SCIC: Câu chuyện của con số và vấn đề trách nhiệm!
(Petrotimes) - Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 3.974 tỉ đồng nhưng 2/3 trong số đó đến từ cổ tức ở Vinamilk và tiền lãi ngân hàng, SCIC liệu có quên cách đầu tư - một trong những sứ mệnh lớn nhất của công ty.
SCIC sống nhờ "bầu sữa" Vinamilk..
Theo tìm hiểu của Petrotimes, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Và với tư cách là tổ chức chuyên quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn của Chính phủ Việt Nam, sự ra đời của SCIC được đặt khá nhiều kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.
Mục tiêu trên tiếp tục được thể hiện trong Quyết định số 992/QĐ-TTg về việc chuyển SCIC thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2010.
Cũng theo những Quyết định trên thì, tại thời điểm ban đầu khi thành lập, vốn điều lệ của SCIC được xác định là 5.000 tỉ đồng, trong đó có 1.000 tỉ đồng là vốn Nhà nước và phần còn lại là tiếp quản từ các công ty. Sau đó trong Quyết định chuyển đổi SCIC thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, số vốn điều lệ khi chuyển đổi là 19.000 tỉ đồng (Mười chín nghìn tỉ đồng).
Lĩnh vực hoạt động của SCIC cũng được xác định là: Đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (Đầu tư (bổ sung) hoặc thoái đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC; cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC,...); đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp (Đầu tư vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần có sự tham gia của Nhà nước; đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác);...
Chức năng nhiệm vụ của SCIC là vậy và nó đã được đề cập rất rõ tại các Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và 992/QĐ-TTg ngày 30/6/2010. Tuy nhiên, theo Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của SCIC thì những chức năng, nhiệm vụ trên lại thể hiện vô cùng mờ nhạt. Cụ thể:
Báo cáo Tổng kết của SCIC cho thấy: Tổng doanh thu năm 2012 của công ty là 3.888 tỉ đồng. Trong đó, cổ tức mà SCIC nhận về từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC làm đại diện đạt tới 2.151 tỉ đồng, tương đương 55,32% tổng lợi nhuận của SCIC. (Con số này của năm 2011 là 1.937,83 tỉ đồng). Đáng chú ý, có tới 46,58% tổng doanh thu cổ tức trong năm 2012 được SCIC thu về từ cổ tức của Vinamilk với con số lên tới 1.001,95 tỉ đồng.
Và ngân hàng...
Ngoài ra, bản Báo cáo cũng cho thấy, doanh thu tài chính năm 2012 của SCIC đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng. Và theo một phép tính được giới chuyên gia đưa ra thì, tổng số tiền mà SCIC đang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới gần 20.000 tỉ đồng (con số này của năm 2011 chỉ là 10.000 tỉ đồng).
Như vậy có thể thấy rằng, trong năm 2012, “gửi tiết kiệm” lấy lãi đã trở thành một trong những nghiệp vụ trọng tâm của SCIC!
“Chiến lược” của SCIC đã thay đổi? Câu hỏi đã được rất nhiều người đặt ra khi doanh thu từ việc bán vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước mà SCIC được giao tiếp quản trong năm 2012 chỉ đạt 0,4% (khoảng 169,7 tỉ đồng). Nghi ngờ này xem ra cũng hoàn toàn có cơ sở khi SCIC chỉ thực hiện thành công 37/262 “thương vụ” mua bán vốn được xác định trong năm 2012.
Bình luận về những con số trên, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: SCIC dùng nguồn vốn Nhà nước gửi ngân hàng lấy lãi sau đó ngân hàng lấy nguồn tiền này chia nhỏ cho các doanh nghiệp vay lại với số lãi cao hơn. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn có nhu cầu về vốn để tái cầu trúc hay đầu tư sản xuất. Như vậy vô hình chung SCIC đang gián tiếp làm khó doanh nghiệp Việt. Vì thế cần xem xét lại hoạt động của SCIC để đơn vị này hoạt động tốt hơn nữa.
Quan điểm này cũng đang nhận được khá nhiều chia sẻ từ nền kinh tế và đặc biệt là giới chuyên gia. Có ý kiến cho rằng, cách làm của SCIC có phần hợp lý trong bối cảnh hầu hết các thị trường chủ lực của nền kinh tế đều đang gặp khó. Việc SCIC chọn Vinamilk, “gửi tiết kiệm”,... để đầu tư có thể xem là cách làm khôn ngoan, nhằm bảo toàn dòng vốn Nhà nước. Tuy nhiên phải thấy rằng, SCIC được thành lập với nhiệm vụ quan trọng nhất là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói riêng.
Tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là một trong những chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước đã xác định và ráo riết triển khai trong năm 2012. Đây có thể xem là mệnh lệnh của nền kinh tế, là yêu cầu tất yếu cho quá trình Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự tập trung, quyết liệt của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong việc xây dựng các đề án tái cấu trúc, tái cơ cấu thời gian vừa qua chính là minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.
SCIC đang cố tình đứng ngoài hay “không đủ năng lực” tham gia vào tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty có vốn đầu tư Nhà nước? Điều này cũng đã được đại diện của Vinamilk chia sẻ với báo chí rằng: Đáng ra, với vai trò chiếm tới 45,05% vốn điều lệ, SCIC phải cùng tham gia và ủng hộ các chiến lược để phát triển công ty, theo hướng vì quyền lợi chung của Vinamilk và của các cổ đông, trong đó có quyền lợi của SCIC. Tuy nhiên, đại diện vốn nhà nước SCIC đang hành xử với doanh nghiệp không đúng vai trò của mình mà đang còn có sự nhập nhằng mang tính quản lý nhà nước, gây lực cản sự phát triển của doanh nghiệp.
Qua đó để thấy rằng, những hoài nghi về “năng lực” đầu tư của SCIC là hoàn toàn có cơ sở. Ở đây, chúng tôi xin chưa bàn về tính hiệu quả của đồng vốn Nhà nước mà SCIC đang được giao quản lý bởi nếu xét trên phương diện này, SCIC có thể xem là thành công. Chuyện ở SCIC là vấn đề trách nhiệm với những kỳ vọng của nền kinh tế đã đặt ra cho công ty này!
Tính đến 6/3/2013, SCIC đang nắm giữ tới 375 triệu cổ phiếu của Vinamilk với tổng giá trị trên 39.300 tỉ đồng. |
Thanh Ngọc