Mỹ lại vừa “bán” thêm một đồng minh
Mỹ đã bỏ rơi người Kurdistan khi nhắm mắt làm ngơ mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ không kích, để đổi lấy quyền được sử dụng các khu căn cứ quân sự trên đất Thổ phục vụ cho việc dội bom tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt nhiều mục tiêu của IS và PKK trong những ngày gần đây |
Báo Le Monde, Pháp, ra ngày 1/8 nhắc lại rằng, những ngày gần đây quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dội bom lên các khu căn cứ của đảng PKK (nằm ở phía bắc Iraq) và có chủ ý hay không, một ngôi làng người Kurdistan ở Syria. Nói một cách khác, là Ankara đang nhắm vào một số các chiến binh, những người chống IS nghiêm túc nhất.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 3/8 tuyên bố chính phủ sẽ đẩy mạnh chiến dịch truy quét các tay súng thuộc đảng PKK trong bối cảnh vòng xoáy bạo lực kéo dài suốt hai tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trao đổi với báo giới sau khi kết thúc chuyến công du châu Á, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh giới chức người Kurd ở miền Bắc Iraq cần triển khai các biện pháp nhằm vào các căn cứ của lực lượng PKK, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, tại đây. Ông đồng thời khẳng định Ankara sẽ tự vệ bằng mọi cách nếu giới chức người Kurd ở Iraq không hành động.
Về mặt chính trị, chiến dịch tấn công PKK cho thấy Tổng thống Erdogan dường như quyết định bỏ rơi các cuộc đàm phán hòa bình mở ra từ năm 2012 với đảng PKK, cũng như là thỏa thuận ngừng bắn từ năm 2013. Ông Erdogan cũng đang liều lĩnh mở lại cuộc nội chiến khủng khiếp, kéo dài trong vòng 30 năm, tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ. Và như vậy ông cũng chống lại đảng ủng hộ Kurdistan HDP (trung tả). Đảng này đã gặt hái được thành công trong kỳ bầu cử quốc hội hôm 7/6 vừa qua, với 80 ghế đại biểu, làm cho đảng AKP (theo Hồi giáo cực đoan - bảo thủ) của Tổng thống đương nhiệm mất đa số tuyệt đối ở Quốc hội.
Theo giới quan sát, có một kiểu lôgic trong chính sách của ông Erdogan. Đối với Ankara, PKK – tổ chức thực thi các hành động khủng bố - mới là đối thủ chính chứ không phải là quân thánh chiến Hồi giáo IS. Tổ chức này cũng thực hiện chính sách gây sợ hãi còn rộng lớn hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể cũng muốn chiêu dụ một bộ phận cử tri cánh tả theo chủ nghĩa dân tộc, nhằm thiết lập một chính phủ liên minh cầm quyền. Chính đảng này đã cực lực phản đối thương thuyết với PKK.
Bất kể đó là động cơ nào của Tổng thống Erdogan, thỏa thuận Mỹ - Thổ trong tuần qua, được NATO cổ vũ, dường như là những thỏa thuận mơ hồ nhất. Ngày 23/7, truyền thông Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ loan tin Tổng thống Erdogan đã đồng ý cho chiến đấu cơ của Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ để phát động những cuộc tấn công nhắm vào IS bên trong Syria, dù Washington từ chối công khai nêu chi tiết về sự hợp tác mới giữa hai nước.
Những bản tin, đăng trên nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ và The Wall Street Journal và The New York Times của Mỹ, cho biết thỏa thuận đã được hoàn tất trong một cuộc điện đàm hôm 22/7 giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông không thể trả lời trực tiếp câu hỏi về căn cứ Incirlik vì "những mối lo ngại an ninh liên quan đến hoạt động", nhưng nói rằng ông Obama và ông Erdogan đã "thảo luận những nỗ lực tăng cường hợp tác để ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài (đổ về IS) và giữ an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria".
Quân đội Mỹ từ lâu đã hoạt động tại căn cứ Incirlik nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho Mỹ sử dụng nơi này để mở những cuộc tấn công nhắm vào IS.
Căn cứ không quân này cách Raqqa, thành trì của IS ở Syria, khoảng 400 km và sẽ rút ngắn đáng kể quãng đường 1.900 km mà chiến đấu cơ của Mỹ phải vượt qua để thực hiện những phi vụ ném bom từ Iraq vào Syria.
Báo Hurriyet cho biết thỏa thuận chung về việc sử dụng căn cứ Incirlik cho những cuộc tấn công mới đã đạt được vào đầu tháng 7. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hàng nghìn vụ ném bom nhắm vào những vị trí IS ở Syria và Iraq và nói rằng họ đã có một số thành công trong việc ngăn chặn đà tiến của những kẻ chủ chiến. Nhưng IS vẫn kiểm soát những mảng rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq, và ở miền tây Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không xa.
Theo Le Monde, Mỹ có lẽ nên tỏ rõ quan điểm của mình trong thỏa thuận trên với Thổ Nhĩ Kỳ, trừ phi muốn chạy theo rủi ro để bị lên án là đã “bán đứng” người Kurdistan- một cách vừa vô sỉ vừa khinh suất.
Trò chơi hai mặt của Trung Quốc tại Ukraina |
Mỹ an ủi những đồng minh vừa bị... bán tháo |
Mỹ bị đồng minh “bán tháo”? |
H.Phan