Nhảm nhí “thánh cô” ở Hoài Đức
(Petrotimes) - Vốn là một nông dân chân lấm tay bùn, vậy mà hơn 9 năm nay Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) luôn được nhiều người gọi là “thánh cô”. Tuyết “nổi tiếng” bắt đầu từ khi cái được gọi là trời “ban” cho khả năng tiên đoán về tướng số và “bắt bệnh” cho người khác. Bà ta “lên đồng”, mở phủ rồi hành nghề bói toán. Nhiều người quá tin tưởng vào mấy trò nhảm nhí của bà ta nên tan cửa nát nhà, tán gia bại sản.
“Thánh cô” học hết lớp 3
Trong một lần về Hoài Đức, một người bạn “khoe” với tôi rằng, ở Cát Quế có một “thánh cô” có tên là Nguyễn Thị Tuyết hành nghề bói toán rất giỏi. “Thánh cô” có khả năng biết được những chuyện về quá khứ và tiên đoán được những gì có thể xảy ra trong tương lai. Chính vì khả năng “siêu phàm” này mà bà ta được nhiều người ở gần xa biết đến như một đấng “tiên tri” cứu nhân độ thế.
Vì thế, mới chỉ nghe lần đầu dù không mê tín dị đoan cũng phải tò mò muốn biết được thực hư về con người “đặc biệt” này. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ với mong muốn “đi tìm sự thật và lời giải cho những ai đang mù quáng tin vào bói toán, thần linh”, chúng tôi quyết định diện kiến “cô Tuyết”.
Mới 6 giờ sáng mà con đường bê tông phủ đầy đất đá, bụi mù trời dẫn vào thôn Cát Ngòi nhộn nhịp hẳn. Tiếng xe máy ầm ầm chạy phá tan không gian tĩnh lặng nơi vùng quê vốn yên bình này. Bám theo một nhóm người lạ từ địa phương khác mới đến mà chúng tôi biết chắc họ hỏi đường tìm đến nhà “cô Tuyết”.
Qua chiếc cổng chào thôn Cát Ngòi, không khó để hỏi thăm đến nhà “cô Tuyết”. Dù đã ăn chắc mình đến sớm hơn so với nhiều người nhưng khi tới nhà bà Tuyết đã thấy hàng chục người lấp ló phía ngoài cửa. Cánh cổng sắt vẫn đóng im ỉm. Tiếng nhiều người nói chuyện huyên náo cả một vùng.
"Thánh cô" Nguyễn Thị Tuyết (ngồi trong gian thờ)
7 giờ sáng, cánh cổng sắt mở toang, mọi người nháo nhào già có, trẻ có chen lấn, tranh nhau như ong vỡ tổ. Người đàn ông ra mở cổng là chồng bà Tuyết - ông Đỗ Văn Hằng.
“Thánh cô” năm nay trạc tuổi 50, dáng người béo đậm, mặc áo quần xộc xệch trông nhếch nhác. Người dân nơi đây cho biết, trước đây gia cảnh của vợ chồng bà Tuyết rất khó khăn, làm ruộng, trồng rau quanh năm chẳng đủ ăn. Bà Tuyết phải chạy chợ bán bánh đa để kiếm thêm thu nhập. Vậy mà giờ đây nhìn gia tài, nhà cửa của bà thì nhiều người mơ cũng không được, ước cũng chẳng có. Tất cả những thứ đó có được đều từ việc bà ta hành nghề bói toán.
Con ngõ nhỏ và khoảnh sân chật hẹp không đủ chỗ để chứa số lượng xe và người đến để tạ lễ và mong được cô “phán”. Lân la hỏi chuyện, mua thêm gói bánh với ít hương và hoa quả nhưng vị chủ quán là hàng xóm ngay cạnh nhà bà Tuyết có vẻ không thích chúng tôi. Chị chủ quán nói nhát gừng khi chúng tôi hỏi về “tài” bói toán của bà Tuyết. Giọng chị bốp chát: “Các chú mua hàng thì mua, muốn biết rõ thì ra phía cổng chợ nơi cuối làng mà hỏi, tôi không rõ lắm”.
Dân làng thôn Cát Ngòi lâu nay không mấy mặn mà với gia đình bà Tuyết. Nguyên nhân chính bởi tại bà Tuyết hành nghề bói toán nhảm nhí, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Hầu như tất cả những nhà hàng xóm xung quanh đều cắt đứt liên lạc với nhà bà Tuyết.
