Giải mã những mối lo 'ôm bom' bình cứu hỏa trên xe
Quy định xử phạt đối với xe ô tô nếu không trang bị phương tiện PCCC khiến nhiều chủ xe lo ngại: Liệu bình cứu hỏa sẽ phát nổ bởi khí hậu nóng như ở Việt Nam?
Kính thưa ông… PCCC! Phải mua chiếc bình chữa cháy với giá cao gần gấp 3 lần ngày trước, lại loay hoay tìm chỗ đặt, lại đi học cách sử dụng, nhưng vẫn nhớ lời “khi xe bị cháy thì hãy biến khỏi xe càng nhanh càng tốt”. |
Cơ quan chức năng hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa |
Khi quy định này có hiệu lực, mối lo lớn nhất là bình cứu hỏa có thể phát nổ khi để xe ô tô ngoài trời nắng nóng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì bình an toàn trong môi trường nhiệt độ giới hạn từ -10 độ C đến 55 độ C.
Có một số cách phân biệt các loại bình cứu hỏa và sử dụng hiệu quả như sau:
Thông thường bình bột và bình khí thì cách sử dụng khá khác nhau.
Bình khí CO2 chuyên chữa cháy chất lỏng và thiết bị điện. Trên bình thường ghi rõ CO2 hoặc MT2, MT3, MT5.
Loại bình khí CO2 chỉ chữa cháy trong không gian kín nên rất dễ gây ngạt. Với loại bình này khi sử dụng cần cẩn trọng, tránh bị bỏng lạnh khi tiếp xúc trực tiếp, vì khí Co2 phun ra lạnh đến -73 độ C.
Loại bình bột MFZ có đặc điểm nổi bật là khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại. Vì trong bình có thành phần muối nên tuyệt đối không được dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính…
Thực tế, thêm một bình cứu hỏa trong xe 4 chỗ cũng gây vướng bận đối với chủ xe. Hầu hết các loại xe 4-9 chỗ không có thiết kế vị trí đặt bình cứu hỏa nên các chủ xe đều phải chế thêm.
Vị trí lý tưởng đặt bình cứu hỏa là dưới ghế xe. |
Tuy nhiên, khi chế thì các chủ xe cần đảm bảo các quy tắc đặt ở nơi dễ thấy, dễ sử dụng, đặc biệt không đặt bình ở nơi tiếp xúc trực tiếp bởi ánh sáng mặt trời.
Vị trí lý tưởng mà nhiều chuyên gia khuyến cáo là phía dưới ghế tài xế và treo cạnh chỗ để chân hành khách phía trước.
Vậy, nên chọn bình cứu hỏa nào cho xe?
Theo khuyến cáo từ Cục PCCC thì các chủ xe nên đến các cửa hàng có uy tín, có xuất xứ rõ ràng và có dán tem nhập khẩu và tem kiểm định của Bộ Công an.
Trên tem của nhà nhập khẩu phải có đủ thông tin về thời hạn sử dụng, xuất xứ, ký hiệu ABC hoặc BC.
Cụ thể Loại A chữa các đám cháy chất rắn như gỗ, giấy carton, nhựa. Loại B chữa các đám cháy chất lỏng như xăng dầu, cồn, C chữa các đám cháy chất khí như: gas, LPG.
Đối với ô tô, nên sử dụng loại bình có ký hiệu B, C.
Khi sử dụng bình cứu hỏa nhớ lắc nhẹ bình trước khi xịt để hỗn hợp khí đẩy và bột chống cháy trộn đều.
Cầm bình ở tư thế thẳng đứng, hướng về phía đám cháy nhấn nút phun liên tục, không ngắt quãng, phủ kín lên bề mặt cháy cho đến khi đám cháy tắt hẳn.
Theo các chuyên gia cứu hỏa chuyên nghiệp, thời điểm vàng để xử lý đám cháy trong xe ô tô là trong khoảng 30 giây kể từ khi đám cháy bùng phát.
Việc để bình cứu hỏa mini trên xe chỉ đạt hiệu quả tối ưu với đám cháy nhỏ. Còn các đám cháy lớn như khoang động cơ thì tốt nhất chủ xe nên tránh càng xa xe, càng tốt.
Huyền Anh