Cải tiến hay cải... lùi?
Khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Đã lường trước được những tình huống khó khăn xảy ra trong kỳ thi”. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì dường như không phải như vậy!
Phụ huynh cũng… khóc
Kỳ tuyển sinh đại học 2015 chưa đến hồi kết nhưng hạn chế của kỳ thi thì đã bộc lộ và những ngày qua nó đã khiến nhiều thí sinh và gia đình phải sống trong tình trạng lo lắng. 20 ngày mà Bộ Giáo dục & Đào tạo dành thời gian cho thí sinh nghiên cứu để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 bỗng trở thành thành cuộc “tra tấn” tinh thần mà cả thí sinh và phụ huynh đang phải gánh chịu.
Còn nhớ chiều này 12/8, tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, người viết bài này đã chứng kiến cảnh hai cha con thí sinh T.T.L (TP. Vinh - Nghệ An) ngồi thất thần tính toán sau khi hoàn thành xong môn thi năng khiếu. Bình thường thi xong thí sinh được thở phào ra về. Nhưng lần này thì khác, cha con T.T.L phải nán lại Hà Nội để đợi đến ngày 15/8 sẽ có kết quả môn thi năng khiếu. Khi ấy, sẽ rõ khả năng đỗ - trượt, còn kịp… tính toán.
Mặc dù, thời gian này Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có phương án “hỗ trợ” thí sinh bằng cách cho phép rút hồ sơ tại địa phương thông qua sở Giáo dục & Đào tạo, hoặc trường THPT do sở Giáo dục & Đào tạo quy định, nhưng cha con thí sinh T.T.L cho rằng: Rút trực tiếp tại trường để chủ động hơn, vì thời gian không còn nhiều.
Bao giờ mới “gỡ rối” cho thí sinh? Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức đã kết thúc, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho thí sinh 20 ngày để lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1. Những tưởng đó là quãng thời gian “thoải mái” để “ngắm nghía”, cân nhắc, song thực chất những quy định tuyển sinh mới đang … làm khó cho cả thí sinh, phụ huynh và các trường Đại học (ĐH). |
Xét tuyển vào đại học: Tốn kém vẫn hoàn… tốn kém! Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng đã quá phần nửa nhưng nhiều thí sinh và ngay cả các trường cũng vẫn còn đang rất… bối rối. |
Điểm liệt, đừng đổ lỗi cho học trò! Kết quả kỳ thi THPT năm nay thấp hơn năm ngoái và dư luận xem ra có vẻ vui mừng trước kết quả này, coi đó là một phản ánh thực chất về trình độ của học sinh. Nhưng dư luận cũng choáng váng bởi có đến khoảng 40.000 học sinh bị điểm liệt môn Toán, lại hàng ngàn học sinh điểm liệt môn Ngoại ngữ, rồi số lượng học sinh liệt môn Sử, môn Văn cũng không ít. |
Từ TP. Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội, mỗi ngày cha con T.T.L phải trả 250 nghìn/ngày tiền phòng, đó còn chưa kể những chi phí khác. Mặc dù điểm của con gái khá cao (25 điểm cho 3 môn xét tuyển khối C vào Học viện khoa Báo in - PV) thế nhưng phụ huynh của em L vẫn không khỏi lo lắng.
Rớm nước mắt, phụ huynh này nói: “Với cách xét tuyển như năm nay tôi thấy khổ quá. Như mọi năm, số điểm cao như con tôi đã cầm chắc phần đỗ nhưng năm nay thì chưa biết thế nào mà lần. Con tôi khi thi xong môn năng khiếu, cũng phải lo chuẩn bị nếu không đỗ thì tính toán nên đăng ký vào trường nào. Từ ngày con thi THPT đến giờ, gia đình tôi lúc nào cũng như ngồi trên lửa. So với mọi năm thì cách thi năm nay tốn kém hơn nhiều, như con tôi, ngoài một kỳ thi chung là THPT quốc gia sẽ phải dự thi thêm kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức. Đó còn chưa kể trầu trực rút hồ sơ nếu trượt… Thật là tốn kém”.
Rất may cho T.T.L, sau khi Học viện Báo chí Tuyên truyền công bố điểm trúng tuyển, với điểm thi năng khiếu cao, em đã vào trường với số điểm xuất sắc. Thế nhưng, những thí sinh thi cùng L. thì lại bắt đầu một cuộc đua mới là rút – nộp hồ sơ.
Canh bạc cuối cùng
Không được may mắn như phụ huynh của thí sinh T.T.L kể trên, chị Phạm Thị Phương (Thanh Trì - Hà Nội) kể: Hai mẹ tôi bắt xe buýt từ Thanh Trì lên Đại học Bách khoa Hà Nội, làm thủ tục xin rút hồ sơ. Giờ rút xong lại về tính xem nộp vào trường nào khác. Tôi thấy thế này thật quá mệt mỏi. Mọi năm thi xong rồi đỗ, trượt rõ ràng. Năm nay thi xong còn khổ hơn cả lúc chưa thi, cứ sống trong thấp thỏm.