Tài “chém gió”, nói nhảm, tục tĩu
Trong điện thờ nhỏ có một chiếc sập gỗ lớn, trên đó chất đầy bánh kẹo, hoa quả và hương cháy nghi ngút. Bà Tuyết ngồi bệt riêng biệt trong gian thờ đó để bắt đầu “lòe” thiên hạ. Cặp kính cận của bà ta thi thoảng được nâng lên, đặt xuống như để che đi cặp mắt tinh ranh, láo liên trước hàng chục con người đang hồi hộp chờ được bà ta phán xét số phận. Hàng chục con người đang ngồi vật vờ, mệt lả để chờ chực được đến lượt mình ghi tên và đến lượt ngồi nghe bà ta phán.
Phía trong điện thờ, người giúp việc đắc lực cho bà ta không ai khác chính là người chồng Đỗ Văn Hằng… Ông Hằng ngồi bên cạnh viết sớ với những hàng chữ ngoằn ngoèo. Mỗi con chữ viết ra đều bị chính ngón tay thô ráp của ông ta che kín lại sợ ai đó nhìn thấy. Mục sở thị nhưng không đọc được chữ của ông Hằng viết là chữ gì. Bởi soi kỹ thì hình như những chữ ông ta viết ra không thuộc một nhóm ngôn ngữ nào mà tôi đã từng biết, phải chăng những con chữ “độc” này cũng là chiêu bài để mọi người xem gia đình ông là “người giời”.
Trưởng thôn Phan Tiến Bình
Công việc của ông Hằng đơn giản là tiếp nhận thông tin của khách rồi ghi chép thứ tự vào một cuốn sổ dày cộp đã được chuẩn bị trước đó. Nhưng để tên tuổi của khách “lọt” vào trong quyển sổ của nhà “thánh cô” thật không hề dễ chút nào, phải trải qua một công đoạn tuyển chọn. Càng nực cười hơn khi biết đến quy trình và “tiêu chuẩn” chọn lựa được căn cứ vào giá trị của những tờ tiền đặt kèm với lễ lạt của từng người đặt vào đĩa.
Những ai được chủ nhà “chấm” cho xem trước thì được phát cho một mảnh giấy nhỏ để họ ghi đầy đủ tên tuổi, năm sinh, địa chỉ quê quán vào trong đó. Những đĩa hoa quả, bánh kẹo và những tờ tiền với các mệnh giá từ 50 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng lần lượt được ông Hằng cất đi trong nháy mắt.
Người đầu tiên may mắn nhất được ngồi đối diện với bà Tuyết và được nghe bà ta phán là chị Nguyễn Thị H (Thanh Oai). Nghe người quen giới thiệu, với tâm lý xem bói đầu đầu năm lấy may nên chị H cũng muốn tìm đến đây xem vận mệnh may rủi của gia đình mình để biết trước mà tránh. Sau khi ngó qua tên tuổi của các thành viên trong gia đình chị H, bà Tuyết bắt đầu thao thao bất tuyệt: “Nhà mày mỗi người mỗi tính không ai giống ai. Ông chồng mày bát ngát bao la lắm, giờ đang nợ nần tiền bạc. Thi thoảng “hoa cà hoa cải” thôi chứ không phải yêu “bốc lửa”. Bà Tuyết yêu cầu gia đình phải làm lễ giải hạn nhưng với một yêu cầu không thể chệch đi đâu được là phải có ít nhất 60 triệu đồng.
Tiếp đó bà ta lại phán là cẩn thận không thằng chồng sẽ bị nghiện nặng. Sau khi nghe cô Tuyết “phán” xong, người phụ nữ ngoài 30 tuổi này ngớ người ra vì chưa hiểu “hoa cà, hoa cải” là thế nào thì ngay lập tức liền bị bà ta quát lớn: “Con này mày ngu thế”. Tiếp đó để trấn an, bà ta giải thích “hoa cà, hoa cải” là bồ bịch, rồi kiểu như “bóc bánh trả tiền”. Mấy chục con người có mặt lúc đó nghe xong đều phì cười.
Nghe “thầy” phán thế, người phụ nữ này khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nhà cháu không có người yêu, không hề lô đề, cờ bạc, tu chí làm ăn và chăm lo cho gia đình”. Như để minh chứng cho những gì mình nói là đúng, cô Tuyết nhếch mép nhìn về đám đông cười đắc ý.
