Đi tìm nguyên nhân gây… vô sinh ở phụ nữ?
(Petrotimes) - Trên thị trường trôi nổi những sản phẩm băng vệ sinh “rởm” không rõ nguồn gốc. Nguy hại hơn, chính những sản phẩm băng vệ sinh này là mầm mống các “ổ dịch bệnh” cho chị em phụ nữ và được coi là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Ngành chức năng đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Để tìm hiểu về xuất xứ, đường đi của những sản phẩm có thể gây “chết người” này, phóng viên Petrotimes đã đột nhập vào “lò” sản xuất.
Công ty TNHH “lò”
Thị xã Từ Sơn những năm gần đây phát triển nhanh chóng, nhiều hộ dân cũng tự thành lập một công ty tư nhân để sản xuất, kinh doanh chuyên một sản phẩm nào đó. Nơi đây lâu nay được biết đến bởi có nhiều “lò” sản xuất, “nguồn cung ứng” băng vệ sinh lớn nhất miền Bắc. Có mặt ngay tại phường Đình Bảng, sau vài phút nói chuyện với cánh xe ôm ở quán trà đá, chúng tôi có trong tay một “mớ” những cơ sở sản xuất băng vệ sinh, khăn lạnh, giấy ăn.
Có mặt tại xưởng có tên gọi là Công ty TNHH. T.C chuyên sản xuất khăn giấy, khăn lạnh. Tôi được một số người dân cho biết, trước đây cơ sở này sản xuất cả băng vệ sinh nữa nhưng hình như mới đây bị công an “sờ gáy” nên giờ chỉ sản xuất mỗi giấy ăn. Tiếp tục đi tìm hiểu những khu vực quanh đó, chúng tôi đến được địa chỉ có tên gọi là Công ty TNHH. S.H. Ở tấm biển có ghi rõ sản xuất khăn, giấy lạnh và băng vệ sinh. Vị nhân viên của Công ty này tiết lộ: “Trước đây nhà anh sản xuất cả băng vệ sinh nữa nhưng giờ nghỉ rồi. Em đi lên khu Tân Lập (Đình Bảng) hỏi tên Công Ty TNHH. V.N gặp anh giám đốc tên N, ở đó chuyên sản xuất băng vệ sinh”.
Như lời vị nhân viên nói, đến khu Tân Lập, không khó để tìm đúng địa chỉ Công Ty V. N. Gọi là xưởng thì đúng hơn, bởi nơi sản xuất băng vệ sinh của Công Ty TNHH. V.N là một ngôi nhà ống dài ra phía sau, trên được lợp tôn. Thấy người lạ xuất hiện, người đàn ông trạc tuổi 60, trên người vận áo lót, quần bảo hộ phủ đầy bụi bước ra. Trình bày lý do muốn đến để giao dịch kinh doanh đại lý sản phẩm mà cơ sở mình đang sản xuất, chúng tôi được giới thiệu vào gặp quản lý.
Băng vệ sinh không ghi rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng và các thành phần sản phẩm
Tại phòng nhỏ được ngăn cách với khu sản xuất, bà B (mẹ anh giám đốc), người tiếp và giới thiệu với chúng tôi về những sản phẩm mà “nhà mình làm được” hiện đang có và bán chạy nhất.
Được sự đồng ý của bà B, chúng tôi ra phía sau nhà xưởng để xem quy trình sản xuất băng vệ sinh. Một cỗ máy to đang chạy thình thịch. Chỉ có 2 công nhân nam đứng máy, một người phụ nữ ngồi vắt chân trên chiếc ghế, tay giữ chiếc bao tải khổng lồ hứng băng vệ sinh từ dây chuyền máy chạy xuống. Mỗi khi đầy bao tải, bà ta lại buộc miệng bao, vác lên gác đổ ra giữa nền gạch đầy rác rưởi và bụi bẩn để 4 công nhân đang đóng gói những miếng băng vệ sinh vừa được ra “lò” vào bao bì. Giữa nền xi măng đầy đất cát, những bó băng vệ sinh chất thành từng đống, vứt ngổn ngang chẳng khác gì một điểm tập kết rác. Những đôi chân trần nhem nhuốc tha hồ đi lại, dẫm đạp.
Rời Công ty TNHH.V.N. chúng tôi tiếp tục đến xã Phong Khê (huyện Yên Phong). Phong Khê nổi tiếng với nghề làm giấy. Hỏi thăm cơ sở sản xuất băng vệ sinh ở đây nhưng chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu. Bởi đơn giản một điều rằng đã có những đại lý phân phối lớn nằm ngay đầu xã. Mục sở thị 5 đại lý, tất thảy đều là nơi cung cấp băng vệ sinh với số lượng “khủng”, đủ các loại, cần bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên khi hỏi đến nhà máy, địa chỉ, xuất xứ, nguồn gốc của băng vệ sinh thì chủ đại lý phớt lờ. “Công ty đóng tại Đình Bảng (Từ Sơn), các anh muốn mua thì liên hệ với đại lý phân phối chúng tôi chứ công ty không bán hàng trực tiếp” - một chủ đại lý cho hay.
