GS Võ Tòng Xuân:
Đô thị hóa đang vô tình làm hại nông dân
(Petrotimes) - Đến nay, sau 25 năm đổi mới, kinh tế nước ta đã phát triển khá toàn diện, song sản phẩm nông nghiệp vẫn là những sản phẩm chủ yếu thể hiện sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn cũng đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Quy hoạch không có tầm nhìn chiến lược, thiếu tính đồng bộ khiến người nông dân mất đất, thất nghiệp, tệ nạn xã hội đang tràn qua lũy tre làng muôn đời yên ả. Petrotimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân về chủ đề: Tìm lối ra cho các sản phẩm nông nghiệp, con đường để doanh nghiệp Việt Nam dựa vào sản phẩm nông nghiệp mà xây dựng nên những thương hiệu mạnh v.v…
PV: Thưa GS, hiện nay có một thực tế là quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và người nông dân đang mất dần ruộng đất của mình. Theo ông, người nông dân cần chuẩn bị những gì để đón nhận việc này, việc họ sẽ mất đi những thứ rất quan trọng đối với cơ nghiệp của họ, của ông cha họ để lại?
GS Võ Tòng Xuân: Đây là một vấn đề rất lớn nhưng dường như chúng ta chưa có lối ra. Đối với bà con nông dân, làm ruộng là nghề gia truyền. Hiện nay vẫn còn khoảng 70% dân số Việt Nam làm nông nghiệp. Đất là tư liệu sản xuất quen thuộc nhất đối với người nông dân. Nhờ có nó mà họ có công ăn việc làm. Bên cạnh đó, phải thấy rằng công nghiệp hóa của chúng ta vẫn còn rất sơ sài, các ngành dịch vụ cũng chưa có bao nhiêu, cho nên bà con nông dân xưa nay vẫn làm ruộng là chính. Nếu tư liệu sản xuất này mà rời khỏi tay người nông dân để trở thành khu quy hoạch công nghiệp thì họ cần chuẩn bị tinh thần cho hai khả năng xảy ra: không có nghề nào khác để làm, ở nông thôn không có nhiều công việc cho bà con làm thêm.
Nhưng quan trọng hơn, họ chưa biết cách sử dụng số tiền lớn mà họ nhận được sau khi giao đất. Hồi đó đến giờ, mỗi năm, gia đình có vài triệu từ mảnh đất của mình là hết, giờ có mấy trăm triệu thì xài thế nào để nó “đẻ” ra thêm tiền? Vấn đề nan giải hiện nay là bà con không biết quản lý đồng tiền, không biết đầu tư vào chỗ nào để “sinh” thêm tiền từ số tiền đền bù đó. Cho nên họ mới đi mua hàng tiêu dùng như mua xe máy, mua karaoke… Miệng ăn núi lở, riết rồi tiền cũng hết. Hết tiền đàn ông có thể vào thành phố tìm việc làm. Khổ nhất là những người phụ nữ ở nhà nội trợ không biết làm gì. Thế là bỗng dưng họ thành thất nghiệp và lâm vào cảnh nghèo đói, khi mà đất đai để sản xuất cũng đã không còn.
GS Võ Tòng Xuân
PV: Vậy GS có kiến nghị, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này không?
GS Võ Tòng Xuân: Đã có nhiều đề tài nghiên cứu tìm cách giải quyết nỗi khổ của người nữ nông dân trong gia đình. Vấn đề này rất lớn. Không còn ruộng nữa người ta không biết làm gì khi rảnh rỗi. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất định sẽ xảy ra, nhưng trước khi ruộng bị quy hoạch, thì chúng ta phải nghĩ đến vùng đất khác để giới thiệu cho người dân bị mất ruộng, để khi tới nơi khác họ sẽ có công ăn việc làm. Hay hơn là chỉ đưa một cục tiền để rồi họ không biết làm gì với số tiền đó.