Về phần con cái, sau khi xem xong lý lịch trích ngang, bà Tuyết nói rằng 2 đứa con của chị H không thọ được lâu. Đứa bé may mắn lắm thì chỉ thọ được ngoài 25 tuổi. Với chủ ý này, cô Tuyết yêu cầu phải “thay căn đổi mệnh cho cháu thì mới sống thọ được”. Chủ ý này của bà ta cũng không nằm ngoài mục đích bảo chị H phải làm lễ giải hạn. Với cây bút và tờ giấy bà ta bảo chị H ghi vào mảnh giấy mỗi lần bà Tuyết phán xong kiểu như nhà có hạn, con không thọ, chồng theo gái, gia đình lục đục.
Trường hợp của chị T đến từ Hải Phòng bi hài hơn. Mặc dù gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn nhưng vẫn được bà ta phán là chị T thường xuyên nhắn tin liên lạc với người yêu cũ. Chưa dừng lại ở đó, bà Tuyết còn “xúi” chị T thi thoảng phải đưa tiền cho chồng đi đánh bạc, chơi lô đề coi như đó là “động viên” người chồng để anh ấy có bạn có bè. Tiền làm ra nhiều mà không tiêu thì biết để vào đâu. Bà ta bảo chị T, nên chú ý đứa con gái, nó yêu đương nhăng nhít, không cẩn thận là mang bầu khi còn đi học. Về điều này chị T khẳng định là cháu nó ngoan, học giỏi và chưa hề yêu đương gì.
Rồi trường hợp của một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi ở Thạch Thất. Sau khi “phán” xong về mảnh đất mà nhà mình đang ở rất thiêng, có nhiều mồ mả nhưng có nhiều lộc, dưới đất có rất nhiều vàng của Tàu để lại. Như lời “cô Tuyết” phán, chính vì mảnh đất ấy linh thiêng nên gia đình anh Bốn có người chết trùng tang. Mồm bà ta luôn luôn nói với anh Bốn rằng, về bán miếng đất ấy đi. Nhiều người hàng xóm ông Bốn hôm đó cũng đến nhà bà Tuyết.
Nghe bà ta xúi về bán mảnh đất đấy đi thì mấy người hàng xóm ông Bốn ngồi ngoài góp ý “mảnh đất ấy có 2 mặt tiền giáp đường lớn. Giờ mà bán thì khối người mua, tiền tỷ”. Nghe nói vậy, được nước, bà Tuyết hùa theo: “Tôi đã bảo là đất có 2 mặt tiền, một giáp đường cái lớn và một giáp đường cái bé. Bán được giá, đi mua chỗ khác mà ở”. Ông Bốn cương quyết không bán mà hỏi nếu như sửa nhà hay làm lễ lạt để giải hạn thì bao giờ làm được. Ngay lập tức, Tuyết quay sang hạ giọng: “Nếu sửa nhà và làm lễ thì tháng 4 sửa là đẹp nhất”.
Bói “ra” bệnh, xúi ly dị
Sau nhiều ngày trà trộn, có mặt tại nhà bà Tuyết, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều điều nhảm nhí về vị “thánh cô” này. Điều nhảm nhí này chỉ những người nào đến đây nhiều lần, ngồi chứng kiến cảnh xem bói mới nhận ra. Vẫn chiêu trò, “tài” chém gió, Nguyễn Thị Tuyết đã “bắt” nhiều người phải “hút thuốc phiện”, “vào tù ra tội”.
Nhiều người bảo “cô Tuyết” giỏi lắm, không chỉ xem được tử vi, tướng số mà còn “bắt” được đúng bệnh. Nghe vậy anh bạn đi cùng tôi buột miệng, nếu cứ thế này thì chắc chắn không lâu nữa các bác sĩ sẽ thất nghiệp, bệnh viện không phải chịu tình trạng quá tải nữa. Phải đợi liên tục 2 ngày, chị Phạm Thị Thùy Dương (SN 1993) mới đến lượt được yết kiến “thánh cô”. Chị Dương quê gốc ở thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ). Học hết cấp 3, Dương lấy chồng về ở Hoài Đức. Vì hoàn cảnh khó khăn, cưới nhau đã được 2 năm nhưng họ chưa đủ điều kiện sinh con. Ý định đến đây nhờ thầy xem năm nay sinh con có được tốt không.
Nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn tìm đến "thánh cô"
Vừa ngồi vào chỗ, chưa kịp nói gì thì bà Tuyết đã phán: “Sao lấy nhau 2 năm rồi mà chưa có con. Thằng chồng mày nhất định bị yếu”. Cô gái ngượng đỏ cả mặt không nói được gì thêm. Bà Tuyết liên tiếp “phủ đầu” một tràng dài nào là: “Sao mày lấy nó mà không chịu tìm hiểu trước, thằng này nó chơi ma túy đó.
