Bảo vệ môi trường trong khai thác than: Nhiều chuyển biến tích cực
Là ngành khai thác, chế biến đặc thù với khả năng gây tác động xấu đến môi trường, nhất là môi trường không khí, nguồn nước, chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) đã dành sự quan tâm thích đáng đến công tác bảo vệ môi trường với nhiều biện pháp cụ thể.
Đến nay Vinacomin đã có nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu thụ than trên địa bàn tỉnh, hiện Tập đoàn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn và các Công ty thành viên đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi thực hiện khai thác, chế biến và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ.
Đồng thời không vận chuyển than trên đường bộ, cải tạo các tuyến vận chuyển than chuyên dùng nhằm tách việc vận chuyển than ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu bụi và tiếng ồn đối với khu dân cư; nạo vét các suối, mương trong ranh giới mỏ như cải tạo hệ thống thoát nước Khe Chàm - Dương Huy, cải tạo cảnh quan môi trường sông Vàng Danh (Uông Bí); cải tạo các bãi thải mỏ bằng biện pháp cắt tầng, hạ độ cao, xây dựng đê chắn dưới chân để ngăn chặn tối đa việc đất, đá thải chảy trôi lấp sông suối hoặc khu vực dân cư lân cận; tiến hành công tác hoàn nguyên môi trường như việc san lấp các địa điểm đã khai thác, trồng cây xanh.
Trạm xử lý nước thải mỏ của Công ty Than Vàng Danh được đầu tư hiện đại.
Tính đến thời điểm này đã có tới 66/67 khu vực khai thác than của các đơn vị Vinacomin đã được phê duyệt ĐTM; 7/12 cảng đã có ĐTM được duyệt, 4 cảng được xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác cũng đã được quan tâm hơn trước. Đến nay, đã có 35/67 khu vực khai thác mỏ đã được phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng chi phí 321 tỷ đồng. Song song đó, việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án cũng được thực hiện nghiêm túc với 36 dự án đã được ký quỹ với tổng số tiền khoảng 143 tỷ đồng. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh than đã quan tâm, thực hiện công tác quan trắc môi trường và báo cáo định kỳ, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường và hầu hết các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Cũng trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự quan tâm của Vinacomin và các đơn vị sản xuất, kinh doanh than, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 32 trạm xử lý nước thải cho các đơn vị trong ngành (năm 2012 đã hoàn thành và đưa vào vận hành thêm 6 trạm) góp phần cải thiện chất lượng các nguồn nước. Hiện nay Tập đoàn có 25 trạm đang xây dựng và còn 19 khu vực khai thác hầm lò và lộ thiên chưa có kế hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải cũng sẽ được đầu tư trong thời gian tới. Bám sát chỉ đạo của địa phương, các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh than đã tích cực áp dụng các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như: phun tưới nước chống bụi trên các tuyến đường vận chuyển; xây dựng thí điểm 3 trạm rửa xe (tại mỏ Núi Béo, Nam Mẫu và Tuyển than Cửa Ông); thực hiện che phủ bạt trên các phương tiện vận chuyển (kể cả tàu hoả); lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi; xây kè chắn chống trôi lấp đất đá; trồng cây xanh trên các bãi thải, khu vực kết thúc khai thác, mặt bằng công nghiệp... đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT tới toàn thể người lao động, nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường nơi sản xuất.
Tuy nhiên, vì ngành Than đã có lịch sử hình thành hơn một thế kỷ trên địa bản tỉnh, những hệ luỵ môi trường trong và sau quá trình khai thác, chế biến than là rất lớn, đặc biệt là các bãi thải, mỏ sau khai thác cần hoàn nguyên cần một lượng vốn rất lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngành Than, cần có thêm nhiều nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước.
Hiểu Trân