Thôi đừng "ném đá" một đứa trẻ!
(Petrotimes) - "Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh..." Cô giáo chủ nhiệm của Đỗ Nhật Nam đã lên tiếng bảo vệ học sinh trước làn sóng "ném đá" vô tâm của cộng đồng mạng.
Hãy thôi ném đá một đứa trẻ!
Về bề dày thành tích của Đỗ Nhật Nam thì nhiều người đã biết. Em có khả năng học ngoại ngữ cực tốt. Chả thế mà mới mấy tuổi đầu em đã rinh rất nhiều giải thưởng của các chương trình Anh ngữ quốc tế. Có lẽ Nhật Nam là một trong số ít công dân trẻ tuổi tiêu biểu ở nước ta thời hội nhập. Nhưng may là em không mất gốc, em khá rành văn hóa Việt, về ẩm thực, phong cảnh, ngôn ngữ theo cách em cảm nhận…
Bao nhiêu đó cũng đủ để chúng ta mừng và tán thưởng cho em. Ở đây tôi không nhắc lại câu chuyện em nói về truyện tranh và đang bị mọi người ném đá mà chỉ nói về em với sự thán phục của một người lớn dành cho một đứa trẻ học giỏi – biết nhiều – tư duy sâu sắc.
Có lẽ nhiều người sẽ ngờ ngàng lẫn thán phục khi nghe Đỗ Nhật Nam trả lời phỏng vấn trong chương trình “Nhịp điệu ngày mới”. Khi phóng viên hỏi, em thấy Hà Nội như thế nào?
Em Đỗ Nhật Nam
Nhật Nam không tiếc lời khen là Hà Nội rất tuyệt vời, con người tốt, phong cảnh đẹp. “Từ nhỏ em ăn món ăn Nhật nhưng từ ngày về Hà Nội, em được ăn bún chả, nộm… thấy hương vị nó khác hương vị món ăn Nhật, đậm chất quê hương. Khi bắt đầu ăn món ăn Việt Nam thì em thấy yêu Hà Nội rất nhiều”
Và cái cách em cảm nhận về sự khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng khá tinh tế, dù rằng em rời Nhật Bản khi mới 5 tuổi. “Nhật trong sạch hơn, đường phố sạch hơn còn Hà Nội thì mình thấy ấm áp hơn, vì đây là nơi cha sinh mẹ đẻ của mình. Nên rất là vui, cảm giác thấy rất khác lạ”.
Nói về cái quyết định sự thành công của một con người, em rất tự tin khi khẳng định rằng: “Môi trường chỉ đóng góp vài mươi phần trăm thôi còn lại là quyết tâm của mình, cố gắng của mình”. Do đó, phóng viên nói rằng nền giáo dục Việt Nam còn thua nền giáo dục thế giới nên nhiều bạn cho là mình khó tiến kịp với bạn bè thế giới thì Nhật Nam cho rằng, mình có thể lên mạng internet và học giống như các bạn nước ngoài. Dĩ nhiên, đó là cách hiểu và nhìn nhận của em, một đứa trẻ 11 tuổi, có phần đúng có phần chưa hẳn là chính xác 100% nhưng ở tuổi đó mà em có những suy luận như vậy đã là giỏi lắm rồi.
Còn nói về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh thì em tỏ ra rất sâu sắc: “Học tiếng Anh rất quan trọng vì đây là ngôn ngữ thế giới. Sau này đất nước hoàn toàn hội nhập mà chúng ta không giỏi tiếng Anh thì sẽ không hội nhập được với đà của đất nước. Vì vậy, chúng ta cố gắng học tiếng Anh để mở chân trời mới, mở ra cơ hội học tập và phát triển ở những đất nước khác phát triển hơn”.
Nhưng em cũng không quên mình là người Việt Nam, đang sống ở Việt Nam và đang nói tiếng Việt. Theo cảm nhận của em tiếng Việt là ngôn ngữ tuyệt vời nhất, vì những thanh âm- ngữ điệu mà em được nghe hằng ngày, có lẽ làm cho một tâm hồn rất nhạy cảm của em dễ rung động. “Nếu bình chọn ngôn ngữ nào tuyệt vời nhất thì em chọn tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Trung. Vì 3 thứ ngôn ngữ này là 3 thứ ngôn ngữ rất tinh túy như người ta nói. Còn tiếng Anh là ngôn ngữ hội nhập chứ không phải là ngôn ngữ đẹp nhất”.
Em còn giải thích cặn kẽ hơn cho nhận định của mình như tiếng Anh là ngôn ngữ hơi máy móc, chứ không trôi chảy như tiếng Việt. Ví như những câu thành ngữ của Việt Nam khi dịch sang tiếng Anh người ta hiểu theo nghĩa đen nó sẽ làm mất hoàn toàn ý nghĩa câu thành ngữ ấy. Thậm chí, một từ của Việt Nam mang rất nhiều nghĩa, thay đổi theo từng vùng miền. Thậm chí vùng này nói chuyện với vùng kia còn không hiểu nhau. Em thấy tiếng Việt vô cùng tinh túy và là một trong những thứ ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới.
