Mua bình cứu hỏa ôtô: Làm lợi cho hàng Trung Quốc?
Thông tư 57 của Bộ Công an mới đây quy định ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa, nếu không có sẽ bị phạt tiền. Sau khi có quy định, bình cứu hỏa của Trung Quốc bán đắt như tôm tươi.
Cục trưởng PCCC: 'Công an không bắt tay với doanh nghiệp' Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC (Bộ Công an): "Việc bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp như dư luận đề cập, chúng tôi khẳng định là không có." |
Hầu hết các loại bình cứu hỏa được bày bán có nguồn gốc từ Trung Quốc |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử PetroTimes, trên thị trường Việt Nam hiện có bán 2 loại bình cứu hỏa thông dụng là nhãn hiệu Faucon (xuất xứ từ Slovakia) và bình cứu hỏa Trung Quốc.
Đây là hai loại bình cứu hỏa được tìm mua sau khi có Thông tư 57 của Bộ Công an quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ôtô từ 4 chỗ trở lên.
Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với đại lý Faucon thì nhân viên hãng này cho biết giá của một bình cứu hỏa là 800 nghìn đồng, thể tích bình là 600ml. Bình cứu hỏa nhãn hiệu Faucon có xuất xứ từ Slovakia.
Dạo qua 1 số tuyến phố bán đồ bảo hộ lao động, PCCC tại Hà Nội như Yết Kiêu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Trường Chinh, đường Láng… các bình cứu hỏa đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có tem dán kiểm định chất lượng.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa mini |
Khi PV hỏi về việc các lái xe mua bình cứu hỏa trang bị cho ôtô, một chủ cửa hàng cho biết: Sau khi có quy định “trên trời” rất nhiều người đi mua bình cứu hỏa. Những ngày đó, giá của bình cứu hỏa được đẩy lên hơn 200 nghìn đồng/bình nhưng đến hôm nay, giá đã giảm xuống.
Cụ thể, bình cứu hỏa loại 500ml có giá giao động từ 80 nghìn đến 100 nghìn. Bình cứu hỏa loại 1000ml có giá giao động từ 100 nghìn đến 110 nghìn đồng. Tất cả các loại bình cứu hỏa tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sở dĩ có việc giảm giá là do sau một vài ngày có quy định bắt mua bình cứu hỏa cho ôtô, lô hàng cũ đã bán hết, đến nay các cửa hàng bán thiết bị PCCC đã nhập về lô hàng mới, lượng người mua cũng không còn nhiều.
Ngoài việc bán hàng cho khách, nhân viên một cửa hàng bán thiết bị PCCC trên phố Trường Chinh còn tư vấn khách hàng về nơi đặt vị trí bình cứu hỏa đồng thời khuyến cáo người sử dụng không nên đặt bình ở gần kính hay vị trí dễ hấp thụ nhiệt độ vì dễ dẫn đến nổ bình cứu hỏa.
Khi được hỏi vì sao lại bán hàng Trung Quốc mà không bán bình cứu hỏa của các nước khác, nhân viên cửa hàng này trả lời: “Vì giá rẻ, hợp với túi tiền của người dân”.
Loại bình cứu hỏa có dung tích 500ml đến 1000ml |
Theo các chuyên gia, bình chữa cháy là dạng khí nén ở áp suất cao, cần được bảo quản trong điều kiện mát mẻ. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản bình từ -10 độ C đến +55 độ C.
Thế nhưng khi nhiệt độ ngoài trời 35 độ C thì chỉ cần 20 phút, ca-bin một chiếc xe nhỏ (không bật điều hòa) có thể đạt 50 độ C. Nếu thời gian là 40 phút, nhiệt độ ca-bin lên tới 65,5 độ C.
Ở nhiệt độ này, những vật dụng như bình cứu hỏa, bật lửa, lon nước ngọt có gas đều có nguy cơ phát nổ.
Bên cạnh đó, ở nước ta có thực trạng cơ quan PCCC chưa kiểm soát đuợc chất lượng bình cứu hỏa, nên hàng giả, hàng nhái tràn lan - giá cả không thống nhất. Trong khi ý thức người dân lại chỉ nặng về tâm lý đối phó cho khỏi bị phạt, nên trang bị bình cứu hỏa để đối phó với lực lượng chức năng, tránh bị phạt, chứ chưa hẳn là vì mục đích đảm bảo an toàn.
Có ý kiến cho rằng, Thông tư 57 của Bộ Công an là xuất phát từ những vụ cháy, nổ xe máy, xe ôtô ở nước ta trong thời gian qua nhưng xét ở một góc độ khác, quy định này vô hình khiến bình cứu hỏa có nguồn gốc từ Trung Quốc bán đắt như tôm tươi.
Xuân Hinh