Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:
Chúng ta "thiếu thợ lành nghề" và "thừa thầy chưa đạt chuẩn"
(Petrotimes) – Tại phiên trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ khẩn trương khắc phục những yếu kém, tồn tại trong việc thi cử, dạy thêm học thêm, xuống cấp đạo đức học đường và vướng mắc trong phân tầng, quy hoạch giáo dục.
Ngày 22/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến, có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội ở các địa phương, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Sinh viên thất nghiệp do thiếu gắn kết ĐH – doanh nghiệp
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ngô Văn Minh (UV thường trực Ủy ban Pháp luật) và đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐB Đà Nẵng) đều bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm, nếu có thì phần lớn cũng phải chấp nhận làm trái ngành trái nghề được đào tạo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hay làm trái nghề có phần trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng cho rằng do chất lượng đào tạo trong trường ĐH chưa tốt và chưa đáp ứng yêu cầu công việc mà doanh nghiệp (DN) cần, vì vậy sinh viên ra trường tìm việc khó và thiếu những kĩ năng cơ bản như tin học, ngoại ngữ hay kỹ năng mềm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi chất vấn chiều 22/3.
Sự gắn kết giữa các trường ĐH, CĐ và DN cùng thị trường lao động chưa chặt chẽ, chưa có kinh nghiệm nên hiên nay cần phải thiết lập bằng cơ chế chính sách. Ngoài ra, quy mô đào tạo của các nhà trường chưa được tính toán theo cân đối vĩ mô, số lượng sinh viên đào tạo quá đông gây nên tình trạng thừa thãi nguồn nhân lực.
Ý thức được việc này, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh trong quy hoạch các trường ĐH và quy hoạch quy mô đào tạo theo hiệu quả; đồng thời, Bộ cũng tổ chức hệ thống thông tin cho xã hội, cung cấp số liệu về những những ngành nghề đang thừa hoặc bão hòa nhân lực. Gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã phát cảnh báo cho thí sinh về các ngành thừa nhân lực như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Tài chính, điều dưỡng và đang thống kê với ngành Xây dựng.
Với những nỗ lực trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ hi vọng sẽ phần nào giải quyết được vấn đề đào tạo dư thừa nguồn nhân lực của một số ngành nghề như hiện nay.
Bên cạnh đó, trước một số ý kiên băn khoăn về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và tình trạng con số sinh viên sư phạm thất nghiệp quá lớn hiện nay ở nước ta, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “Chúng ta chỉ thiếu thợ lành nghề và thừa thầy chưa đạt chuẩn. Còn nếu nói đến đội ngũ đạt chuẩn thì chúng ta rất thiếu, chứ không thừa”.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu và khẳng định Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề ra những giải pháp quản lý trường nghề và nâng cao quản lý nhà nước về hệ thống “cung” nguồn nhân lực.
Trước tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp đang gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng hiện nay có nhiều trường ĐH, CĐ Sư phạm ở các địa phương đang “cố tình” mở thêm nhiều ngành nghề chứ không chỉ đào tạo sư phạm nên số lượng đào tạo tăng lên.
“Chúng tôi đã có nghị quyết về đào tạo sư phạm từ 3 năm nay, sắp tới chúng tôi sẽ cho điều tra cơ bản lại để quy hoạch mạng lưới sư phạm trong cả nước, điều chỉnh hệ thống phù hợp quy mô và nhu cầu giáo viên cần tuyển của xã hội. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này về mặt chất lượng chứ không cho phép đào tạo tràn lan” – Bộ trưởng cho biết.
Sẽ rà soát số sách tham khảo có trên thị trường
Một vấn đề nóng cũng được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn là tình trạng sách tham khảo không được kiểm định tràn lan trên thị trường, trong đó có nhiều cuốn vi phạm chủ quyền quốc gia nghiêm trọng.
Đại biểu Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn về chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh các cấp. Nhiều cuốn hiện nay có in cờ Trung Quốc hay bản đồ không có hình hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, trong số những cuốn sách sai phạm, có 1 cuốn do NXB ĐH Sư phạm Hà Nội xuất bản – đây là NXB trực thuộc một trường ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý, còn các NXB khác không thuộc hệ thống mà Bộ quản lý.
Bộ trưởng cho rằng, Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin – truyền thông là hai bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về xuất bản phẩm. Trước đây, hai Bộ đã có một Thông tư về việc quản lý xuất bản phẩm này, tuy nhiên từ sau khi có Luật Xuất bản thì Thông tư chưa được ban hành lại, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát thị trường xuất bản phẩm. Dự kiến Thông tư sẽ được sớm nghiên cứu và ban hành lại. Thêm vào đó, về cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập Hai của NXB Giáo dục không có bản đồ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bộ trưởng cũng khẳng định đã rà soát và kết luận có đảo nhưng chữ nhỏ chứ không phải không in bản đồ như một số báo đã nêu. Đồng thời, NXB Giáo dục cũng đã ý kiến sửa chữa, khắc phục sai sót trên.
Cũng về vấn đề sách tham khảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐB TP HCM) nêu lên vấn đề: “Đúng là có rất nhiều loại sách chúng ta không có khả năng soạn thảo thì phải dịch. Thế nhưng những loại sách như "Bé làm quen với chữ cái" hay "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ", phải chăng chúng ta không đủ khả năng soạn thảo mà phải dịch nguyên si?”.
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc dịch sách tốt vẫn là việc chúng ta rất khuyến khích. Ở nước ta, việc biên soạn sách cho các cháu mầm non, tiểu học không kém nước ngoài, không phải thiếu hay không viết được mới phải nhập”.
Việc xuất hiện những cuốn sách sai phạm trên không nằm trong phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT do Luật Xuất bản. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT có danh mục quy định cụ thể, đầy đủ về những cuốn sách tốt và chuẩn mực.
Để giải quyết tình trạng tràn lan sách tham khảo như hiện nay, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ ban hành thông tư mới để “quét” hết những cuốn sách vi phạm và dựng “hàng rào kỹ thuật” để những cuốn sách ấy không thể xâm nhập vào nhà trường.
Vương Tâm