Bạo lực gia đình, những con số biết nói
(Petrotimes) - Ở nước ta, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2008. Tuy nhiên bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, trong đó nạn nhân thường là phụ nữ. Họ bị chồng bạo hành thường không dám phản kháng, mà cam chịu và chỉ khi nào sự việc đến mức không thể chịu đựng nổi thì người thân và xã hội mới biết đến.
Xấu chàng hổ ai
Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tại Hà Nội - nơi tạm lánh của những phụ nữ bị bạo hành. Chị Lành là một trong những nạn nhân bị bạo hành thường xuyên trong 5 năm liền kể rằng, chồng hơn chị 2 tuổi, trong mắt gia đình anh là người hiền lành tốt bụng, nhà chị neo đơn nên mời anh sang ở rể. Thế nhưng, sau 5 năm chung sống và không chịu nổi những trận đòn roi của chồng, Lành đi lánh tại Ngôi nhà bình yên. “Lần đầu tiên tôi bị đòn roi khi mang thai con gái đầu được 3 tháng, chuỗi đòn roi kéo dài đến khi con gái được 3 tháng tuổi. Cứ mỗi lần bố mẹ chồng gọi điện là anh ấy kiếm cớ đánh tôi. Mẹ chồng hay nói, “Mày ở rể nhưng đừng để nó cưỡi lên đầu lên cổ”. Và anh ấy thường không giải thích lý do, cứ thích đánh là đánh”.
Chồng chị Lành đấm, đá, lấy vật nặng đánh vào đầu. Lúc đầu chị Lành cũng im lặng vì cho rằng “xấu chàng thì hổ ai”. Đôi khi chị cũng hỏi chồng vì sao đánh chị nhưng anh ta không giải thích. Chị cũng thổ lộ rằng: “Mẹ em từng bị bố đánh đập khi mang thai em. Đến giờ em cũng lặp lại vết xe đổ của mẹ”, chị kể trong nước mắt. Có lúc anh ấy vừa đánh vừa gào thét lên: “Mày tưởng tao sung sướng lắm hả. Tao ức chế lắm. Làm đàn ông mà ở rể tao nhục lắm nhưng vì con tao mới ở như vậy”.
Trường hợp của chị Hà cũng khá bi đát, chị kể: “Cái dấu ấn đến chết mà tôi không thể quên là khi tôi sinh đứa cháu thứ hai được 13 ngày thì bạn tình của chồng gọi điện và cho tôi nghe những âm thanh mà hai người đang yêu nhau. Chưa kể trước đó tôi bị chồng đánh đập vô cớ khi đang mang thai đến nỗi băng huyết và phải trải qua cơn thập tử nhất sinh”. Nhưng chính chị cũng từng không vượt qua được định kiến “xấu chàng hổ ai”. Tuy nhiên, đến giờ thì chị nhận ra rằng, sự im lặng khá lâu của mình là một sai lầm. Nhưng liệu có bao nhiêu phụ nữ dám nói như chị Hà, chị Lành, hay đa số phụ nữ bị bạo lực vẫn âm thầm chịu đựng những trận đòn roi vô cớ của chồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng - chuyên viên bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, đàn ông đánh vợ khá phổ biến trong xã hội ta. Có những phụ nữ chịu đựng bạo lực không chỉ 5 năm, mà 10 năm, 20 năm, thậm chí đến chết. Vì sao mà đàn ông lại bạo lực với vợ như vậy thì theo bà Hồng, có lẽ họ bị chi phối bởi tư tưởng, dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Những người chồng có tư tưởng như thế thì sẵn sàng đánh và không cần biết lý do.