Tôi ví dụ, vùng Phú Quốc chẳng hạn, khi 900ha đang canh tác của bà con bị quy hoạch làm sân bay, đáng lẽ ra nhân dịp này chúng ta nên tìm một khu rừng không cần quá tốt, chúng ta có thể biến khu rừng đó thành một nông trường, để trồng tiêu chẳng hạn. Chúng ta lập ra một nông trường tiêu, trong đó xây dựng hệ thống đường xá, nhà ở cho những hộ dân bị di dời này, thậm chí xây hẳn một nhà máy chế biến tiêu. Rồi cấp cho mỗi căn hộ một cánh đồng để người ta trồng tiêu. Khi đưa dân vào khu vực đó, họ vừa có nhà, vừa có công ăn việc làm lại có nơi để họ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Phú Quốc sẽ tạo nên sản phẩm tiêu Phú Quốc có chất lượng cao để xuất khẩu. Làm được như thế chúng ta có nhiều cái lợi. Dân có nơi an cư lạc nghiệp, Nhà nước hoặc doanh nghiệp thì có thêm khu sản xuất, với nguyên liệu của những người nông dân mới này.
Như thế, chúng ta vừa có sân bay đẩy mạnh nguồn du lịch, rồi sản phẩm có đầu ra đầu vào thuận lợi, đồng thời có một vùng nguyên liệu mới. Nhưng quan trọng hơn là an dân, người dân sẽ được an cư lạc nghiệp, không lo tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra. Tôi nghĩ các dự án quy hoạch di dời dân nên nghĩ tới những tình huống như thế để đạt được mục tiêu “win win” chỗ nào cũng thắng hết.
PV: Có một thực tế là trong quá trình đô thị hóa, nhiều dự án quy hoạch đẻ ra rồi để đó, phải chăng đô thị hóa đang có vấn đề? Quy hoạch treo khiến người nông dân lâm vào cảnh bế tắc và quay lại kiếm sống trên đồng ruộng đã được quy hoạch đó của mình. Xin hỏi ông, hiện tượng này là vì đâu? Có nguyên do từ tâm lý chưa thoát khỏi mối ràng buộc với đồng ruộng không, thưa GS?
GS Võ Tòng Xuân: Đúng là tư tưởng không thoát khỏi đồng ruộng vẫn còn, vì đó là cái nghề truyền đời của họ. Nếu chúng ta tạo ra nghề mới, tạo việc làm khác cho họ thì họ dứt khoát sẽ bỏ nghề nông. Nhưng hiện nay công nghiệp của chúng ta có mở ra nhưng ứ lại đó, chưa có công nghiệp nào mới, đất dành để xây dựng khu công nghiệp nhưng không có người đầu tư, không có hướng mở, người nông dân không có chỗ làm nên mới muốn trở lại mảnh đất cũ để tiếp tục kiếm sống, chứ ở không vậy sẽ chết. Họ thật sự không đành lòng khi thấy đất của mình đã quy hoạch làm khu công nghiệp rồi để không đó. Đây là một việc rất đau đầu cho cả Nhà nước. Đặc biệt là người nông dân.
Đô thị hóa nếu thiếu tầm nhìn và quy hoạch tổng thể sẽ làm hại người nông dân
Tôi thấy quy hoạch đất ruộng để làm công nghiệp là việc mà mỗi tỉnh, mỗi huyện đều muốn làm, thấy người ta có khu công nghiệp mình cũng muốn có khu công nghiệp, thành ra chỗ nào cũng có quy hoạch hết. Trong khi đó chính sách của mình chưa hấp dẫn, chưa khuyến khích người ta, làm gì để đẻ ra tiền cũng không rõ. Chúng ta đang phải đối diện với tình trạng vỡ quy hoạch. Quy hoạch chỗ này trồng mía, ít bữa lại thấy trồng khoai mì. Hoặc là trồng cao su. Trồng 1ha mía chỉ lời 10 triệu, trong khi đó 1ha khoai mì 40 triệu, nhắm mắt lại cũng thấy ông nào theo 10 triệu là dại. Do đó quy hoạch chúng ta làm rất thường xuyên, nhưng các biện pháp đi theo quy hoạch đó để tăng tính khả thi cho dự án thì không có.
