Hàng loạt chim yến chết do virus cúm A/H5N1:
Nỗi lo virus cúm A từ... chim trời
(Petrotimes) – Liên quan đến việc chim yến chết hàng loạt vì nhiểm virus cúm A/H5N1, phía Chi cục Thú y TPHCM cho biết rất khó kiểm soát và các đơn vị chống dịch phải luôn trong tư thế cảnh giác, sẵn sàng chống dịch.
Người nuôi yến an tâm vì đã đề phòng?!
Trước thông tin hàng nghìn con chim yến tại Ninh Thuận chết vì nhiễm virus cúm A/H5N1, thì những chủ hộ nuôi chim yến tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là huyện Cần Giờ đã bắt đầu có những biện pháp tự phòng chóng, đối phó.
Người nuôi yến bước đầu có những biện pháp phòng dịch cúm A/H5N1
Chia sẻ với PV Petrotimes, bà Tám Gấm - một chủ hộ nuôi yến tại “thủ phủ” của chim yến, xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) cho biết sáng ngày 11/04 bà đã tiến hành rải vôi xung quanh nhà nuôi yến. Để chắc chắn hơn, bà cho biết cũng đã mua một số thuốc phòng ngừa cúm để phun xung quanh nhà yến.
Bà nói: “Chim yến ngoài Ninh Thuận mắc bệnh nhưng trong này thì không có, chim vẫn khỏe mạnh bình thường”. Bà cũng cho biết tuy phía xã, Hội nông dân xã chưa đến hướng dẫn hay trao đổi về các biện pháp phòng ngừa, đối phó với dịch cúm A/H5N1 nhưng bà đã chủ động thực hiện theo kinh nghiệm của bà. Bà cũng nói khá an tâm với các biện pháp phòng ngừa mà mình đã áp dụng.
Tương tự tại một hộ nuôi yến nhỏ trong nhà tại huyện Bình Chánh, TPHCM cũng đã tiến hành rải vôi quanh nhà yến để phòng dịch bệnh, kèm theo phun thuốc ngừa khác. Một hộ nuôi chim yến cho biết một số người nuôi yến ông quen biết cũng đã tiến hành những biện pháp này và khá an tâm rằng dịch bệnh sẽ không xảy ra trong thành phố.
Cơ quan chức năng nhiều lo lắng!
Nếu người nuôi yến tỏ ra an tâm với các biện pháp phòng ngừa của mình, thậm chí có nhiều hộ thờ ơ thì cơ quan chức năng khá đang lo lắng bởi nguy cơ dịch lây lan rất lớn vì khó có thể kiểm soát được chim trời.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM: Trên địa bàn TP HCM có trên 300 nhà yến trong đó tập trung nhiều trên địa bàn các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Quận 9, Quận 2, Quận 7, Thủ Đức, Quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh.
Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ cấp phép cho 10 nhà nuôi yến thuộc đề án thí điểm nuôi chim yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Các nhà nuôi yến còn lại đều xây dựng tự phát, một số hộ nuôi yến còn cải tạo một phần diện tích nhà ở thành nơi dẫn dụ, gây nuôi chim yến, dẫn đến nhiều nguy cơ dịch bệnh phát sinh.
Nhà nuôi chim yến ở Cần Giờ
Về các biện pháp phòng ngừa, đối phó trước tình hình bệnh cúm xảy ra trên chim yến tại Ninh Thuận vừa qua, Chi cục Thú y thành phố đã có văn bản gởi UBND các quận, huyện trên địa bàn yêu cầu các cơ quan liên quan hỗ trợ trạm thú y quận, huyện thực hiện lấy mẫu để giám sát tình hình bệnh cúm gia cầm H5N1 trên loài chim yến gây nuôi, hoàn tất việc lấy mẫu trong tháng 4/2013.
"Rất khó kiểm soát chim trời vì không có biên giới nào ngăn cách. Do đó, tất cả các đơn vị chống dịch đều luôn luôn trong tư thế cảnh giác, sẵn sàng chống dịch." |
Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền cho các hộ nuôi chim yến về tình hình dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan, ảnh hưởng sức khỏe cho người để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, Chi cục Thú y thành phố yêu cầu các hộ nuôi yến khi phát hiện hiện tượng chim yến chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm thú y quận, huyện để lấy mẫu giám sát, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực gây nuôi chim yến. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân như: đeo găng tay, khẩu trang khi chăm sóc, khai thác tổ yến nhằm hạn chế nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây cho người.
Và theo địa diện Chi cục Thú y TPHCM thì tuy ngành thú y thành phố vẫn lấy mẫu để giám sát virus thường xuyên với các hộ chăn nuôi nhưng việc kiểm soát còn khó khăn, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Đồng thời, Chi cục Thú y TP cũng rất khó kiểm soát chim trời vì không có biên giới nào ngăn cách. Do đó, tất cả các đơn vị chống dịch phải luôn trong tư thế cảnh giác, sẵn sàng chống dịch.
Và cho đến hiện nay thì riêng đối với bồ câu và chim yến thì vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng cúm H5N1.
Lê Trúc - Mai Phương