Cuộc chiến năng lượng khốc liệt ở Trung Á
(Petrotimes) - Không chỉ là cửa ngõ đi vào vùng chiến lược dầu khí xung quanh vùng biển Caspi - rốn dầu lớn thứ hai thế giới, sau Trung Đông, Trung Á từ lâu còn được mệnh danh là “căn cứ địa năng lượng của thế kỷ XXI”, với trữ lượng dầu khí và khoáng sản dồi dào. Khu vực này đã và đang trở thành địa bàn cạnh tranh, là “vùng đệm” trong bàn cờ chiến lược của các cường quốc như Mỹ và đồng minh, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong một cuộc chơi lớn ngày càng khốc liệt.
Kỳ 1: Nhận diện người chơi chính
Sự trở lại của người Nga
Bao gồm 5 quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG): Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikstan, Trung Á là vùng đất có nhiều lợi thế trong chiến lược của các nước lớn. Đây là khu vực được coi là “sân sau”, là đòn bẩy để thúc đẩy “gấu Nga” hồi sinh và phát triển. Chắc chắn, Nga muốn đảm bảo duy trì vị trí khai thác, vận chuyển dầu mỏ, khí đốt tại Trung Á và cũng không “thích thú” gì với những “kẻ thứ 3” như Trung Quốc hay bất kỳ một cường quốc nào đang lăm le thâm nhập, chiếm thị phần trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình.
Không chỉ có cái uy ngoại giao chung chung mà Nga còn sẵn sàng có thái độ cứng rắn trong các vấn đề quốc tế liên quan đến khu vực này nhờ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và thường xuyên, đầu tư kinh tế, kiều hối dồi dào chuyển về đây… Nói gì thì nói, dù đang thân hay có xu hướng “ngãng” Nga ra, các nước Trung Á vẫn phải “kiêng nể” Moskva bởi vai trò quan trọng nhất định của “anh cả” một thời trong Liên bang Xôviết (cũ).
Khung cảnh lao động ở một mỏ dầu tại Kyzylorda - Kazakhstan
Hiện tại Nga đang triển khai một số dự án trọng điểm như “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam” tại Trung Á để đảm bảo vận chuyển khí đốt cung cấp cho châu Âu. Dự án “Dòng chảy phương Nam” - do Tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư - theo dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2015 với vốn đầu tư trên 20 tỉ euro để vận chuyển khí từ Trung Á và Nga đến các nước Nam Âu bằng đường ống đặt ngầm dưới biển Đen với công suất 63 tỉ m3/năm.
Chiến lược của Trung Quốc
Trong khi đó, đối với một Trung Quốc đang khát năng lượng để phát triển kinh tế, Trung Á là một “con bò sữa” năng lượng và là một đối tác trọng yếu cho ổn định và phát triển khu tự trị Tân Cương ở phía tây. Bắc Kinh đã chuẩn bị và có những bước đi vận hành trơn tru chiến lược thâm nhập sâu rộng vào khu vực này trong suốt cả một quãng thời gian dài từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Lợi dụng khủng hoảng tài chính làm suy giảm sức mạnh kinh tế của Nga, Trung Quốc đã ký được một loạt các thỏa thuận thương mại với nhiều nước Trung Á bằng chiêu bài tín dụng quen thuộc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã biến Trung Á thành một vùng chủ chốt cho sự bành trướng của Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc là nước dẫn đầu trong việc xây dựng đường bộ, đường sắt và các đường ống dẫn dầu ngang Trung Á, đồng thời chiếm được một loạt các hiệp định mua khí đốt với các nước với điều kiện khí đốt phải được vận chuyển qua tuyến đường ống Trung Quốc - Trung Á do nước này xây dựng, lắp đặt.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các dự án thăm dò và khai thác khí tại tả ngạn sông Amy Ddarri và Đông Turkmenistan. Ngoài các dự án trên, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc cũng không ngừng củng cố và tăng cường sự hiện diện của mình tại các nước Trung Á bằng cách thành lập các công ty liên doanh hoặc mua cổ phần của các tập đoàn dầu khí nước sở tại. Do vậy, khá nhanh chóng, Bắc Kinh đã trở thành một đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư không thể thiếu vắng tại Trung Á.