Tháng 7 này nó bảo mày đi vay tiền thì đừng có dại mà đi vay”. Không đợi chị Dương giải thích, bà Tuyết hất hàm: “Hay về đâm đơn ly dị, lấy mẹ thằng khác đi. Thằng chồng mày sau này sẽ dính vào pháp luật, tù chừng 7 năm, có ra tù rồi sẽ tái phạm thêm lần nữa”. Ai cũng thấy xót thương cho cô bé nếu như những gì bà ta phán là đúng. Chồng chị Dương là người hiền lành, làm công nhân lương ba cọc ba đồng thì lấy gì mà ăn chơi, nghiện ngập. Nghe vậy, khuôn mặt chị Dương ủ rũ, tím tái. Bà Tuyết cố tình nhắc đi nhắc lại: “Hay là đâm đơn ly dị đi, trẻ thế này thì lấy đâu mà chẳng được chồng ngon”.
Chúng tôi đành phải tìm cách tiếp cận với chị Dương để làm công tác tư tưởng và nói rõ với chị là đừng tin vào lời bà ấy. Tất cả là không có cơ sở. Bởi một điều, những lời này bà Tuyết đã “phán” với hàng trăm người. Và cũng chỉ mới đây thôi, bà Tuyết cao hứng “chém gió” với đám đông là có trường hợp một gia đình ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) có đứa con bị dính vào pháp luật, án xử 7 năm tù giam. Nhưng khi gia đình họ đã nhờ bà đến để cúng bái nên Tòa án Từ Liêm xử tù từ 7 năm tù hạ xuống được hưởng án treo. Bà ta chỉ bịp được những người không hiều biết thôi, chứ làm gì có tòa nào xử từ 7 năm hạ xuống án treo. Vậy mà vẫn có người tin!
Quá trình xem bói, bà Tuyết không quên “bắt” bệnh cho mọi người. Có gia đình bà bảo con cái hay ốm vặt, bà nội bị bệnh sỏi thận, thoái hóa cột sống, bệnh xương khớp. Ngẫm cũng đúng, bởi những thứ bệnh được “kê” ra là những bệnh nan y mà người già hay gặp phải. Có lẽ với cách xem bói, những “biệt tài” của “thánh cô” này thì những ai nhẹ dạ cả tin nghe theo lời thì chắc chắn không ít những gia đình lâm vào cảnh li tán, hạnh phúc bị phá vỡ, nhiều gia đình tan cửa nát nhà.
Sao không bị dẹp bỏ?
Đến nay Nguyễn Thị Tuyết đã hành nghề bói toán, mê tín dị đoan được hơn 9 năm. Khoảng thời gian đó cũng đủ để bà ta kiếm bộn tiền từ nghề này. Có lẽ chính vì vậy mà mặt bà ta lúc nào cũng lạnh như tiền, thấy khách đông quá, hai vợ chồng làm cao để tăng độ uy tín cho mình. Chưa hết, nhiều lần ông Hằng mắng như tát nước vào mặt khách, đuổi khách về nhưng tay ông ta không quên khéo léo lượm những tờ tiền kèm theo lễ. Nhưng điều quan trọng hơn là dư luận đặt ra câu hỏi là tại sao chính quyền nơi đây không hề có biện pháp xử lý hay dẹp bỏ, bài trừ.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, “cô Tuyết” hành nghề bói toán. Từ đó đến nay, bà ta vẫn ngang nhiên hành nghề, mở phủ thờ cúng. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp bà Tuyết, ông Phan Tiến Bình - Trưởng thôn Cát Ngòi cho hay “Nguyễn Thị Tuyết ngày mới “nổi đồng” đã có những biểu hiện như đập phá hết nhà cửa của mình, gây rối trật tự, đập phá luôn cả nhà em trai ở gần đó, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp (?). Thế nhưng bà ta chỉ bị xử lý ở mức độ nhắc nhở”.
Ông Bình là trưởng thôi nhưng cũng là hàng xóm có cổng đối diện với nhà bà Tuyết nên hơn ai hết ông hiểu và biết rõ được tường tận gia cảnh từ trước đến nay của bà Tuyết. Cũng theo ông Bình, trước kia nhà bà Tuyết, ông Hằng nghèo, kinh tế khó khăn lắm. Sau khi mở phủ cúng bái, xem bói thì xây được nhà cao cửa rộng, mua được nhiều đất đai. Vào những dịp cao điểm như ra tết, người kéo đến xem bói đông nghịt, mỗi ngày có đến cả trăm. Vì tất cả những người đến đây đều tự nguyện nên chính quyền địa phương không can thiệp.
H.V.L