Síp đánh thuế tiết kiệm, thị trường toàn cầu náo loạn!
Ngay khi kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của Chính phủ Síp được đưa ra, lập tức hệ thống ngân hàng của nước này đã lao đao về thanh khoản do sự cố rút tiền hàng loạt. Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, đồng EUR mất giá mạnh.
Thị trường toàn cầu đang có những phản ứng tiêu cực sau quyết định của các chủ nợ quốc tế yêu cầu người gửi tiền tại các ngân hàng Síp phải chia sẻ gói cứu trợ.
Trên trang nhất của hàng loạt tờ báo phương Tây ngày 18/3 đều đưa tin về kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Chính phủ Síp như một sự kiện nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến tình hình tài chính ngân hàng cũng như thị trường vốn của hàng loạt quốc gia liên quan.
Theo đó, vào ngày 16/3, các Bộ trưởng tài chính châu Âu đã đi đến một thỏa thuận “vô tiền khoáng hậu” về việc buộc những người gửi tiền tại các ngân hàng của Cộng hòa Síp phải chia sẻ chi phí gói giải cứu mới nhất từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chờ sự cứu trợ 5,8 tỷ EUR từ thuế tiền gửi
Lần đầu tiên trong gói giải cứu trị giá 10 tỷ EUR dự kiến cung ứng cho hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu áp thuế 9,9% đối với những người gửi tiền trên 100.000 EUR và mức thuế 6,7% đối với những khoản tiền gửi dưới 100.000 EUR bắt đầu từ 19/3 này.
Trong ngày hôm nay, Quốc hội Síp sẽ bỏ phiếu thông qua các điều quả cứu trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, được biết, dưới sức ép của người dân nước này, dự kiến, Chính phủ Síp sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch để trình lên các chủ nợ quốc tế (bao gồm Ủy ban Châu Âu – EC; Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).
Theo một nguồn tin của Reuters từ Chính phủ Síp, nước này đang cân nhắc việc miễn thuế đối với những khoản tiền gửi có giá trị tới 20.000 EUR. Còn nguồn tin của Dow Jones trước đó, trích dẫn lời hai quan chức châu Âu thì khoản tiết kiệm từ 100.000-500.000 EUR sẽ phải chịu thuế 10% và mức thuế cho những khoản tiết kiệm trên 500.000 EUR sẽ là 15%. Những người có tiết kiệm trị giá đến 100.000 EUR thì mức thuế áp sẽ là 3%.
Joerg Asmussen, một thành viên trong HĐQT ECB cho hay, Chính phủ Síp đã đi đến quyết định cơ cấu lại các mức thuế đánh vào tiền gửi, song khối lượng huy động tổng thể từ những khoản thuế này cho gói cứu trợ vẫn đảm bảo 5,8 tỷ EUR.
Tác dụng ngược: Làm giảm triển vọng phục hồi
Khi kế hoạch đánh thuế vào tiền gửi được đưa ra, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cảnh báo, động thái này sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực đến không chỉ người gửi tiền mà còn với cả hệ thống các ngân hàng châu Âu.
Giới đầu tư lo ngại, đây sẽ là một tiền lệ xấu cho Eurozone. “Nếu luật thuế này được áp dụng thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ, đặt ra câu hỏi rằng, liệu những khoản tiền gửi tại những quốc gia khác có bị đánh thuế tương tự hay không” – Jane Foley, nhà chiến lược cao cấp về tiền tệ tại Rabobank nói.
Ngay sau đề xuất, những ngày qua, người dân Síp đã ồ ạt tới ngân hàng rút tiền gửi khiến hầu hết ngân hàng bị cạn tiền chỉ trong vài giờ, một số phải đóng cửa và tạm ngừng giao dịch.
Tổng thống Nicos Anastasiades đã phải lên tiếng cảnh báo hai ngân hàng lớn nhất nước này có nguy cơ sụp đổ chỉ trong vài ngày tới nếu người dân vẫn tiếp tục rút tiền ồ ạt như hiện tại. Theo nguồn tin mới nhất, trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư, các ngân hàng tại Síp sẽ đóng cửa chờ quyết định của Quốc hội về việc đánh thuế tiền gửi.
Thực tế này dẫn đến các quan ngại mới, rằng những người gửi tiền ở các nước khác đang lâm vào tình trạng tương tự như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia cũng sẽ rút tiền và chuyển đến nơi an toàn. Sự lây lan này sẽ làm mất an toàn của cả hệ thống ngân hàng khu vực đồng tiền chung.
Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, EUR mất giá
Phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư đã khiến thị trường tiền tệ cũng như chứng khoán toàn cầu hôm nay một phen náo loạn khi những mối lo ngại về triển vọng Eurozone xấu đi.
Tại châu Á, đồng EUR đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, xuống còn 1,288 USD/EUR sau khi đã bị mất 0,9% vào thứ 6 tuần trước. So với đồng Yen Nhật, EUR mất giá 1,2% xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 121,68 yen/EUR. Mức 121,55 yen/EUR đã là mức thấp nhất kể từ 6/3.
Ngoài ra, đồng EUR cũng đã giảm 0,4% so với đồng franc Thụy Sĩ, còn 1,2228 franc/EUR và giảm 9% so với đồng Bảng Anh, xuống còn 65,72 pence/EUR. Cả đồng franc và đồng Bảng đều được mua vào khi rủi ro đối với khủng hoảng nợ khu vực Eurozone leo thang.
Đóng cửa phiên hôm nay, chứng khoán châu Á rớt thảm. Trong khi MSCI châu Á Thái Bình Dương mất 1,8% thì các chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản lao dốc mạnh 2,71%. Hang Seng của Hồng Kông mất 2% - đánh rớt toàn bộ số điểm đã tăng trong 2013, Shanghai Composite của Trung Quốc mất 1,68%.
Kospi của Hàn Quốc, S&P/ASX 200 của Australia lần lượt giảm 0,92% và 0,95% - mức thấp nhất trong 2 tuần tại thị trường Hàn Quốc và trong vòng 1 tháng tại thị trường Australia.
Cập nhật tại thời điểm 23h Việt Nam, chỉ số Công nghiệp Dow Jones đánh rớt 24,98 điểm tương ứng mất 0,16%, S&P 500 mất 0,45% và Nasdaq Composite mất 0,28%. Trên thị trường châu Âu, FTSE 100 cũng lùi 31,79 điểm tương ứng mất 0,51%.
Theo Bích Diệp/Dân trí