Nhà báo Tạ Bích Loan (VTV) thì cho rằng, phụ nữ bị bạo hành im lặng còn có nhiều lý do khác như sợ người thân buồn. Sợ hàng xóm biết chuyện thì xấu hổ và thường hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp. Ngoài ra, nạn nhân bạo hành bị tác động nặng bởi định kiến xã hội, trong đó có quan niệm “lạt mềm buộc chặt” nên phụ nữ cứ chịu nhịn, nhịn một chút cho gia đình êm ấm, nhịn một chút thì có thiệt gì đâu… Hay nhiều người có quan niệm, người vợ nên nhìn lại mình. Và có nhiều người có xu hướng và tâm lý kết tội chính nạn nhân bị bạo hành.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều phụ nữ bị bạo lực rất can đảm. Họ dám vượt qua định kiến, dư luận và nỗi sợ hãi để nói lên tiếng nói của chính mình. Đó là trường hợp như chị chị Lành, chị Hà hay những phụ nữ đã tham gia diễn đàn “Nhạy cảm giới trong xử trí bạo lực gia đình vì quyền của phụ nữ bị bạo lực” do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIP) tổ chức. “Bản thân tôi là người bị bạo lực, thông qua diễn đàn tôi muốn nói với chồng tôi và những người đàn ông trong xã hội là: Hãy hành động để phụ nữ không bị bạo lực, cho dù là bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục hay kinh tế. Thay mặt cho những người phụ nữ trong cuộc, tôi mong những người đàn ông đang gây bạo lực hãy thức tỉnh để chúng tôi không phải chịu đựng bạo lực nữa - đây là lời bộc bạch rất chân tình, thẳng thắn của chị Tình ở Hà Nội khi tham gia diễn đàn này. Do đó, nếu chúng ta cứ gò bó trong quan niệm “xấu chàng hổ ai” thì tệ bạo hành không chỉ dừng ở đây mà còn lây lan rất nhiều.
Những con số đau lòng
Ở nước ta, theo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 (Tổng cục Thống kê, 2010) thì 34% phụ nữ được hỏi bị ít nhất bị một hình thức bạo lực gia đình và 58% phụ nữ cho rằng là họ bị ít nhất một trong 3 loại bạo lực (thể chất, tình dục và tinh thần) trong cuộc đời. Và các nghiên cứu khác cũng cho thấy, khả năng người phụ nữ bị chồng lạm dụng cao gấp 3 lần khả năng bị người khác lạm dụng. Phụ nữ thường không nhận biết hay không biết mình đang bị bạo lực.
Trên thế giới có 40% nạn nhân nữ bị giết bởi chính bạn tình. Còn trên thế giới, trong 10 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra nghiên cứu năm 2005 thì có hơn 50% phụ nữ ở Bangladesh, Ethiopia, Peru, Tanzania là đối tượng thường xuyên bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục bởi bạn tình. Thậm chí ở các vùng nông thôn Ethiopia thì con số này lên đến 71%.
Con số bị bạo lực cao như thế nhưng theo các điều tra thì ở Việt Nam có tới 87% không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các địa chỉ hỗ trợ hay ban, ngành ở địa phương và 49,6% thậm chí không hề tiết lộ việc mình bị bạo lực gia đình cho bất kỳ ai. Một nghiên cứu khác được Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) thực hiện năm 2008 chỉ ra rằng chỉ có 43% số vụ việc bạo lực gia đình được báo cho cơ quan công an, và trong số này có tới 43% người bị bạo lực được khuyên là nên “giải quyết vấn đề” trong nội bộ gia đình.
Tiến sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam từng thừa nhận: “Bạo lực là vấn đề tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, những trẻ từng chứng kiến bạo lực khi còn nhỏ sẽ có nhiều khả năng trở thành người gây ra bạo lực khi đã trưởng thành. Điều này cũng đúng với Việt Nam. Một gia đình mà có cả mẹ chồng, con gái và nàng dâu đều là nạn nhân của bạo lực gia đình là cả một vấn đề đáng báo động”.
Vì thế các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình đều cho rằng, cần đưa ra tiếng nói chung của phụ nữ bị bạo lực nhằm phản hồi và bảo vệ hiệu quả các can thiệp đối với bạo lực gia đình từ quan điểm người trong cuộc. Đồng thời, nên đưa ra các thông điệp và kiến nghị chung của phụ nữ bị bạo lực về phương pháp tiếp cận có nhạy cảm giới đến những người làm luật và thi hành luật phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là ở các địa phương. Qua đó giúp nâng cao năng lực và chuẩn bị tâm thế cho những phụ nữ bị bạo lực có quyền lựa chọn để họ đưa các biện pháp hiệu quả nhất nhằm bảo vệ chính họ và gia đình của họ.
Thanh Thanh