Sự thật về... gạo giả
Một hộ dân ở TP.HCM sau khi mua một loại gạo mới về nấu cơm đã phát hiện một số biểu hiện bất thường như cơm hạt chín, hạt sống, cứng như nhựa; cho vào chảo rang thì hạt gạo cháy đen, bốc mùi khét... Phóng viên đã tìm hiểu và phát hiện sự thật về... gạo giả, gạo nhựa.
Cơ quan chức năng khẳng định chưa phát hiện gạo nhựa ở Việt Nam |
Thông tin về trường hợp một hộ dân ở TP.HCM sau khi mua gạo về nấu cơm thì phát hiện có hiện tượng bất thường, nghi là gạo nhựa một lần nữa lại gây hoang mang dư luận. Tuy vậy, cơ quan chuyên môn khẳng định, chi phí làm gạo giả đắt hơn gạo thật, do vậy, không đối tượng nào làm giả gạo với mục đích thương mại.
Mẫu kiểm tra là gạo thật
Một hộ dân ở TP.HCM sau khi mua một loại gạo mới vềnấu cơmđã phát hiện một số biểu hiện bất thường như cơm hạt chín, hạt sống, cứng như nhựa; cho vào chảo rang thì hạt gạo cháy đen, bốc mùi khét... Ngay sau đó, cơ quan quản lý thị trường TP.HCM đã vào cuộc tìm hiểu. Được biết, loại gạo mà hộ dân này mua về ăn là gạo Nàng Hoa 9, một loại gạo dẻo, thơm và khó nấu.
Chủ cơ sở kinh doanh gạo cho biết, đã mua 700kg gạo Nàng Hoa 9 ở Gò Công, Tiền Giang và đã bán cho 30-40 người, nhưng không có ai phản hồi gì về sự bất thường của loại gạo này. Gia đình chủ cơ sở bán gạo đã mang loại gạo này nấu thử và thấy bình thường.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiquad), Cục Trồng trọt - đại diện phía Nam (Bộ NN&PTNT) ngay sau đó đã vào cuộc, tiếp cận mẫu gạo nghi là nhựa nói trên để kiểm tra.
Chiều 4-10, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (đại diện phía Nam) khẳng định, qua kiểm tra, phân tích cho thấy, mẫu gạo này là gạo thật. “Gạo này là gạo thật, không có chuyện gạo nhựa hay gạo giả như nghi vấn trước đó”, ông Phạm Văn Dư khẳng định.
Về thông tin khi rang, gạo cháy đen và có mùi khét bốc lên như nhựa, ông Phạm Văn Dư cho rằng, để xác minh và có câu trả lời chính xác, cần thời gian để điều tra, phân tích. Cụ thể, phải xem trong quá trình gieo trồng, thu hoạch, nông dân đã sử dụng những loại thuốc trừ sâu nào, trong quá trình bảo quản có sử dụng hóa chất gì không...
Thông tin về gạo giả đang gây hoang mang. |
Chi phí làm gạo giả đắt hơn gạo thật
Cũng theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc làm gạo giả tương đối phức tạp, trong khi gạo thật ở Việt Nam vừa đa dạng về chủng loại, vừa rẻ, phổ biến ở tất cả các nơi thì việc làm gạo giả để bán cho người tiêu dùng là rất khó xảy ra.
Trả lời về nghi vấn, liệu có tình trạng, đối tượng hám lợi sản xuất gạo giả, gạo nhựa để bán cho người tiêu dùng, ông Phạm Văn Dư nhìn nhận: “Kinh doanh thì phải mang về lợi nhuận. Giá gạo ở Việt Nam vừa rẻ, vừa đa dạng về chủng loại, chưa kể một số loại gạo nhập khẩu. Chúng ta xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Do vậy, hoàn toàn không có việc sản xuất gạo giả để bán kiếm lời, vì chi phí sản xuất gạo giả đắt hơn gạo thật”.
Cùng chung đánh giá về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Nafiquad cho rằng, những năm gần đây. đã xuất hiện nhiều thông tin về gạo giả, gạo nhựa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng đều khẳng định, chưa có gạo giả, gạo nhựa xuất hiện ở Việt Nam.
“Bà con hoàn toàn yên tâm vì chuyện làm gạo nhựa, gạo giả bán kiếm lời là không có”, ông Phùng Hữu Hào trấn an.
Theo ông Phùng Hữu Hào, để người dân có thể vững tâm hơn, không khó để kiểm tra, nhận biết. Cách thứ nhất, chỉ cần ngâm vào nước, dựa vào sự nổi chìm của hạt gạo là phân biệt được. Cách thứ hai, đó là ngâm vào nước khoảng vài tiếng sau đó xay hoặc nghiền, nếu là hạt gạo thật thì dễ dàng trở thành bột mịn và tinh bột. Nếu là hạt nhựa hoặc cao su thì không thể.
Ngoài ra, có thể đưa vào phòng kiểm nghiệm phân tích, để biết thành phần Amyloza và Amylopectin trong gạo.
Theo PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Song, chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất rất tốn kém và cần kỹ thuật cao.
Lãnh đạo Cục Nafiquad thông tin: “Việc kiểm tra gạo thật hay gạo giả rất đơn giản và nhanh chóng. Bất kỳ người dân nào, khi thấy gạo có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ là gạo giả, gạo nhựa, có thể gửi về các Trung tâm phân tích của Nafiquad ở các tỉnh, thành phố để kiểm nghiệm”. Theo đó, tại TP. HCM, người dân có thể gửi về Trung tâm phân tích chất lượng nông sản ở 30 Hàm Nghi, quận 1; tại Hà Nội, người dân trực tiếp gửi về Cục Nafiquad tại số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình hoặc Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tại 143 Hồ Đắc Di, Đống Đa... |
Chưa phát hiện “gạo giả” trên thị trường Việt Nam Trước thông tin “gạo giả” làm từ nhựa độc hại, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, đến nay, các cơ quan của Bộ chưa thu thập căn cứ xác đáng về loại “gạo giả” này. |