Sống chết mặc bay…
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Đối với nông dân, bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về trình độ học vấn, thiếu kiến thức; đa số chưa gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Trách nhiệm của các quan chức là giúp bà con khắc phục những hạn chế ấy nhưng đã không làm được. Đúng là “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”!
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân rất cần đến sự hướng dẫn của các cấp lãnh đạo, nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà doanh nghiệp để làm ăn có hiệu quả. Nếu được tư vấn và hướng dẫn đúng thì nông dân được nhờ bởi mùa màng bội thu, sản phẩm tiêu thụ tốt. Nhưng nếu chỉ dẫn sai và “đánh trống bỏ dùi” thì các “nhà” đưa bà con đến chỗ sống dở chết dở.
Tình trạng này đã diễn ra từ vài chục năm nay ở nhiều địa phương mà chỉ nông dân chịu thiệt chứ các quan chức thì vô can. Ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, ngành nông nghiệp thấy nhu cầu thị trường cần hạt kê xuất khẩu, thông qua một doanh nghiệp ở Hà Nội, bèn vận động nhân dân giảm cấy lúa, chuyển một phần diện tích sang trồng kê. Giá kê khi đó cao gấp 2-3 lần giá lúa. Nhưng do không khảo sát kỹ số lượng kê có thể tiêu thụ được bao nhiêu để khống chế diện tích gieo trồng nên hậu quả thất bát đã xảy ra ngay sau đó. Vụ đầu mới trồng thử nghiệm mấy chục hécta thì tiêu thụ hết. Nông dân ồ ạt gieo trồng thêm diện tích. Vụ thứ hai đã dư thừa một nửa sản lượng. Vụ thứ ba ế ẩm gần như hoàn toàn. Kê chất đầy nhà mà nông dân chịu đói.
Tiếp đó là dưa hấu vụ đông rồi dưa chuột xuất khẩu, lợn sữa xuất khẩu đều lặp lại hậu quả khủng hoảng thừa như vậy. Dưa hấu bán đầy đường, rẻ như cho mà không ai mua vì mùa đông rét mướt, ít người ăn. Dưa chuột không đều quả, cong queo, doanh nghiệp từ chối nhập. Nhà máy chế biến thịt lợn sữa đông lạnh chỉ có công suất 1.000 tấn/năm nhưng dân nuôi lợn quá nhiều, sản lượng đạt tới 3.000 tấn.
Tỉnh Quảng Trị có thời kỳ lập dự án xây dựng nhà máy đường ở huyện Hướng Hóa đã vận động bà con nông dân ở mấy huyện miền núi trồng mía. Hàng trăm hécta ngô, sắn được chuyển sang trồng mía. Tiền mua mía giống phải vay lãi từ ngân hàng. Nhưng dự án mía đường không được phê duyệt mà mía đã đến kỳ thu hoạch. Nông dân cứ dài cổ đợi chờ nhưng không thấy có cán bộ nào quay về tìm cách tháo gỡ cho bà con. Thế là mía cứ trổ cờ phấp phới ngoài ruộng rồi lụi dần, ngô sắn không còn mà không ai ăn mía thay lương thực được. Tiền vay ngân hàng đã đến thời hạn thanh toán mà bà con tiếp tục cõng thêm khoản lãi nữa.
Quảng Ngãi xây dựng nhà máy chế biến sắn cũng phát động nông dân trồng sắn. Nhưng cán bộ không tính toán quy hoạch vùng nguyên liệu, không hướng dẫn cụ thể cho bà con nên phong trào trồng sắn cứ tự phát. Có nơi nông dân phá cả vườn tiêu, điều, cà phê; thậm chí phá cả rừng phòng hộ để trồng sắn. Doanh nghiệp chế biến chỉ biết thu mua nguyên liệu, trả tiền sòng phẳng cho nông dân, còn diện tích đất vùng nguyên liệu có bị ảnh hưởng gì thì không cần chú ý. Chính quyền địa phương tìm cách khắc phục thì mọi sự đã rồi.
Viện Kinh tế Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng đã có thời kỳ triển khai dự án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho các địa phương miền núi phía bắc. Tiền dự án lên tới địa phương thì các viện sĩ tư vấn cho quan bản địa bớt ra mua sắm ôtô, xây trụ sở trước. Khi đưa vải thiều từ miền xuôi lên trồng thì không kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ giống cây. Đến lúc cây ra hoa, kết quả và thu hoạch, nông dân thất vọng vì nó không phải vải thiều mà là quả tu hú, chua không thể ăn được. Vụ việc sau đó đã bị phanh phui. Mấy quan chức của viện phải ra hầu tòa vì ăn chặn tiền dự án và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chuyện phá rừng ngập mặn ven biển để làm đầm nuôi tôm, nuôi ngao vạng đã làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường sinh thái và tuyến phòng hộ, chắn song ở nhiều tỉnh ven biển. Nguyên nhân cũng do các nhà quản lý không có quy hoạch chi tiết và hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là hô hào địa phương triển khai rồi thả nổi, không kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời.
Đã tròn 10 năm kể từ khi triển khai Chương trình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nhưng sự liên kết vẫn còn lỏng lẻo, đường ai nấy đi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Bộ NN&PTNT cùng Ngân hàng Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam... đã tổ chức ký Chương trình liên kết 4 “nhà” trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Nhưng các “nhà” lãnh đạo, quản lý chỉ biết vẽ ra các dự án, các hợp đồng mà không nắm chắc có khả thi hay không đã quyết định triển khai. Thù lao kinh phí lập dự án thì các “nhà” đã nắm đằng chuôi và chuồn rồi, còn quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ của nông dân thành bại thế nào, không ai cần biết.
Đối với nông dân, bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về trình độ học vấn, thiếu kiến thức; đa số chưa gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Trách nhiệm của các quan chức là giúp bà con khắc phục những hạn chế ấy nhưng đã không làm được.
Đúng là “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”!
Bùi Đức