Giáo sư - Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học An Giang là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới và trong nước bởi những đóng góp trong việc nghiên cứu cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong sự nghiệp giáo dục. |
Nên công tác quy hoạch bây giờ của chúng ta phải làm thật cẩn thận, căn cứ trên nhu cầu của thị trường xem người ta đang cần cái gì mình mới quy hoạch cái đó, đồng thời có những biện pháp đi theo nó, để tạo điều kiện cho người nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học cùng nhau thực hiện. Thế thì người nông dân mới có tiền “trụ” với quy hoạch được. Chứ bây giờ chúng ta chỉ vẽ nên những dự án rất đẹp, chỗ này màu này, chỗ kia màu kia, nhưng rồi không có biện pháp chính sách đi theo, thì quy hoạch không bao giờ có kết quả.
Tương tự, chúng ta thấy nông dân trồng cái này theo ý họ vì họ thấy bán được nhưng năm sau bán không được lại chặt trồng cây khác, cứ trồng và chặt trồng và chặt như thế thành ra chỗ nào cũng phá hoại cả. Tôi nghĩ vấn đề này rất lớn. Và Nhà nước khi làm quy hoạch thì cần phải có những biện pháp rất cụ thể kèm theo thì quy hoạch mới xem là thành công và hiệu quả được.
PV: Nói cách khác, đô thị hóa đang vô tình làm hại người nông dân? Liệu nói vậy có quá không, thưa GS?
GS Võ Tòng Xuân: Như cách làm hiện nay thì tôi nghĩ rằng nói vậy cũng có cái đúng. Tại vì chúng ta chỉ muốn lấy đất rồi trả tiền cho nông dân sau đó để mặc họ làm gì thì làm. Trong khi đó ông nông dân lại chưa chuẩn bị kỹ năng để sử dụng nguồn vốn mới rất lớn này để làm sao từ đó đẻ ra thêm tiền. Vấn đề thứ hai là cũng chưa chuẩn bị học tập, thực hành… để có nghề nghiệp mới sau khi ruộng đất đã bàn giao hết rồi.
Dĩ nhiên Nhà nước cũng có chính sách đào tạo người nông dân, nhằm mục tiêu nông dân có nghề nhưng đào tạo vẫn còn chung chung, tỉnh nào cũng có một phần kinh phí để đào tạo nhưng đào tạo ra rồi tìm việc làm ở đâu thì mình cũng chưa thấy được. Chỉ có cách là bây giờ, như tôi đã nói ở trên, nếu chúng ta lấy đất chỗ này để làm đô thị thì phải tìm chỗ nào khác để làm nông trường hoặc trang trại lớn cho nhóm nông dân này làm việc, thay vì đưa tiền hết cho họ thì bây giờ làm đường xá, kéo điện nước vào cất nhà cho số người này. Rồi đất còn lại chúng ta phân thành đồng ruộng để ai đến nhận nhà thì cũng nhận số ruộng tương ứng.
Làm theo đúng quy trình của nông trường này đưa sản phẩm vào nhà máy này. Như thế chúng ta vừa an dân vừa phát triển được công nghiệp, vừa có được sản phẩm đăng ký thương hiệu. Như thế người nông dân không còn trách gì ai, mà còn thấy hạnh phúc sung sướng khi thấy Nhà nước lo cho họ chu đáo vẹn toàn. Chứ bây giờ chỗ này làm quy hoạch đô thị rồi “đuổi” họ đi, đưa cho mớ tiền, thời gian sau họ tiêu hết tiền, thất nghiệp, bản thân họ và cả vợ con đều rất khổ.
