Tang thương 'xóm lò vôi'
Chỉ trong giây lát, 8 người đã vĩnh viễn ra đi trong một vụ tai nạn thương tâm giữa ngày Tết Dương lịch. Xóm nghèo trắng khăn tang với nỗi đau xé lòng...
Chúng tôi về thôn 1, (còn gọi là thôn Yên Thái) xã Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hoá chìm trong đau thương, tang tóc, 6 người trong thôn đã ra đi trong một tai nạn hết sức thương tâm.
Đáng thương hơn, tất cả họ đều đang rất trẻ tuổi, là lao động chính trong gia đình. Không ai có thể ngờ, cái nghề nung vôi bạc bẽo lại có thể cướp đi sinh mạng của những người dân vô tội. 2 người dân ở Hoàng Sơn cũng đã được gia đình mai táng.
4 gia đình ở khá gần nhau vang lên liên hồi tiếng kèn trống ai oán. Ngôi nhà của gia đình ông Lê Văn Thong cách hiện trường vụ việc chỉ gần 200 m. Con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Thong không ngớt người ra vào để thăm hỏi, chia buồn với gia quyến. Trước sân căn nhà cấp 4, người thân dựng vội rạp để lo cho những người quá cố.
Ông Thong sinh được ba người con đều đã lập gia đình. Ngoài người con trai đầu, thì 2 cô con gái đều tử vong trong tai nạn bất ngờ. Bà Nguyễn Thị Nam, hàng xóm nhà ông Thong cho biết "Số ông Thong đã quá khổ giờ trời còn bắt tội thế này. Nhà ông nghèo, vay mượn mãi mới làm được lò vôi, giờ thành ra thế này".
Đám tang các nạn nhân quá cố. |
Trong ngày 2-1, dân làng Yên Thái lần lượt tiễn đưa từng nạn nhân xấu số. Trong đó, ông Nguyễn Đình Hoàn có hai con sinh sống làm ăn xa, sáng nay mới về kịp. Ông Phạm Văn Tuyên hai con cũng làm ăn ở xa.
Lò vôi. |
Thiếu tá Nguyễn Hữu Thịnh, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thanh Hoá – một trong những người trực tiếp khám nghiệm, điều tra vụ tai nạn đau xót cho biết “Nhìn các nạn nhân nằm, không ai cầm được nước mắt. Đáng thương nhất là chị Nguyễn Thị Nga, 25 tuổi, con gái ông Lê Văn Thong (chủ lò vôi) đang mang thai. Chồng của chị Mai và chị Nga đều đang đi làm ở xa, bà Nguyên đang cấp cứu, mọi người phải túc trực ở viện nên gia đình không còn ai, lúc chúng tôi khám nghiệm xong, chính quyền địa phương phải đứng ra phối hợp để làm các thủ tục cần thiết lo hậu sự cho những người quá cố".
Được biết, Hoàng Giang là một trong những xã nghèo của huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá, bởi đồng chiêm trũng nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn, người dân ở đây có câu “được mùa Nông Cống sống mọi nơi” cũng đủ biết sự khó khăn ở đây lớn đến mức nào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm nạn nhân Lê Thị Nguyên đang điều trị tại bệnh viện. |
Với địa hình gần núi đá nên nhiều năm qua, nhân dân xã Hoàng Giang và các địa phương lân cận chủ yếu sống bằng nông nghiệp và đốt lò than. Lúc cao điểm, cả xã có hàng trăm lò vôi hoạt động. So với mọi người ở cùng xã thì ông Thong có ít kinh nghiệm làm lò vôi vì ông mới xây lò vôi được vài năm nay, lần đốt này mới là mẻ thứ 4 thứ 5. Theo những người dân địa phương thì lò vôi được ông Thong đầu tư xây dựng có trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Được biết, nghề nung vôi là một trong những nghề hết sức nguy hiểm, vất vả nhưng vì nghèo nên người dân vẫn phải làm. Mỗi mẻ nung vôi, chủ lò phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng tiền nguyên liệu, chất đốt, thuê từ 2- đến 3 người làm với tiền công ít ỏi là 70 nghìn đồng/ngày, ngoài ra, người nhà và hàng xóm thường phụ giúp. Trong thời gian khoảng hơn 10 ngày sẽ được 1 mẻ vôi, bán được 15 triệu đồng, trừ hết các chi phí, mỗi lò vôi được lãi 2,5 triệu đồng.
Được biết, hai con gái ông Thong là chị Mai và chị Nga đều có chồng đang làm ăn ở xa. Chồng chị Mai đi xuất khẩu lao động, hai vợ chồng chị Nga làm ăn ở các tỉnh phía Nam, chị Nga mang thai con đầu lòng nên mới về chơi với bố mẹ được ít hôm thì xảy ra vụ tai nạn đau lòng.
Trong đêm 1-1 và ngày 2-1, trực tiếp đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có mặt tại hiện trường thăm hỏi các gia đình nạn nhân, chỉ đạo điều tra, giải quyết vụ việc. UBND huyện Nông Cống đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 7 triệu đồng, UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, hỗ trợ 5 triệu đồng với mỗi nạn nhân tử vong, 3 triệu đồng cho người bị thương.
Bác sĩ Lê Duy Long - khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bà Nguyên được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, xuất hiện nhiều cơn gồng cứng, xoắn vặn do thiếu o xy não. Các y, bác sỹ của khoa Hồi sức tích cực tập trung cao độ cấp cứu nạn nhân bằng biện pháp đặt ống nội khí quản, thở bằng máy, kiểm soát dịch điện giải, chống có giật. Đến ngày 2-1, bà Nguyên vẫn hôn mê sâu, đang rất nguy kịch đến tính mạng. Các bác sỹ đang tập trung mọi nhân lực, trang thiết bị y tế hiện đại để giành lại sự sống cho nạn nhân". |
'Vọng phu' xóm biển Đằng sau mỗi chuyến đi biển của những người ngư dân là cơm áo, là nợ nần, là hình ảnh vợ ngóng, con trông nơi các làng chài ven chân sóng. Ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có một xóm chài nghèo, mà nhiều người phụ nữ chung một ngày giỗ chồng. Họ cứ như những hòn “vọng phu” bên biển, chiều chiều ngồi bên mép cửa, nhìn ra phía biển, ngóng trông những người chồng đi mãi không về. |
Nghẹn ngào nước mắt tiễn đưa thai phụ trong vụ chìm phà Hàng trăm người dân sống gần khu vực đã tìm đến nhà anh Võ sau khi biết được hung tin về cái chết của chị Thẩm. Ai nấy mặt mày đều ủ rũ, buồn rượi, tiếc thương cho số phận quá bi thương của hai vợ chồng trẻ vừa mới cưới. |
Theo CAND