Nguyên liệu thô sơ, bán giá “bèo”, thu lợi lớn
Trong câu chuyện ngã giá với bà B, chúng tôi phải thốt lên khi biết được giá băng vệ sinh mà nhà bà B đang sản xuất. Bà B đưa cho tôi xem bịch băng vệ sinh đã được đóng sẵn, trong đó có 7 miếng và đồng ý bán cho tôi với giá 220 đồng/miếng. Với bịch có chứa 8 miếng băng vệ sinh thì bà B đồng ý bán cho tôi 300 đồng/miếng. Theo lời bà B giải thích, sở dĩ cùng một loại nhưng có hai giá chênh lệch nhau không đáng kể là vì một loại có cánh và một loại không có cánh. Khi chúng tôi đem “so sánh” băng vệ sinh của xưởng bà B với loại Kotex, Diana thì bà thốt lên rằng mấy hãng đó nổi tiếng, có thương hiệu ai mà cạnh tranh được.
Bà B ra điều kiện: “Nếu mỗi tháng các cháu tiêu thụ với số lượng nhiều thì cô sẽ giảm giá và tính cho cả tiền chi phí vận chuyển”. Mỗi tháng nhà cô xuất được khoảng 2.000 thùng (mỗi thùng 60 bịch), khách hàng chủ yếu là các nơi như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam và một số tỉnh xa như Hà Tĩnh, Quảng Bình… họ lấy với số lượng lớn, cô chở đến tận nơi. Như vậy, nếu đem so sánh giá băng vệ sinh của nhiều công ty hiện đang bán trên thị trường thì giá thành sản phẩm băng vệ sinh ở Bắc Ninh thấp hơn 8-12 lần. Vì sao băng vệ sinh lại có giá rẻ đến mức như vậy? Nó được làm từ những chất liệu nào, liệu có đạt chuẩn chất lượng không?
Đập vào mắt chúng tôi là những cuộn bông, giấy xếp chồng cao, san sát nhau, bên ngoài không hề có một thông số nào. Bao tải chứa bông thì cáu két, bẩn thỉu.
Theo quan sát, quy trình sản xuất băng vệ sinh ở đây rất đơn giản, thô sơ, mọi công đoạn từ dán tem, mác, cho vào túi đều được thực hiện bằng tay. 3 con người vật lộn với một cỗ máy dính đầy những dầu mỡ. Cuộn bông to được đưa lên đầu máy, tự động máy sẽ điều chỉnh và cắt từng khúc ngắn theo kích thước đã định sẵn khớp với giấy, bịch bóng. Chỉ trong nháy mắt, hàng trăm chiếc băng vệ sinh tuồn ra “lò”. Với quy trình sản xuất như vậy thì tiêu chuẩn chất lượng, độ an toàn cho sản phẩm như phải qua khâu tẩy trắng bông, khử trùng sản phẩm chắc chắn sẽ không được đảm bảo. Về quy chuẩn, sản xuất băng vệ sinh phải tuân thủ theo một quy trình khép kín bằng máy móc.
Một nhân công nữ ở đây tiết lộ, đối với thợ đứng máy thì mỗi tháng lương cũng được hơn 10 triệu đồng, với nhân công nữ đóng gói thì được hơn 5 triệu đồng. Nói như vậy để khẳng định rằng, với xưởng sản xuất nhỏ của bà B, nếu đầu tư sản xuất băng vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì liệu có sinh lãi lớn? Vậy mà mỗi tháng xưởng sản xuất băng vệ sinh của bà B thu lãi cả trăm triệu đồng.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Quá trình điều tra, hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm băng vệ sinh bán với giá cực rẻ. Tại chợ Đồng Xuân, chợ Sấu (Hoài Đức) chúng tôi hỏi mua băng vệ sinh có giá siêu rẻ 1.500-2.000 đồng/gói 5 miếng. Loại trần không đóng gói có 1.700 đồng/gói 6 miếng. Để ý kỹ thì thấy bao bì các sản phẩm này có chữ in nhòe, rất thô. Hạn sử dụng, thành phần cấu tạo không có, có loại có thông tin nhưng chỉ ghi chung chung. Hầu hết các sản phẩm băng vệ sinh bán trôi nổi trên thị trường hiện nay có tên như: Kotax, Kotox (rất gần với Kotex); Dimica, Dimico, Dicena, Dania (rất dễ nhầm với Diana)… có nguồn gốc không rõ ràng khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Đa số những sản phẩm này xuất xứ từ Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) và xã Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh), với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Người phụ nữ lấy bao tải hứng băng vệ sinh vừa mới ra "lò”
Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu hiện nay tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, nhà sản xuất và nhà kinh doanh đã bắt tay với nhau để “lừa” người tiêu dùng. Chị em phụ nữ rất dễ lầm tưởng bởi mẫu mã băng vệ sinh nhái, kém chất lượng này nhìn bề ngoài chẳng khác những sản phẩm chính hiệu là mấy.