Sự lo lắng của người Mỹ
Trước sự tranh giành ảnh hưởng của Nga - Trung tại Trung Á, Washington tất nhiên cũng chẳng thể ngồi yên. Trong cuộc chiến tại Afghanistan, Trung Á là một trung tâm hậu cần quý báu cho Mỹ và đồng minh. Bên cạnh đó, Washington cũng xác định khu vực này là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “Đại Trung Đông” nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược và thực hiện ý đồ bá chủ thế giới.
Trước đây, các chuyên gia Mỹ thường tập trung vào sức ảnh hưởng của Nga ở khu vực này và tìm mọi cách làm giảm sự hiện diện của Nga trong không gian hậu Xôviết bằng cách ủng hộ cho dự án xuyên Caspi bỏ qua lãnh thổ Nga và thậm chí đã từng tính đến việc hợp tác với Trung Quốc để cô lập Nga. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh “nẫng” được hợp đồng mua 6 tỉ m3 khí đốt từ năm 2010 và dần đạt tới 40 tỉ m3 khí đốt/năm vào năm 2015 và khánh thành đường ống dẫn khí đốt dài 1.833km, bắt đầu từ Turkmenistan và tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc qua Uzbekizstan và Kazakhstan vào năm 2009, Mỹ đã cảm thấy “mối bất ổn” trong ý định hợp tác với một Trung Quốc đang trỗi dậy với rất nhiều toan tính.
Do đó, một khi đưa được Trung Á vào tầm kiểm soát, Mỹ sẽ có thể cắt đứt mối liên hệ trực tiếp giữa Trung Quốc và khu vực giàu dầu mỏ này nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển thực lực về phía tây và làm chậm lại giấc mơ siêu cường của Bắc Kinh.
Cuộc kiếm tìm lại những gì đã mất của người Ấn
Cũng như Bắc Kinh, New Dehli đang đẩy mạnh chiến lược can dự vào nhiều khu vực nhằm tìm kiếm và đa dạng các nguồn cung năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và tất nhiên, Trung Á là một địa bàn không thể bỏ qua.
New Dehli có quan hệ lâu dài đặc biệt với Liên Xô trước đây cũng như nhiều nước ở vùng Trung Âu - Á hiện nay xung quanh vấn đề an ninh và thương mại. Ngược lại, các nước Trung Âu - Á cũng muốn phát triển quan hệ với Ấn Độ bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh và tầm ảnh hưởng địa chính trị của nước này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng có nhiều lợi thế để các nước Trung Á - Âu khai thác như tiềm năng về công nghệ thông tin. Ngoài ra, chính phủ và người dân nhiều nước trong khu vực bắt đầu phản đối các dự án đầu tư của Trung Quốc, bởi theo họ các dự án đó có mang màu sắc của “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”. Chính vì vậy, đây được cho là cơ hội để Ấn Độ “bén rễ” sâu hơn vào khu vực này.
Hiện Ấn Độ đang nỗ lực triển khai đường ống dẫn dầu Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI) và chú trọng phát triển hơn nữa các nguồn tài nguyên dầu lửa và thủy điện ở Trung Á để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước và giảm bớt một phần nhập khẩu năng lượng từ các nước Trung Đông. Tại Kazakhstan, các công ty Ấn Độ đang khai thác nhiều mỏ than và thăm dò các khu vực dầu lửa. Tại Kyrgyzstan và Tajikstan, các công ty Ấn Độ tham gia một dự án thủy điện. Các nguồn tài nguyên nước khổng lồ của nằm trong kế hoạch “CASA-1000” của Ấn Độ nhằm sản xuất điện từ hai nước này để cung cấp cho Afghanistan.
Tại Uzbekizstan, Ấn Độ triển khai các dự án công nghiệp dược phẩm, công nghệ thông tin, xây dựng, năng lượng và các ngành công nghiệp khai thác mỏ. Ngoài ra, khu vực còn có một đường ống dẫn quan trọng khác là Baku-Tibilisi-Ceyhan (BTC). Các đường ống này sẽ trở thành những nguồn cung năng lượng chính cho Ấn Độ, góp phần quan trọng giúp nước này giải quyết một phần bài toán năng lượng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tình hình chính trị bất ổn tại khu vực có thể là nguyên nhân quan trọng khiến quá trình trung chuyển năng lượng có thể bị gián đoạn.
Minh Châu (tổng hợp)