Ngoài ra em còn có nhiều dự định rất táo bạo: “Em sẽ cố gắng để đi học ở ĐH Standford và làm giáo sư ở bên đó. Sau đó em sẽ quay về Việt Nam giảng dạy hoặc làm ở Viện Mật mã học. Hoặc vừa có những chương trình kết hợp giữa Trung tâm Mật mã của Mỹ với các trung tâm quân sự và Mật mã ở Việt Nam. Vì vậy, em học chuyên ngành Mật mã học. Em sẽ cố gắng học tin học để sau này là giáo sư Tin học đầu tiên ở Việt Nam”.
Đó là ước mơ hoài bão của một đứa trẻ 11 tuổi. Em có quyền ước mơ chứ. Đây không phải là sự phóng đại hay khoa trương không có căn cứ. Mà chúng ta hãy nhìn vào thành tích học tập của em, về những gì em đã làm và cái cách mà em ửng xử với người lớn thì có thể tin tưởng vào năng lực của em.
Dĩ nhiên, Nhật Nam vẫn là đứa trẻ mới 11 tuổi, em cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, hồn nhiên, trong sáng, vô tư… Và hãy mừng vì chúng ta có những mầm non tài năng như thế. Hãy để cho Nhật Nam được sống và phát triển bình yên. Đừng vô tâm "ném đá" em như "ném đá" những phát ngôn ngớ ngẩn của một ngôi sao nào đó trong giới showbiz. Như thế thì người lớn có tội lớn với em. Và nhiều đứa trẻ khác nữa làm sao dám thể hiện chính mình khi mà nói ra bị cho là già đời, là cụ non, là nổ…
Bức tâm thư của cô giáo chủ nhiệm
Trước việc một học sinh của mình bị cộng đồng mạng ném đá không thương tiếc, cô Lưu Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 6G – Trường THCS-THPT Newton mà Đỗ Nhật Nam đang theo học đã lên tiếng thông qua trang web chính thức của trường.
Hình ảnh Đỗ Nhật Nam bị "ném đá" trên mạng
"Những ngày gần đây, tên tuổi của cậu bé Đỗ Nhật Nam đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trên báo chí và các trang mạng xã hội với những luồng dư luận trái chiều xung quanh đoạn video clip nói về sở thích đọc sách của em. Là những giáo viên trực tiếp giảng dạy em Nam (Đỗ Nhật Nam đang học tại lớp 6G của trường THCS – THPT Newton) chúng tôi không khỏi lo lắng trước một số dư luận ác ý, không hay làm ảnh hưởng đến tâm lý em Nam.
Chúng tôi xin chia sẻ vài thông tin và ý kiến như sau:
Ở trường em Nam là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh, em luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch,... cùng với các bạn trong lớp. Em Nam luôn chăm chỉ học hành đều tất cả các môn. Em có năng khiếu rất tốt về MC và năng khiếu đặc biệt về tiếng Anh. Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên. Em đọc sách nhiều nên khả năng ngôn ngữ của em tương đối chuẩn. Tất cả các bạn trong lớp đều quý và chơi thân với em Nam. Với kết quả em có được như hiện nay là do sự chăm chỉ học hành cộng với một phần năng khiếu của em tạo nên. Ở trường Newton, em Nam là một học sinh ngoan, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao.
Ngoài ra em chưa bao giờ tự nhận mình là "thần đồng". Danh hiệu ấy chắc chắn là do người lớn và xã hội tự đặt cho em.
Khi Nam nói rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn” thì một số người quay lại đả kích em và cả phương pháp giáo dục của mẹ em. Dù khen ngợi hay chê bai thì chắc chắn cách khen và cách chê của chính chúng ta cũng đã ảnh hưởng nhất định đến tuổi thơ của cậu bé. Hơn nữa, sẽ thật mâu thuẫn khi chúng ta chê trách Nam mất hết tuổi thơ nhưng khi bé Nam phát biểu vô tình chưa thật đúng thì bắt bẻ bé, bắt em phải đánh giá về truyện tranh một cách đầy đủ, nhiều chiều như quan điểm của người lớn. Nếu thực sự già trước tuổi và mất hết tuổi thơ thì tôi tin rằng em Nam sẽ chẳng “dại” gì mà đưa ra những phát ngôn dễ gây tranh cãi cho dư luận như thế.
Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh,...
Việc dạy dỗ mỗi một học sinh đều có những nét chung và nét riêng, các em có những khả năng khác nhau, có em có khả năng đặc biệt. Nếu chúng ta cứ dạy tất cả các em giống nhau thì khó phát huy được hết các khả năng riêng của các em.
Thiết nghĩ, một em bé có năng khiếu cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát triển. Nếu xã hội đã cho rằng Nhật Nam là “thần đồng” thì xã hội cần có trách nhiệm giúp cho khả năng của em ngày càng tỏa sáng. Nếu chúng ta còn tiếp tục bình luận, mổ xẻ và chê bai thì không phải ai khác mà chính chúng ta đang làm ảnh hưởng tới tuổi thơ của cậu bé. Chúng tôi hi vọng rằng, mọi người hãy cùng nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đừng để một em bé bị vùi dập bởi vòng xoáy dư luận.
T/M Tập thể giáo viên dạy trực tiếp em tại trường THCS – THPT Newton
Lưu Thị Thu Hường (GVCN lớp 6G)"
Nguyệt Anh