Tìm hiểu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trường hợp các chị em phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, khám và chữa trị ngày càng nhiều như viêm, nhiễm âm đạo, nấm âm đạo. Một trong những nguyên nhân gây nấm âm đạo chính là do dùng phải băng vệ sinh kém chất lượng. Thống kê nguyên nhân vô sinh ở phụ nữ chủ yếu do viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc vòi tử cung, chiếm tới 75%), rối loạn phóng noãn (khoảng 20%).Theo khuyến cáo của bác sĩ tại đây, phụ nữ chỉ nên sử dụng băng vệ sinh từ 4-6 giờ đồng hồ là phải thay. Bởi nếu kéo dài thời gian sử dụng, đối với các băng vệ sinh “rởm” thì sẽ là điều kiện để các vi khuẩn phát triển và nhiễm khuẩn, gây ngứa, rát, viêm, nhiễm trùng.
Nhiễm độc chất, gây vô sinh?
Trao đổi với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Thịnh cho hay: Băng vệ sinh không vô trùng được tuyệt đối. Tuy nhiên càng hạn chế khâu nhiễm bẩn trong sản xuất bao nhiêu thì càng làm giảm nguy cơ nhiễm bẩn khi dùng. Để làm tốt vấn đề trên thì cần đạt chuẩn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói sản phẩm, lưu giữ và vận chuyển vì đây là sản phẩm rất “nhạy cảm” ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Băng vệ sinh cần phải được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là tiêu chuẩn về độ thấm, khử mùi, kháng khuẩn… Trước khi sản xuất, nhà sản xuất phải đăng ký mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, về điều này được Bộ Y tế quản lý và kiểm tra rất nghiêm ngặt.
Vừa qua, thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã đưa ra một con số, mỗi năm có hơn 470.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Trong đó, phần lớn nguyên nhân là do sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng. Theo tài liệu nghiên cứu của Tạp chí Essence (Mỹ): Băng vệ sinh có thể gây ung thư nếu trên bề mặt của băng vệ sinh có chất tơ nhân tạo với công dụng tạo độ hút thấm và chất dioxin (hóa chất này có trong chất tẩy trắng). Mặt khác, theo nguyên tắc lớp keo trên băng vệ sinh chỉ có ở mặt dưới, nhưng ở nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo dây chuyền khép kín sẽ có trường hợp mặt trên của băng vệ sinh bị dính chất keo này có thể gây bệnh cho người sử dụng.
Có một giai đoạn trước đây, báo chí nước ngoài, cả tạp chí khoa học rầm rộ tiến hành nghiên cứu nồng độ dioxin trong băng vệ sinh và đưa ra cảnh báo những tác hại của độc chất này ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ông Thịnh nêu vấn đề: Quy trình tẩy trắng của sợi bông hay xơ giấy để tạo nguyên liệu làm băng vệ sinh phải dùng đến chất clorine chlorine dioxide (ClO3). Đây là chất tẩy trùng mạnh, triệt để. Khi sử dụng chất này để tẩy trắng, khử trùng thì sau đó phải “khử” sạch các chất này ở sản phẩm. Nếu không nó sẽ rất nguy hiểm, có thể ngấm vào cơ thể dẫn đến mắc các bệnh như viêm nhiễm tử cung, ung thư và về lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.
Việc kiểm tra mặt hàng băng vệ sinh, kể cả những sản phẩm chính hãng hiện nay ở nước ta dường như vẫn còn thả nổi. Cơ quan quản lý, kiểm định mặt hàng này thường xuyên cũng chưa thấy đâu. “Mạnh ai nấy làm, vạ ai nấy chịu” - chị em phụ nữ đang từng ngày phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, vô sinh.
Chúng tôi trao đổi với ông Bạch Thanh Lâm - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Bắc Ninh có trụ sở tại thị xã Từ Sơn, ông Lâm cho biết: "Các công ty, doanh nghiệp, cở sở sản xuất đóng trên địa bàn do chúng tôi quản lý đều có giấy phép hoạt động, đăng ký thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng. Từ trước đến nay chưa phát hiện cơ sở, doanh nghiệp nào sản xuất, kinh doanh băng vệ sinh giả, kém chất lượng". Như vậy, người tiêu dùng nghi ngại và đặt câu hỏi liệu những sản phẩm băng vệ sinh không rõ nguồn gốc, "rởm" đã được nhà sản xuất "phù phép" như thế nào để qua mặt cơ quan chức năng? |
Hà Văn Long