũng như thể hiện một xã hội dân chủ với mong muốn nhiều người có đức, có tài sẵn sàng và tự nguyện đứng ra gánh vác trọng trách phát triển đất nước, đem lại lợi ích cho người dân.
Thông qua vấn đề này, có thể tìm ra những con người thực sự tâm huyết đại diện đóng góp tiếng nói của người dân vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước."
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa khóa 11 và 12. |
Cũng theo ông Cuông, việc tự tham gia ứng cử sẽ là bàn đạp để những người có năng lực thật sự phát huy hiệu quả tiếng nói, đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Nói lên thực trạng của địa phương và mong muốn của người dân để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đây là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng, việc tự ứng cử ĐBQH rất dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai như: Sự lợi dụng và lạm dụng chức danh; người không đạt được các tiêu chuẩn vẫn hăng hái tham gia ứng cử tạo nên sự phức tạp cho cơ quan bầu cử. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm giảm đi những ý kiến của người dân khi đóng góp vào Quốc hội.
Do vậy cần có những quy định, tiêu chí rõ ràng về tiêu chuẩn của người tham gia ứng cử. Tránh tình trạng nhiều người tham gia ứng cử khi không đủ điều kiện, với tâm thế “không còn gì để mất”, tranh thủ vấn đề này cũng làm đơn tham gia gây phức tạp cho tổ chức và người dân trong việc lựa chọn cũng như sau này không thực thi được nhiệm vụ của đại biểu sẽ gây mất niềm tin cho quần chúng và ảnh hưởng đến uy tín của QH.
Quyền của người dân cần được phát huy tối đa trong việc lựa chọn người tham gia ứng cử ĐBQH.
Cần có tiêu chí cụ thể
Ông Lê Văn Cuông phân tích: “Trong tình hình xã hội hiện nay hiện tượng tiêu cực vẫn còn diễn ra khá phức tạp, ở đâu có lợi ích là rất dễ xuất hiện tiêu cực. Cho nên việc “chạy” vào Quốc hội hay HĐND đang manh nha xuất hiện. Ngay cả việc gần thời điểm bầu cử, nhiều cá nhân liên tục ủng hộ người tâm thần, thương binh, hộ nghèo… để lấy điểm cũng đã có. Do vậy, việc đưa ra những tiêu chí cụ thể để tránh việc lựa chọn những người không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc Hội là điều cần thiết”.
Cũng theo ông Cuông, trong nhiệm kì Quốc hội vừa qua, một số ĐBQH đã không làm tròn trách nhiệm của mình và vi phạm pháp luật dẫn đến bị bãi nhiệm như đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến; đại biểu Châu Thị Thu Nga.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. |
Điều này càng làm cho người dân cảm thấy lo lắng khi đưa ra quyết định lựa chọn một người đại diện tiếng nói của mình.
Thực tế, tại các kì họp Quốc hội, một số đại biểu đưa ra những quan điểm rất ngẫu hứng trước Quốc hội trong khi những tâm tư, nguyện vọng của người dân lại không được nêu ra. Do vậy, việc đưa ra tiêu chí để sàng lọc những ứng viên tham gia ứng cử vào ĐBQH là thực sự cần thiết. Tránh trường hợp nội bộ ứng cử phát sinh tiêu cực không đáng có.
Theo hiến kế của ông Cuông, tiêu chí đầu tiên mà ông đưa ra là: “Cần có những chữ kí tín nhiệm của người dân địa phương, nơi mà ứng cử viên ĐHQH sinh sống và làm việc để có thể có những đánh giá khách quan và công bằng nhất thông qua việc giám sát. Bằng việc làm này vừa có thể loại bỏ được những người không đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử, vừa có thể rút ngắn thời gian trong quá trình bầu cử.
Thứ hai, những ứng cử viên cần đưa ra những mục tiêu cụ thể rồi đối thoại trực tiếp trước người dân để có thể chứng minh được họ sẽ là người phù hợp nhất đại diện cho tiếng nói của người dân.
Thông qua đó, người dân có thể dễ dàng lựa chọn người đại diện cho họ bằng những mục tiêu cụ thể mà các ứng viên đưa ra.
Đây là những sàng lọc ban đầu ở cấp cơ sở vừa phát huy được tính công bằng, vừa giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để việc ứng cử ĐBQH thực sự phát huy được hiệu quả”, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa nhấn mạnh.
Làm thế nào để ứng cử Đại biểu Quốc hội? Luật Bầu cử QH đã nêu rõ tất cả các công dân từ 21 tuổi trở lên, đủ tiêu chuẩn, đều được ra ứng cử đại biểu QH. Vậy làm thế nào để ứng cử Đại biểu Quốc hội? |
Vào Quốc hội mà không phát biểu, tranh luận thì... vào làm gì? Cơ cấu Đại biểu Quốc hội nói chung cũng cần thiết. Nhưng Đại biểu vì lợi ích dân tộc còn quan trọng hơn nhiều... |
Chuyện cử tri lo Đại biểu Quốc hội bị “ám sát” "Có cử tri sau khi kết thúc chất vấn liền gọi điện, hỏi tôi đi bằng phương tiện gì? Về nhà an toàn chưa? Họ sợ tôi bị “ám sát” sau những phát biểu đụng chạm". |
Quang Chiến – Thảo Phượng