Sabeco trốn thuế hay pháp luật có lỗ hổng?
Những ngày gần đây, thông tin về việc Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị kiến nghị truy thu 480 tỉ đồng đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Vậy chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Ảnh minh họa |
“Bầu” Kiên bị truy tố với 4 tội danh | |
Tiếp bước Keangnam, Pepsi lại giở giọng “cùn” | |
"Bảo kê" trốn thuế! |
Trước hết phải khẳng định rằng, Sabeco chính là “ông lớn” trên thị trường đồ uống Việt Nam với những dòng sản phẩm như bia chiếm tới 46% thị phần. Vậy nên, khi thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị truy thu thuế, mà là thuế tiêu thụ đặc biệt (loại thuế gián thu đánh vào một số mặt hàng đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá, ô tô, kinh doanh vũ trường, karaoke… ) với mức thu truy thu lên tới 480 tỉ đồng không khiến người ta sốc. Sở dĩ có điều này bởi doanh thu của Sabeco những năm gần đây lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó riêng năm 2015, Tổng công ty đặt mục tiêu là 31.721 tỉ đồng…
Như vậy, nếu Sabeco thực sự bị truy thu thuế thì con số 480 tỉ đồng là có thể hiểu được và có lẽ, nó cũng xứng tầm với vị thế của một “ông lớn” như Sabeco!
Vậy Sabeco có trốn thuế để rồi phải chịu truy thu hàng trăm tỉ như vậy?
Nghi vấn này được đặt ra khi KTNN thông tin, Sabeco đã thành lập và phân phối sản phẩm của mình qua các công ty con (Công ty Thương mại Sabeco). Sabeco tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho từng sản phẩm căn cứ vào giá bán của những công ty con này. Tuy nhiên, Công ty con lại tiếp tục “đưa” hàng đến 10 công ty cổ phần thương mại khu vực (những công ty này hầu hết do Sabeco chiếm cổ phần chi phối). Rồi từ 10 công ty này, các sản phẩm của Sabeco mới được đưa đến các đại lý cấp 1, cấp 2.
Một cách khách quan mà thấy, việc Sabeco chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm bán cho công ty con có phần không thỏa đáng bởi rõ ràng. Khi sản phẩm của Sabeco qua công ty con đến công ty cổ phần thương mại khu vực, giá sẽ tăng lên một mức nhất định và khi đưa đến các đại lý thì chắc chắn, độ chênh lệch sẽ tăng.
Trong khi đó, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, với riêng mặt hàng bia từ năm 2013 sẽ chịu mức thuế suất là 50%. Và tại Thông ty 05 hướng dẫn một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định: Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của sơ sở kinh doanh đó bán ra.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có hay không chuyện Sabeco lập ra các “chân rết” để hưởng lợi nhuận “trục lợi” từ khoản chênh giá bán 10%.
Có thể hình dung câu chuyện này như sau: Giá một chai bia bán đến tay người tiêu dùng là 10.000 đồng. Và theo Thông tư 05, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nhất là 9.000 đồng. Và nếu chuyện chỉ đến đây thì không có gì để nói nhưng ở khâu bán lẻ, tức giá bia là 10.000 đồng, khoản lợi nhuận đến từ khoản chênh 1.000 đồng này lại “chảy” ngược lại vào chính túi Sabeco do Tổng công ty này nắm quyền chi phối là các “công ty thương mại khu vực”.
Nói thế để thấy rằng, nghi vấn Sabeco trốn thuế xem ra cũng có thể hiểu được!
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, pháp luật ở nước ta lại không cấm các doanh nghiệp lập các công ty con, công ty liên kết, tham gia góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Vậy nên, chuyện Sabeco lập công ty con, có vốn góp tại các công ty thương mại khu vực là không trái luật.
Từ thực tế trên, một cách công tâm mà nói, câu chuyện ở Sabeco xem không chỉ riêng trách nhiệm của Sabeco mà nó còn có cả trách nhiệm của chính cơ quan thuế!
Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)