Nếu không thay đổi, châu Á sẽ gánh thảm họa môi trường
(Petrotimes) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo châu Á sẽ phải đối mặt với một thảm họa về môi trường và các vấn đề kinh tế nếu khu vực này không thay đổi cách sử dụng năng lượng triệt để của mình.
Đến năm 2035, khu vực châu Á sẽ tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.
Trong báo cáo thường niên mới nhất, ADB đã dành hẳn một chương đặc biệt về những thách thức năng lượng có thể được xem như tài liệu quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách.
Theo ADB, đến năm 2050, kinh tế châu Á chiếm đến một nửa nền kinh tế thế giới. Đồng thời, đến năm 2035, khu vực châu Á sẽ tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Nếu châu Á không thay đổi cách sử dụng năng lượng thì lượng tiêu thụ dầu của khu vực sẽ tăng gấp đôi, khí thiên nhiên - tăng gấp ba và than đá tăng gần 81% so với hiện nay.
Joseph Zveglich, Phó chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cho biết điều này sẽ tác động đến khí hậu mạnh mẽ, lượng khí thải CO2 sẽ đạt mức tối đa trên toàn cầu.
Hệ quả của nó là người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Hai tỷ người hiện vẫn sống dựa vào nguồn gỗ và các nhiên liệu truyền thống khác. Do đó, các nguồn năng lượng mới với giá cả phải chăng là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế của châu Á.
Ngân hàng ADB đề nghị các biện pháp khắc phục như cắt giảm trợ cấp nhiên liệu nhằm giảm 2,5 tỷ tấn khí thải carbon tiềm năng vào năm 2035. Ngoài ra, các quốc gia cần tăng cường hỗ trợ cho các công nghệ năng lượng tái tạo, đổi mới quy mô nhỏ cho các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa.
Ông Joseph Zveglich cũng đề nghị hợp tác khu vực để cung cấp năng lượng bền vững xuyên biên giới, ví dụ như thủy điện hoặc nhiên liệu.
Ông Joseph Zveglich cho rằng tất cả các nguồn năng lượng cần được xem xét dựa trên lợi thế tương quan giữa các nước nhưng chúng ta nên đảm bảo rằng tất cả các khoản đầu tư mới cần phải chú ý đến yếu tố sạch.
Th. Long (Theo AP)