PV: Trong khi bài toán cho người nông dân sau khi quy hoạch đô thị hóa chưa có lời giải, lại thấy có tấm gương người nông dân làm giàu bằng ruộng đất. Ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long có người mua lại ruộng đất của người khác rồi đầu tư sản xuất lớn thu hoạch hàng tỉ đồng 1 năm, GS đánh giá như thế nào về những người này, họ là cá biệt hay phổ biến?
GS Võ Tòng Xuân: Bây giờ hiện tượng này khá phổ biến, tuy rằng người ta không công bố. Thực tế hiện nay làm nông nghiệp trên những mảnh đất nhỏ không hiệu quả, nhất là khi chúng ta phải áp dụng cày bừa bằng máy, vì bây giờ có ai dùng trâu để cày nữa đâu. Nếu cày bừa bằng máy mà cứ đi chục mét lại quanh máy cày lại thì không làm được. Ngay cả việc gặt lúa cũng không còn ai cầm liềm đi gặt, thời đó xa xưa rồi, cho nên bây giờ người nông dân tự động đổi đất cho nhau, để mỗi một người có một miếng đất to.
Cần có định huớng đúng và giải pháp giải quyết công ăn việc làm tốt thời hậu đô thị hóa cho người nông dân
Thậm chí nhiều người đất nhỏ quá không đủ để sản xuất họ muốn bán hoặc cho thuê miếng đất đó, rồi đi làm công cho người mua đất của mình. Việc tích tụ ruộng đất hiện nay trở nên rất phổ biến. Có những người có 20ha thay vì tối đa 3ha. Có những người thậm chí có 600ha. Như anh Ba Hậu ở Hòn Đất, An Giang. Anh làm khoai lang thôi nên ban đầu cũng chỉ có tối đa là 3ha. Nhưng sau anh tìm được thị trường bán cho thương gia Nhật Bản để xuất khoai lang sang Nhật. Anh liền hướng dẫn bà con xung quanh làm giống mình, nhưng mọi người không chịu khó bằng, không theo đúng quy cách lại làm thủ công nên không chất lượng sản phẩm không cao bằng. Nên người ta mới bắt đầu cho anh mướn đất rồi mình thì đi làm công cho anh.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 1.200 dự án "treo" với trên 130.000ha đất bỏ hoang. Nơi có diện tích đất bỏ hoang nhiều nhất là các tỉnh, thành Nam Bộ, mà nổi cộm là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Anh Ba Hậu hiện giờ có 50ha và quản lý rất gọn, gieo trồng đạt tiêu chuẩn. Còn những người chủ đất đã bán hoặc cho ảnh thuê đất giờ làm công cho anh. Họ vừa có tiền từ việc cho thuê đất, vừa có tiền làm công, lợi tức cao hơn việc mình tự giữ đất rồi tự sản xuất nhiều. Người nông dân chúng ta rất khôn, họ tự nguyện làm thuê bởi vì họ thấy làm vậy là hơn. Người ngoài ngó vô thấy trường hợp anh Ba Hậu tích lũy ruộng đất là làm sai chính sách của Đảng. Nhưng tôi cho rằng, nghĩ vậy là không thấy hết vấn đề. Bây giờ anh mà không làm, trả đất lại cho mấy người kia, thì mấy ông đã nghèo lại càng nghèo.
Do đó khuynh hướng sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng lớn là cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà trong vòng hơn 4 năm nay tôi có kiến nghị nhiều lần. Nhiều tạp chí uy tín đã đăng bài của tôi về vấn đề làm vùng nguyên liệu, gắn với doanh nghiệp chế biến nguyên liệu này để đảm bảo có đầu ra. Duy trì và chú trọng việc hợp tác bốn nhà để Nhà nước có chính sách khuyến khích ưu ái cho những người tham gia mô hình này.
