Cầm cố sổ đỏ Di sản thế giới:
Chuyện “bán giời không văn tự”
(Petrotimes) - Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận trong nước tá hỏa khi nghe tin sổ đỏ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Cát Tiên đều bị người làm công tác quản lý mang đi cầm cố, với lý do “lấy tiền để chạy dự án bảo vệ rừng”. Những con người đó đã tính chuyện bảo vệ rừng như thế đấy…
“Không phải là cầm cố mà chỉ bàn giao…” (?!)
Đó là lời bao biện của Giám đốc Ban Quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng - ông Lưu Minh Thành. Ông khẳng định rằng, không hề có chuyện cầm cố sổ đỏ di sản thế giới này mà chỉ là bàn giao cho một đơn vị ở Hà Nội, nhằm lấy kinh phí “chạy” dự án bảo vệ rừng từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy nhiên, toàn bộ 11 sổ đỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cấp cho di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã được giao cho “người có tư cách pháp nhân” là bà Trần Thị Trường có địa chỉ tại Nam Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình, được coi là đại diện của Công ty TNHH Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội. Trong giấy biên nhận trên, 11 sổ đỏ gốc với tổng diện tích 122.864ha đất rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng đã được giao cho bà này.
Theo trình bày của ông Thành, những năm gần đây rất nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến ông “xin” được chạy dự án từ nguồn vốn của nước ngoài để hỗ trợ kinh phí cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, ông đã chọn Công ty TNHH Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam để hợp tác vì theo thỏa thuận, dự án sẽ hỗ trợ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong công tác bảo vệ rừng là 25 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Thành - nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên
Theo giấy giao nhận hồ sơ ghi ngày 19/4/2011, ông Lưu Minh Thành đã giao cho bà Trần Thị Trường 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với lý do “duyệt trình khai thác nguồn vốn không hoàn lại đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng”. Ngoài ra, bên nhận hồ sơ cam kết không để mất, thất lạc và trả lại chậm nhất không quá 60 ngày kể từ ngày bàn giao. Nhưng ông Thành thừa nhận, đến nay VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa nhận được một đồng nào từ phía đối tác và họ đã không trả lại hồ sơ đúng thời hạn như đã cam kết.
Trước sự báo động về việc sổ đỏ di sản thế giới bị đem cầm cố, một cán bộ của UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định tất cả dự án bảo vệ rừng với di sản Phong Nha - Kẻ Bàng đều phải thông qua UBND tỉnh, việc làm của ông Lưu Minh Thành không báo cáo là sai nguyên tắc, sử dụng sổ đỏ không đúng mục đích là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, dự án của Ngân hàng Tái thiết Đức KFW tài trợ hơn 15,77 triệu euro đang triển khai tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nên không cần “cầm cố” sổ đỏ. Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ông không hề biết thông tin về việc ông Thành mang sổ đỏ của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đi cầm cố để chạy dự án. Các lãnh đạo khác của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng tỏ ra bất ngờ về thông tin này vì ông Thành không hề bàn bạc với ai.
Vườn quốc gia Cát Tiên đã mất sổ đỏ?
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, trên cương vị Giám đốc VQG Cát Tiên, ông Trần Văn Thành cũng đã lần lượt mang sổ đỏ của vườn quốc gia Cát Tiên và Yok Đôn đi cầm cố. Nhưng khi được hỏi, ông Thành một mực nói: “Sổ đỏ của VQG Cát Tiên hiện đang thất lạc đâu đó, còn sổ đỏ của VQG Yok Đôn chưa có”. Cho đến nay, ông Trần Văn Thành đã không còn giữ chức Giám đốc VQG Cát Tiên, nhưng hiện là quyền Giám đốc VQG Yok Đôn.
Ông Thành vẫn chống chế khi cho rằng sổ đỏ không có giá trị cầm cố vì không phải sổ đỏ đất tư nhân. Ông lập luận rằng, đất của Nhà nước không ai đụng vào được. Sổ đỏ của VQG Cát Tiên hiện đang thất lạc đâu đó, còn sổ đỏ của VQG Yok Đôn chưa có. Việc thông tin như vậy là do người ta muốn hạ thấp uy tín của ông.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng "cầm cố sổ đỏ” để lấy tiền bảo vệ rừng?
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian làm Giám đốc VQG Cát Tiên (năm 2011) và Giám đốc VQG Yok Đôn (năm 2012 đến nay), ông Trần Văn Thành đã liên hệ với Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư - Phát triển đất Lam Hồng Việt có trụ sở tại 18A ngách 12, ngõ 82, phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội để làm thủ tục xin nguồn vốn không hoàn lại của một số tổ chức phi chính phủ. Cuối tháng 10/2012, ông Thành tự ý làm việc với Công ty Lam Hồng Việt trên để hoàn thiện hồ sơ xin nguồn vốn tài trợ. Trong khoảng thời gian trên, Công ty Lam Hồng Việt đã hoàn tất việc tư vấn xin tiền hỗ trợ vốn trồng, bảo vệ rừng cho VQG Yok Đôn, thuê nhóm 4 người ở Đắk Lắk đi khảo sát VQG Yok Đôn.
Theo bản cam kết “ủy quyền người đại diện làm thủ tục nhận tiền dịch vụ tư vấn diện tích 115.545ha của VQG Yok Đôn” lập ngày 11/9/2012 thì ông Nguyễn Văn Thỉnh (trú ở 185 đường Lê Duẩn, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là người nhận ủy quyền, có quyền đứng ra làm các thủ tục để nhận tổng số tiền gần 19,643 tỉ đồng của cả tổ tư vấn gồm 4 thành viên. Bản cam kết cũng quy định rõ đấy chính là “cơ sở để Công ty Lam Hồng Việt làm thủ tục chuyển số tiền trên vào tài khoản của ông Nguyễn Văn Thỉnh được mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột”. Từ đó, ông Thỉnh sẽ chịu trách nhiệm phân chia các khoản phí dịch vụ cho các thành viên tổ tư vấn tại Đắk Lắk đúng, đủ và không có khiếu nại về số tiền của các thành viên tổ tư vấn như đã phân chia ban đầu”.
Ông Nguyễn Văn Thỉnh cho biết: “Công việc tư vấn đã hoàn tất, mọi thủ tục về hồ sơ giữa ông Trần Văn Thành với đối tác hỗ trợ vốn đã thực hiện xong, nay chỉ chờ giải ngân. Theo cam kết, tổ tư vấn sẽ được hưởng thù lao 500.000 đồng/ha, cá nhân ông Trần Văn Thành cũng được hưởng 500.000 đồng/ha. Còn VQG Yok Đôn được hỗ trợ bao nhiêu cũng quy định rất rõ”.
Ấy vậy mà cho đến thời điểm tháng 3/2013 này, Giám đốc mới của VQG Cát Tiên cũng chưa hề được vị giám đốc cũ bàn giao hay cho biết rõ về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với diện tích 37.220ha đất rừng đã “trôi dạt” về đâu. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc, để tìm hiểu ngọn ngành về những sai phạm của cá nhân ông Trần Văn Thành nếu ông này vẫn nhất định không có những báo cáo cụ thể về vụ việc trên.
Theo luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là một loại giấy tờ có giá trị, nghĩa là có thể cầm cố, thế chấp tới bất cứ tổ chức tín dụng nào. Về trách nhiệm khi làm mất, thất lạc sổ đỏ, thông thường người đứng đầu tổ chức, pháp nhân sẽ là người chịu trách nhiệm chung. Nếu để thất lạc tài sản chung của tổ chức mà mình được giao quản lý, tùy từng trường hợp, có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Bảo Lâm