Thí sinh rút hồ sơ tại trường Bách Khoa (Ảnh Phạm Mai) |
Đôi mắt ậng nước, chị Phương nói tiếp: "Tôi không hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo sẽ có lợi cho thí sinh ở điểm nào, nhưng là người trong cuộc tôi như muốn phát điên vì… thương con. Những ngày qua nó cứ ôm máy tính để lên mạng Internet xem số thứ tự của mình ở mức nào, lúc nào cũng thấp thỏm đến ăn cũng vội vàng, giờ rút hồ sơ nộp trường khác cũng chưa biết thế nào...!".
Đó chỉ là một trong hàng nghìn thí sinh đang có nguyện vọng rút hồ sơ tại các trường.
Theo khảo sát của PV thì ngay từ những ngày đầu nộp hồ sơ, các trường ĐH Top trên thu hút được thí sinh hơn cả. Thế nhưng những ngày cuối cùng này, lượng rút hồ sơ tại những trường Top đầu cũng ở mức đỉnh điểm.
Tại trường Bách Khoa Hà Nội, thí sinh xếp thành hàng dài nối đuôi nhau để chờ đến lượt rút hồ sơ. Trung bình mỗi ngày lượng thí sinh đến rút hồ từ 400 - 500 hồ sơ/ ngày. Tính đến hết ngày 13/8, có trên 1.600 thí sinh đến rút hồ sơ trong tổng số gần 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp vào trường. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tính đến nay cũng có trên 1.200 bộ hồ sơ được rút ra. Đại học Sư phạm Hà Nội riêng ngày 15/8 cũng đã khoảng 350 thí sinh đến rút hồ sơ…
Ngày 20/8 sẽ là hạn cuối để các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Và mặc dù năm nay mỗi thí sinh có đến 4 nguyện vọng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thế nhưng mong muốn đỗ nguyện vọng 1, nhiều thí sinh coi đây là… canh bạc cuối cùng. Thành thử càng đến ngày "nước rút", số lượng thí sinh rút ra càng tăng lên. Phần do thí sinh lo lắng, phần do có hiện tượng thí sinh điểm cao “ém” điểm, đợi gần cuối mới tung đòn quyết định. Mới có tình trạng nhiều thí sinh đang trong khoảng điểm đỗ bỗng chốc bị… đánh bật.
Trong trạng thái bị “bật bãi” này, nhiều thí sinh hoang mang như đang đứng trước ngã ba đường bởi không biết sẽ nộp hồ sơ vào trường nào cho đúng.
Bộ Giáo dục đã quá chủ quan?
Không phải ngẫu nhiên mà PGS. Văn Như Cương lại đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia năm nay “thất bại hoàn toàn”. Bởi những gì đang diễn ra khiến ông ngày càng mất niềm tin vào những gì đang được xem là đổi mới của ngành giáo dục.
Và dù có khẳng định “lường trước được các tình huống” xảy ra thì hình ảnh thí sinh, lẫn phụ huynh chạy đôn, chạy đáo, mất ăn mất ngủ vì việc xét tuyển, nộp rồi rút hồ sơ là phản ánh chân thực nhất.
Công bằng nhìn nhận thì kỳ thi THPT quốc gia không phải không có những ưu điểm. Thế nhưng, những tiêu chí được đặt nên hàng đầu như minh bạch trong thi cử, giảm thiểu chi phí cho xã hội, đặc biệt là giảm thiểu áp lực thi cử cho thí sinh… thì dường như lại ở tình trạng thê thảm hơn những năm trước.
Phần nhiều trong tất cả các khâu đều cho thấy sự lúng túng của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đơn cử, chỉ riêng việc ban hành quy chế tuyển sinh Bộ đã có tới 4 văn bản chỉ đạo ngày “chốt” sửa đổi thông tin hồ sơ của thí sinh. Đến giờ, khi đăng ký xét tuyển đã tiền hậu bất nhất.
Ban đầu Giáo dục & Đào tạo quy định: Thí sinh phải đến tận trường nộp đăng ký xét tuyển nguyện vọng để rút hồ sơ. Thế nhưng trước tình cảnh không thể kiểm soát như nhiều thí sinh ở xa, lượng thí sinh rút hồ sơ nhiều… gây khó khăn, vất vả cho thí sinh và nhà trường thì Bộ lại chuyển hướng cho rút hồ sơ tại Sở Giáo dục & Đào tạo địa phương.
Thêm nữa, trong quá trình tuyển sinh bộ đã chủ quan bằng phần mềm lọc ảo thí sinh. Thế nhưng phần mềm này hiện nay chưa chạy, bởi nó chỉ chạy khi thí sinh hoàn tất nộp hồ sơ nên số lượng thí sinh ảo lớn. Bên cạnh đó, thay vì ban hành quy chế chung về việc công bố lượng hồ sơ xét tuyển thì Bộ lại… quên bẵng. Thành thử mỗi trường công bố một kiểu, thí sinh rất khó nắm bắt thông tin tuyển sinh, mới xuất hiện việc hoang mang không biết mình nên “đứng chỗ nào cho phải”.
Thật khó để kỳ vọng sự thành công tuyệt đối của một kỳ thi được cho là đổi mới đầu tiên. Thế nhưng, những gì đang diễn ra khiến nhiều người cho rằng đây là một bước lùi của giáo dục.
Huyền Anh