Các nhà khoa học cũng tham gia giúp người nông dân có thêm kiến thức để sản xuất tốt hơn, rồi những người nông dân cũng kết hợp với nhau để đào tạo theo quy trình chuẩn, quy trình nông nghiệp cao để sản xuất ra nguyên liệu vừa an toàn mà giá thành rất hạ. Để cho doanh nghiệp tiêu thụ chế biến ra sản phẩm đóng gói bao bì có thương hiệu. Và đưa ra ngoài thị trường. Có người gọi đó là cánh đồng mẫu lớn, nhưng thực ra là khái niệm chuỗi giá trị. Mô hình chuỗi giá trị bắt đầu từ những nhà khoa học, chọn giống mới thế nào, quy trình mới thế nào, đào tạo nông dân thế nào, rồi nông dân họ sẽ làm ra nguyên liệu này thế nào.
Để nguyên liệu này cho doanh nghiệp chế biến, đăng ký mẫu mã, thương hiệu và phân phối rộng rãi trong nước hoặc xuất khẩu thế nào. Đây là cách làm mà tôi nghĩ rằng trong tương lai cần phổ biến, từ đó nông thôn sẽ có thêm nhiều trường hợp như anh Ba Hậu, họ sẽ cùng thực hiện một chương trình sản xuất có đầu ra cho các sản phẩm của họ. Khi họ làm như thế thì khoa học kỹ thuật mới nhất, thích hợp nhất cho nguyên liệu của họ cũng sẽ được áp dụng. Như thế thì nền nông nghiệp của chúng ta sẽ được nâng cấp hơn mà sản phẩm làm ra lại an toàn để người trong nước tin dùng. Mà khi xuất ra thị trường thế giới, khách hàng nước ngoài họ cũng chấp nhận. Đây là hướng đi mà tôi nghĩ rằng tới đây chúng ta nên theo để nông nghiệp Việt Nam khởi sắc hơn, nông thôn của chúng ta khang trang hơn. Từ đó, nông dân chúng ta cũng giàu hơn.
PV: Xin cảm ơn GS vì cuộc trò chuyện này.
“Sau khi bị ném hai trái bom nguyên tử năm 1945, toàn nước Nhật bị tàn phá, nông nghiệp, công nghiệp rồi diện mạo thành phố cũng bị hủy hoại. Nhưng nhờ sự đền bù của đồng minh, nhất là của Mỹ, họ vừa viện trợ, vừa cho vay vốn vừa huấn luyện giúp nông dân tái sản xuất, đồng thời bản thân chính quyền Nhật cũng có cái nhìn thoáng, nên chỉ trong vòng 15 năm nông dân đã có thể yên tâm trồng trọt ngay trên chính những vùng đất từng bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh. Bên cạnh đó, công nghiệp cũng khôi phục nhanh tới mức thiếu nhân lực, thiếu công nhân. Lúc này lại đặt ra bài toán là người đâu? Những năm 60, nông dân Nhật thấy các nhà máy doanh nghiệp rất cần công nhân và trả lương cao thì bắt đầu bỏ ruộng đi ra thành thị, cũng như các khu công nghiệp để làm thuê. Chính quyền Nhật thấy nông dân không thích làm nông nữa, mà công nghiệp dịch vụ lại phát triển quá nhanh, nên lúc này lại phải tính toán để cân đối lao động. Làm sao để giữ nông dân ở lại với đồng ruộng? Thời điểm đó, Nhật Bản ban hành những nghị định mới về nông nghiệp, chẳng hạn như tăng giá lúa lên gấp 4 lần. Nông dân thấy giá mới cao hơn, thấy chẳng việc gì phải bỏ ruộng ra thành phố, nên họ đã ở lại làm ruộng, an tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Đó là một ví dụ, để thấy rằng bài toán lao động, cân đối nhân lực trong các ngành nghề đòi hỏi phải có một giải pháp linh hoạt, uyển chuyển, tùy vào từng bối cảnh, thời điểm mà đưa ra quyết sách hợp tình hợp lý” (GS Võ Tòng Xuân). |
Thành Lê - Thu Hoa (thực hiện)