Chuyên gia thời tiết lý giải về mưa đá
(Petrotimes) - Hai trận mưa đá kèm theo giông lốc đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ trong vài ngày cuối tháng 3. Điều đáng nói là các trận mưa đá đều diễn ra với cường độ rất lớn và đáng lo ngại. Thạc sỹ Trần Quang Năng, Phó trưởng phòng dự báo ngắn hạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã có cuộc trả lời Petrotimes xung quanh hiện tượng này.
>> Tháng 3/2013: Ít nhất có 8 tỉnh 'hứng chịu' mưa đá
Mưa đá làm tốc mái nhiều ngôi nhà tại Lào Cai.
- Ông có thể cho biết việc xảy ra liên tiếp các trận mưa đá với cường độ lớn trong thời gian ngắn có phải là hiện tượng thời tiết bất thường?
Trong thời gian qua trên địa bàn cả nước đã liên tục xảy ra các trận mưa đá, từ Quảng Ngãi, Hà Giang và mới đây là Lào Cai, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu cũng như làm bị thương nhiều người. Về mặt khí hậu thì hiện tượng mưa đá trên không có gì là bất thường, bởi vì hiện nay cả nước đang bước vào thời kỳ chuyển mùa, miền Bắc đang mùa lạnh chuyển sang mùa nóng còn miền Nam chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, do vậy có sự tranh chấp giữa các khối khí gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông tố lốc và vòi rồng, gió giật mạnh.
Quay trở lại thời điểm mưa đá rạng sáng 27 và 29/3 vừa rồi ở Lào Cai thì thực tế ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh tràn về tạo nên sự xung đột giữa không khí lạnh và bộ phận không khí nóng tồn tại ở vùng núi phía Bắc từ trước đó. Do vậy đã xảy ra mưa đá. Như vậy là không có gì bất thường về mặt quy luật.
- Nhưng bà con ở khu vực đó lại nói rằng chưa bao giờ nhìn thấy trận mưa đá với những cục đá lớn như vậy từ trên trời rơi xuống, vậy có thể lý giải hiện tượng đó như thế nào, thưa ông?
Về cường độ theo như số liệu chúng tôi có được từ trước đó thì hoàn toàn bình thường, tuy nhiên trận mưa đá đó thì tương đối lớn nhưng so với chung trên toàn thế giới thì cường độ vừa rồi không có gì là quá lớn.
- Vậy ông có thể điểm ra những dấu hiệu nào để người dân có thể nhận biết và có những biện pháp phòng tránh?
Thực ra cũng có những dấu hiệu rất dễ nhận biết cho bà con: Ví dụ như trời đang nóng bức mà có mây đen vần vũ kéo đến, gió đang thổi mạnh mà bỗng lặng gió, mưa rơi xuống cùng với nhiệt độ giảm nhanh thì đấy là dấu hiệu của mưa đá.
- Miền Bắc thì mưa đá, giông lốc, miền Trung thì hạn hán nghiêm trọng. Dường như những hiện tượng thời tiết như thế này xuất hiện ngày càng nhiều với tính chất ngày càng khốc liệt hơn. Thưa ông, khả năng xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như vậy ở cả ba miền trong năm nay là gì?
Hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra vào những thời điểm chuyển mùa, trong những ngày tới (cho đến hết tháng 5) vẫn đang là thời kỳ chuyển mùa kể cả miền Bắc và miền Nam, vì vậy những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc tố hoàn toàn có thể lặp lại. Miền Nam đang từ mùa khô chuyển sang mùa mưa nhưng mức độ khô hạn vẫn kéo dài trong thời gian tới.
- Chúng ta có thể dự báo được những điều này để bà con biết và phòng tránh không, thưa ông?
Thực tế để dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời điểm này rất khó vì các hiện tượng đó diễn ra trong một thời gian rất ngắn và quy mô nhỏ, do vậy chúng tôi chỉ có khả năng đưa ra những cảnh báo cho bà con phòng tránh.
- Xin cảm ơn ông!
Văn Dũng (ghi)