Vinacomin: Chú trọng định hướng công tác truyền thông
(Petrotimes) - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa khai giảng lớp bồi dưỡng truyền thông, báo chí, người phát ngôn và quan hệ cộng đồng 2013 cho 86 cán bộ tuyên giáo, truyền thông ở các đơn vị thành viên. Báo cáo viên của lớp gồm có lãnh đạo Tập đoàn, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng một số nhà báo kỳ cựu gắn bó với ngành năng lượng.
Vinacomin là một Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn, với vai trò là một trong 3 trụ cột có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện Tập đoàn có hàng chục đơn vị thành viên với tổng số CBCNV lao động lên tới 140 ngàn người, làm việc tại các địa bàn khai thác than, khoáng sản trải dài từ Bắc vào Nam. Bởi vậy, công tác tuyên giáo và truyền thông luôn được lãnh đạo Vinacomin đặc biệt coi trọng.
Hiện Tập đoàn có 1 tạp chí, cùng hệ thống bản tin nội bộ, website với đội ngũ hàng trăm cán bộ tuyên giáo, truyền thông thuộc các tổ chức Đảng ủy, Công đoàn. Tuy nhiên, do những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên ngoài số cây bút chuyên nghiệp của Tạp chí Than - Khoáng sản, đội ngũ cán bộ chuyên trách còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thông tin và đặc biệt là kinh nghiệm ứng xử trong các trường hợp khủng hoảng truyền thông (KHTT).
Chia sẻ về lớp học, ông Nguyễn Đức Tài, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ cộng đồng (Văn phòng Vinacomin) cho biết, đây là khóa học thường niên, với mục đích cung cấp cho học viên các kiến thức về vai trò của truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông, nhằm thăm dò và định hướng dư luận xã hội đối với nhiều mặt của Vinacomin. Các học viên được rèn luyện kỹ năng viết tin, bài truyền thông và thông tin để vận dụng tốt những kiến thức đã học vào điều kiện công tác thực tế ở cơ quan, đơn vị.
Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinacomin Đoàn Văn Kiển chia sẻ kinh nghiệm tại lớp học
KHTT từ lâu đã không còn là cụm từ quá xa lạ đối với một doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh công nghệ thông tin chắp cánh cho báo chí phát triển đa dạng, đa chiều, không bị hạn chế về không gian, thời gian như hiện nay, bên cạnh những thông tin có tác dụng định hướng dư luận xã hội thì cũng có rất nhiều thông tin gây bất lợi trong dư luận, cách nhìn sai lệch về nghiệp vụ. Đôi khi vì những lý do khác, một số phương tiện truyền thông đã đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, bịa đặt, sai sự thật, vô bổ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, hình ảnh, hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí là sự sống còn của doanh nghiệp.
Là lãnh đạo có nhiều năm gắn bó tại vùng mỏ, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinacomin Đoàn Văn Kiển cho rằng, công tác tuyên giáo và đội ngũ làm truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi chính họ là những người tham mưu lãnh đạo trong việc định hướng đúng đối với dư luận xã hội. Bởi vậy, nếu lỡ xảy ra sự cố truyền thông, gây hiểu lầm trong dư luận thì những người làm công tác này cũng nên thẳng thắn nhận một phần trách nhiệm về phía mình trong truyền thông.
Về các dự án khai thác bauxit, việc nhiều tài liệu liên quan chậm cung cấp đến các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí đã dẫn đến phản biện, thông tin thiếu khách quan, thậm chí chính - trị - hóa dự án kinh tế... “Khi chuyện đã rồi, người trong cuộc mới chạy theo giải trình, tôi khẳng định đó không phải là cách khôn ngoan của công tác truyền thông. Nhiều lúc việc giải trình như nói chuyện “vuốt đuôi”, chẳng ai còn đủ bình tĩnh và sức lực mà lắng nghe doanh nghiệp”, ông Kiển tâm sự.
