Đưa ra 2 loại "điểm sàn": Kéo lùi chất lượng tuyển sinh?
(Petrotimes) – Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án tuyển sinh với 2 điểm sàn: điểm sàn trên và điểm sàn dưới với lý do tạo điều kiện tốt nhất cho các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng với 2 mức điểm sàn, Bộ GD-ĐT đang cố “kéo tụt” chất lượng tuyển sinh…
>> Sẽ có 2 mức điểm sàn ĐH, CĐ 2013
Điểm sàn chỉ còn 11-12 điểm?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, sẽ có hai mức điểm sàn: điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay; còn điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 - 12 điểm, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên).
Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các nhà trường xét trúng tuyển như truyền thống. Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các nhà trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.
Sẽ thật sự có 2 mức điểm sàn?
Điểm sàn dưới có thể xác định được ngay sau khi có phổ điểm được công bố. Điểm sàn trên có thể do Hội đồng xác định điểm sàn họp xét đề xuất; hoặc dựa vào kết quả thống kê của nhiều năm qua là tăng 2 điểm so với điểm sàn dưới đối với các khối thi tương ứng. Trong đó, cách thứ 2 được đánh giá là đơn giản hơn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, kết quả thi năm 2012 cho thấy có hơn 200.000 thí sinh của tất cả các khối thi có điểm nằm giữa hai mức điểm sàn nêu trên trong khi chỉ tiêu còn thiếu của tất cả các trường chỉ khoảng 30.000. Vì vậy để tuyển đối tượng này có chất lượng, các trường cần xét thêm kết quả tốt nghiệp phổ thông.
Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhận định: “Việc có thêm mức điểm sàn dưới dù thế nào cũng là một bước lùi. Thi 3 chung, cái được nhất mà Bộ đề ra đó là điểm sàn, đó là ngưỡng tối thiểu để xác định học sinh đó có thể theo học ĐH, CĐ hay không”.
Ông Thi cũng cho rằng đã là ngưỡng tối thiểu thì chỉ có một mức điểm sàn như hiện nay, còn nếu có 2 mức điểm sàn như Bộ dự kiến thì nó sẽ không thể gọi là điểm sàn nữa mà là “cái gì đó” không còn ý nghĩa nữa.
Không thể chạy theo nhu cầu các trường
Dù Bộ GD-ĐT cho rằng, phương án điểm sàn 2 mức mới chỉ là dự kiến và Bộ vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến rộng rãi; cũng như xác định đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật và vẫn đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh ĐH-CĐ phù hợp, song dự kiến này của Bộ GD-ĐT vẫn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với phương án 2 điểm sàn của Bộ GD-ĐT. GS Nguyễn Minh Thuyết không tán thành giải pháp hạ điểm sàn vì không thể chắc chắn chất lượng đào tạo có được bảo đảm. Có cứu trường ĐH-CĐ ngoài công lập yếu kém hay không, cứu bằng cách nào ngành giáo dục phải cân nhắc. Không nên xuất phát từ lợi ích của một nhóm mà cho thành lập trường dễ dãi, tuyển sinh dễ dãi, đào tạo thì buông lỏng rồi bắt xã hội chịu hậu quả thì rất đáng buồn, rất lãng phí.
Bộ GD-ĐT đang "vơ bèo gạt tép" cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH?
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng đặt vấn đề, phương án 2 điểm sàn của Bộ nếu tính xuống đến 11-12 điểm là quá thấp, vì điểm trung bình chỉ hơn 3 điểm mỗi môn đã đỗ vào ĐH.
Mặt khác, theo số liệu tuyển sinh hiện nay, nếu giảm khoảng 2 điểm sẽ tương đương có thêm khoảng 200.000 em đủ điểm sàn dưới, tức nếu đậu ĐH, con số này quá lớn so với quy mô các trường hiện nay, điều kiện giảng dạy không đáp ứng được, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Trong khi đó, chất lượng thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo mà vụ gian lận Đồi Ngô là tiêu biểu.
“Việc cải cách phải trên cơ sở mục tiêu đào tạo. Nếu hạ điểm sàn sẽ không đi đến đào tạo nhân lực có chất lượng, chưa nói đến có chất lượng cao”, GS Phạm Minh Hạc khẳng định. Cũng theo ông, phương án Bộ đưa ra mới chỉ nói đến điều kiện đáp ứng yêu cầu của các trường, trong khi vai trò của nhà quản lý nhà nước là phải theo mục tiêu đào tạo, chứ không theo yêu cầu của các trường, phải vì chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực chứ không phải để cứu sống các trường.
Nhã Anh