Lại MA DA...
Bạn đọc: Trên Năng lượng Mới số 438 cho rằng, “da” trong “ma da” không phải do tiếng Chăm “ýa” mà ra, ông An Chi đã viết: “Xin nhớ rằng tất cả các từ ngoại lai (do vay mượn) mà đi được vào tiếng Việt thì đều là và phải là những từ độc lập. Xin nêu vài thí dụ về từ gốc Pháp: - “bia” do “bière” (không phải do “beer”) mà ra nhưng ta có thể nói “bia bọt”, “bia hơi”, “bia tươi”, “hãng bia”, “bia Tiger”, “bia Sapporo”, “nốc bia”, “rót bia”, “vại bia” (…) Còn “*da” với nghĩa là “nước” thì tuyệt đối không”. Nhưng trên facebook, sau khi nhắc lại ý kiến trên đây của ông thì Quang Nguyen (California) đã đưa ra một số địa danh ở Đắk Lắk có ý để chứng minh ngược lại. Tôi mạn phép hỏi tiếp xem ý ông thế nào? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Thành Thông (TP Vũng Tàu)
DA trong MA DA nghĩa là gì?
Bạn đọc: Có ý kiến cho rằng, “da” trong “ma da” có nghĩa là nước và bắt nguồn ở từ “ya” có nghĩa là “nước” của tiếng Chăm nên “ma da” có nghĩa là “ma nước”. Xin ông cho biết ý kiến? Cảm ơn ông. Nguyễn Thành Thông (TP Vũng Tàu) |
An Chi: Trên facebook, bạn Quang Nguyen đã viết như sau:
“Theo thiển ý, MA DA là MA NƯỚC. DA, YA trong tiếng Chàm có nghĩa là nước, sông, hồ...
Âm /da/ = nước, sông... thường được ký âm là /ea/ trên các bản đồ thủy văn của nhà nước.
Ở tỉnh Đắk Lắk thấy ghi:
“Sông Ea H’Leo bắt nguồn từ độ cao 800m trên địa phận xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, có chiều dài 143km chạy qua 2 huyện Ea H’leo và Ea Sup trước khi hợp lưu với suối Ea Lốp cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 1km rồi đổ vào sông Srêpok trên đất Campuchia. Diện tích lưu vực của sông Ea H’leo là 3.080km2 nằm trên địa bàn 6 huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Sông Ea H’Leo có nhánh chính là suối Ea Súp có diện tích lưu vực 994km2, chiều dài 104km. Trên dòng suối này đã xây dựng 2 công trình thủy lợi lớn Ea Sup hạ và Ea Sup thượng để tưới cho vùng Ea Sup với diện tích trên 10.000ha”.
Chúng tôi rất hoan nghênh bạn Quang Nguyen đã có thiện ý trao đổi để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Trên Năng lượng Mới số 438, chúng tôi đã viết: “Nhưng tất cả hãy còn ở phía trước vì đây là chuyện cần phải tìm hiểu thêm và thẩm định một cách thận trọng trước khi khẳng định”. Cho nên có thể là trong tương lai (gần hoặc xa) chúng tôi cũng sẽ phải chỉnh sửa lại luận điểm của chính mình. Còn trong trường hợp này thì chúng tôi vẫn phải nói rằng, bạn Quang Nguyen đã nhầm lẫn ở mấy điểm trọng yếu về nguyên tắc khi thảo luận.
Trước nhất, bạn đã không phân biệt danh từ riêng với danh từ chung về mặt đặc trưng. Cho đến bây giờ, người ta vẫn xếp hai loại danh từ này vào từ loại danh từ nhưng thực ra thì danh từ riêng không nằm trong từ vựng của ngôn ngữ. Chẳng hạn Bắc Bộ có nhiều địa danh mà yếu tố thứ nhất là một hình vị Tày -Thái như: “huổi” (= suối), “nà” (= ruộng), “nậm” (= sông”), “pu” (= núi), “thẩm” (= hang), v.v... Thí dụ: Nậm Pút, Nậm Ét, Nậm Luông, Nậm Lập, v.v...; Thẩm Tấu, Thẩm Bưng, Thẩm Sưa, Thẩm Cọng, Thẩm Giắt, Thẩm Bóng, Thẩm Mạ, Thẩm Dương, v.v... ở Sơn La. Nhưng những hình vị này (“nậm”, “thẩm”, v.v…) không hề đi vào từ vựng của tiếng Việt để trở thành những từ độc lập. Hình vị “ea” mà bạn Quang Nguyen đã dẫn cũng thế: nó không phải là từ của tiếng Việt. Vì vậy nên ta không thể dựa vào danh từ riêng, mà lại là danh từ riêng trong tiếng M’nong hoặc tiếng Ê-đê ở Đắk Lắk, để kết luận rằng “da” trong “ma da” có nghĩa là nước. Đây là điểm nhầm lẫn thứ nhất.
Điểm nhầm lẫn thứ hai của bạn Quang Nguyen là bạn đã đánh đồng tiếng Chăm với tiếng Ê-đê và tiếng M’nông. Vẫn biết rằng, đây là ba ngôn ngữ đồng hệ nhưng khi bạn đang nói về tiếng Chăm thì, về nguyên tắc, bạn không thể lấy tiếng Ê-đê hoặc tiếng M’nông thay cho tiếng Chăm. Tỉnh Đắk Lắk, nơi có sông Ea H’Leo, suối Ea Lốp và suối Ea Súp là địa bàn sinh tụ của người Ê-đê và người M’nông, chứ không phải của người Chăm.
Điểm nhầm lẫn thứ ba của bạn Quang Nguyen thì rất thú vị vì bạn đã bắt nhầm rễ thối: Bài “Từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt” của Lý Tùng Hiếu và Lê Trung Hoa mà bạn đã dẫn mới chỉ là những mục “dàn hàng ngang” rất giản lược về ngữ âm và ngữ nghĩa mà một sự thẩm định nghiêm túc sẽ buộc phải gạt bỏ khá nhiều mục. Riêng cái hàng ngang chủ chốt của bạn là “patao ia (thủy thần) ↔ ma da” thì lại còn cực kỳ tùy tiện. Trong tiếng Chăm thì “patao” là “vua” mà hai tác giả lại ép cho nó đẻ ra từ “ma” của tiếng Việt thì… còn gì để nói. “Ma” trong tiếng Chăm là “phut” (từ điển của Moussay ghi có dấu chấm (.) dưới chân của chữ “p” nhưng chúng tôi không có ký hiệu này). Thực ra “patao ia” là vua nước, tồn tại song song với “patao apuy” là vua lửa (ngoài ra còn có một ông vua nữa, ít được biết đến là “patao angin”, tức vua gió). Vua nước và vua lửa thì tiếng Jarai giống tiếng Chăm còn tiếng Ê-đê là “mtao ea” và “mtao puy”. Đó là những ông vua không ngai vì thực chất chỉ là thủ lĩnh tinh thần bằng xương bằng thịt, nghĩa là những con người có thực mà triều đình Huế gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá. “Patao ia” chẳng những là người thực, mà lại còn là thủ lĩnh nữa, thì ta nỡ nào biến ông ta thành… “ma da”.
Tóm lại, những cứ liệu mà bạn Quang Nguyen đưa ra hoàn toàn không có tác dụng gì cho việc chứng minh rằng, “da” trong “ma da” là một từ gốc Chăm, có nghĩa là nước.
A.C