Trong các trường hợp khi KHTT diễn ra, người phát ngôn của DN thường lúng túng, không tập trung khắc phục hậu quả ngay, thay vào đó là sự im lặng hay né tránh tiếp xúc với báo giới, chính điều này dẫn tới sự phỏng đoán tiêu cực, thiếu khách quan và càng khó kiểm soát. Nếu không quan tâm, trao đổi với mọi người, “im lặng” sẽ đem đến nhiều bất lợi. Do vậy, khi có sự cố, người phát ngôn phải sẵn sàng cung cấp thông tin trung thực, minh bạch cho báo chí.
Một điều nữa là khi khủng hoảng diễn ra, nhiều DN chỉ chăm chăm truy tìm lỗi, đổ lỗi cho yếu tố khách quan mà không tập trung khắc phục hậu quả. Ở ngành than, kế hoạch phòng ngừa, loại trừ và triệt tiêu sự cố, làm thế nào để ứng phó… là vấn đề hết sức quan trọng. Ông Kiển đã rút ra rất nhiều bài học về công tác tuyên truyền phải đánh đổi bằng xương máu.
Năm 1987, ở mỏ than Khe Bố, khi chảy ra vụ cháy khí metal làm chết 3 người, đơn vị tìm hiểu nguyên nhân thì được biết do đặt sai hướng quạt gió, khiến khí độc thổi ra ngoài, 2 người vào ứng cứu không mang theo bình ôxy vì họ… không biết để ở đâu, sử dụng thế nào (!?). Hóa ra các đợt huấn luyện kiểm tra sử dụng thì mang bình ra đối phó. Đó cũng là một phần lỗi của người làm công tác tuyên truyền an toàn lao động chưa tốt.
Đã nói về DN Nhà nước, là công tác sản xuất kinh doanh thường liên quan nhiều đến đối tác nước ngoài, đến người dân, hay thậm chí một địa phương, một vùng trong cả nước. Bởi vậy, tiếng nói của người đứng đầu DNNN khi xảy ra sự cố không chỉ mang tính chất chính thống, mà còn có hiệu quả tức thì với chính sự ổn định chính trị - xã hội khu vực đó, kế đó là với đội ngũ CBCNV trong ngành.
Một trong những nội dung quan trọng khi lãnh đạo Vinacomin, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ký vào Bản thỏa thuận hợp tác chiến lược, đó chính là sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác truyền thông. Nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới và Báo Điện tử Petrotimes - đơn vị được giao nhiệm vụ trở thành đầu mối trong công tác tuyên truyền cho ngành năng lượng Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về các tập đoàn kinh tế - kỹ thuật. Tất cả cũng xuất phát từ việc xã hội thiếu thông tin thực tế, dẫn đến cái nhìn sai lệch về năng lực, hoạt động và sự hợp tác của ba Tập đoàn EVN, PVN và Vinacomin.
Nhà báo Nguyễn Như Phong đề nghị đội ngũ cán bộ tuyên giáo, truyền thông và phát ngôn trong ngành than khoáng sản dám đứng mũi chịu sào, năng động sáng tạo, tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác truyền thông và đặc biệt là mỗi khi gặp sự cố trong sản xuất kinh doanh và cả sự cố trong truyền thông.
Đối phó với KHTT, người làm truyền thông phải bình tĩnh phân tích chỗ nào đúng, chỗ nào sai dựa trên cơ sở phát ngôn trước đó, nội dung chưa đúng cần quyết liệt phản bác lại một cách nhanh chóng, thậm chí phải bày tỏ thái độ cứng rắn, gay gắt với các nguồn tin bên ngoài. Ông Đoàn Văn Kiển nhắn nhủ các cán bộ tuyên giáo, truyền thông trong Vinacomin phải làm sao chủ động thông tin kịp thời, thường xuyên, thông tin nên ngắn gọn, dễ hiểu, không sử dụng khái niệm kỹ thuật phức tạp, viết trung thực, nói trung thực, thông tin chính thống. Đặc biệt, phải giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan truyền thông bởi sự chân tình, chủ động cung cấp tài liệu bằng cách trọng thị chứ đừng đánh đổi vật chất lấy mối quan hệ…
Tùng Kiên