Mục sở thị lễ rước lợn độc nhất vô nhị tại Hà Nội
(Petrotimes) - Theo lệ mỗi năm một lần, cứ vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng Giêng (Âm lịch), người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại rộn ràng tổ chức lễ hội rước lợn, khao quân, giỗ tướng Tam Lang Đại Vương...
Lễ hội rước “ông lợn” để khao quân trước khi ra trận đánh giặc được người dân La Phù tổ chức vào đêm 13, nhưng ngay từ buổi sáng cả xóm đã tập trung tại nhà người được đăng cai (nhà được các cụ cao niêm trong thôn giao trọng trách nuôi lơn của năm) để sửa lễ.
Theo các cụ cao tuổi ở La Phù thì tục rước “ông lợn” nơi đây bắt nguồn từ việc khao quân của Đức Thánh Tam Lang Đại Vương. Đây là một lạc tướng thời Hùng Vương, có công đánh giặc Thục. Tục truyền, mỗi khi Đức thánh tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Sau này, vị tướng tài ba đã về trời vào ngày 14 tháng Giêng. Do đó, người dân lấy ngày 13, rạng ngày 14 tháng Giêng là ngày dân làng tổ chức khao quân và cũng là ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.
Để chuẩn bị cho ngày lễ, các cụ trong thôn xem xét rồi giao cho một gia đình nào đó trong thôn có đủ điều kiện được nuôi lơn. Để được trở thành “cai đám” gia đình đó phải đăng ký từ năm trước. Sau đó, các cụ già có uy tín trong xóm đó họp nhau lại bàn bạc, chọn ra người ưu tú nhất của xóm để để giao chăm sóc lợn phục vụ cho lễ hội năm sau của xóm.
Nếu lễ rước có một “ông lợn” to, đẹp để tế thánh, được chăm bẵm công phu và không bệnh tật thì cả xóm sẽ được hưởng lộc. Do đó, việc lựa chọn người chăm sóc lợn rất khắt khe. Cai đám buộc phải là người có đức, tài, con cái trong nhà phải có đủ hai vế con gái và con trai. đến khi vinh dự được các cụ giao trọng trách, cả một năm trời gia đình anh không dám lơ là việc chăm bẵm lợn.
Vì công việc chăm sóc này hết sức quan trọng nên người nuôi lợn để tế lễ cũng phải tách bạch riêng “ông lợn” với những con lợn mà gia đình mình đang nuôi. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng lợn dâng lễ cũng thật tỉ mỉ, cầu kỳ. Những quy định nghiêm ngặt mà cai đám nào cũng phải tuân theo là phải cho lợn lễ ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, không được cho lợn ăn thức ăn thừa hay những thức ăn đã bị ôi thiu. Cám phải là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp rảnh được nấu chín. Rau cũng phải được rửa sạch sẽ. Máng ăn mới và chuồng trại luôn được giữ sạch sẽ. Lợn được tắm rửa hàng ngày.
Trong ba tháng gần lễ hội không cho lợn ăn cám mà nấu cháo hoa cho lợn ăn. Thậm chí, để lợn không bị muỗi đốt làm đỏ da khi sửa lễ, người ta còn mắc màn hoặc đốt hương muỗi trong chuồng lợn.
Đến ngày lễ hội, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám cho lợn ăn no. Sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Rồi người ta trải chiếu từ cổng chuồng để rước “ông lợn” ra ngoài.
Đến khoảng đầu giờ chiều ngày 13, khi các cụ trong làng đến làm lễ tại nhà cai lợn. Những người thịt lợn không được dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc lợn mà phải dùng tay để giữ. Sau khi thịt “ông lợn” người ta đặt lợn trên một chiếc khung bằng tuýp nước đã được uốn cong để chống mình lợn lên cao. Tiếp theo, họ tạo dáng cho lợn như lúc còn sống, đặt lên chõng cao khoảng 1,2m. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn để làm. Sau khi "ông Lợn" đã yên vị trên chõng, người ta bắt đầu trang trí cho ông bằng những bông hoa từ giấy màu cắt ra, tết hoa tươi thành vòng.
Theo các cụ trong ban khánh tiết đình làng, khi ánh đèn điện được thắp lên và những chiếc đèn lồng, đèn nháy trang trí khắp đường làng, ngõ xóm đồng loạt sáng là lúc các xóm nhộn nhịp rước kiệu lợn ra đình. Theo lệ, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là bàn độc với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của “ông lợn” được khênh bởi những thanh niên khỏe mạnh nhất.
Đám rước ngày nay diễn ra rất nhộn nhịp. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. Khi đến đình làng, bàn độc của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, lễ lợn được khiêng vào đại đình và hậu cung để các cụ làm lễ.
Theo lệ làng, ngày 14 tháng Giêng là ngày giỗ của Thành Hoàng, người dân sẽ không tổ chức ca hát và những trò chơi. Do đó, lễ rước tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, sau đó là lễ tế diễn ra từ 23h ngày 13 đến 2h sáng ngày 14. Sáng ngày 14, trước sự đông đủ của bà con ở sân đình, các cụ sẽ công bố điểm thi xem lợn của xóm nào đẹp và có quà tặng. Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần cho từng hộ trong xóm của mình.
Một số hình ảnh tại lễ rước lợn năm nay do PV Petrotimes ghi lại vào tối 22/2 (13 tháng Giêng):
Mỗi xóm một "ông Lợn" rước về đình được trang trí khác nhau
"Ông lợn" đang "trang điểm" khá diêm dúa.
Ngoài ra thì mõm, tai, chân cũng được trang trí - ảnh T.Minh.
Mỗi xóm đều chăm chút cho "ông lợn" của mình để tế tướng Tam Lang Đại Vương.
Sau một năm nuôi dưỡng, khi đem tế, "ông lợn" có trọng lượng khoảng 200 kg hơi
Khi rước lợn về đình thờ, người dân trong xóm sẽ đánh trống, thổi kèn đi theo
Mỗi người một việc, những em nhỏ múa "xin tiền" theo sau "ông lợn"
Những em nhỏ trong đoàn rước của xóm Minh Khai - ảnh T.Minh.
Đội múa trống của xóm Hưng Long
Đội trống của xóm Trần Phú
Đoàn múa rồng chào đón lễ rước "ông lợn".
Thiên Minh - Nguyễn Hoan