Số phận ngắn ngủi của những “giấc mơ bay”
(Petrotimes) - Những ngày qua thông tin hãng hàng không Air Mekong thông báo tạm ngưng các chuyến bay để tái cơ cấu đã khiến dư luận xôn xao. Trước đó, cũng đã từng có nhiều hãng hàng không tư nhân ngừng hoạt động rồi dần chết hẳn trong sự tiếc nuối của bao người.
Dấu hiệu "lâm bệnh" ở Air Mekong
Phải thừa nhận rằng, ở trong nước Việt Nam không có nhiều hãng hàng không, nên khi một hãng hàng không tư nhân ra đời là niềm vui của không ít người dân thường chọn loại phương tiện này để đi lại. Bởi người dân càng có nhiều lựa chọn về chất lượng và dịch vụ của từng hãng. Tuy nhiên, sự ra đời hoành tráng để rồi ra đi lặng lẽ đã khiến niềm vui của người dân Việt về những hãng bay giá rẻ ngắn chẳng tày gang.
Sau nhiều vụ “khai tử” của các hãng hàng không tư nhân, thì những ngày đầu năm này, dư luận lại lùm xùm vụ hãng hàng không Air Mekong thông báo chỉ bán vé đến ngày ngày 28/2 gây xôn xao tại các đại lý cũng như khách hàng.
Hãng này đưa ra lý do tạm ngừng khai thác bay là để tái cơ cấu lại đội bay của mình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu chỉ tái cấu trúc lại đội bay mà phải tạm ngưng hoạt động bay thì không thuyết phục, bởi vẫn có thể tái cấu trức từng máy bay theo lộ trình không nhất thiết phải tạm ngưng hoạt động để cấu trúc vì như thế sẽ ảnh hưởng đến hành khách của hãng.
Air Mekong đã thông báo tạm ngưng hoạt động để tái cấu trúc đội bay
Được biết, hiện tại đội bay của hãng này gồm 4 chiếc Bombardier CRJ900, đại diện của hãng cho biết sẽ trả máy bay cho nhà cung cấp để tìm đội bay khác. Sự việc càng khiến cho dư luận thêm nghi ngờ về khả năng khó tồn tại lâu dài của hãng hàng không tư nhân này khi trước đó, nhiều thông tin về việc nợ nần của hãng này, rồi việc CEO của hãng đột ngột xin từ chức đặc biệt là dấu hiệu nợ nần chồng chất và khả năng khó trả nợ của hãng càng lộ rõ khi Công ty Xăng dầu hàng không Vinapco có văn bản đến Cục Hàng không về việc Air Mekong nợ quá hạn tiền xăng dầu.
Đại diện Vinapco khẳng định Air Mekong đang nợ quá hạn và chưa thanh toán tiền xăng dầu của mình. Theo các thông tin thì mỗi ngày hãng này phải trả cho Vinapco 1,8 tỷ đồng tiền xăng dầu và số nợ phải trả cho đến thời điểm này đã quá hạn. Những dấu hiệu về sự suy yếu của hãng càng rõ ràng hơn khi tính đến cuối năm 2012 thị phần hàng không nội địa của Air Mekong từ 6% giảm xuống còn khoảng 3,4%.
Và những ngày đầu xuân này Air Mekong thông báo tạm ngưng hoạt động để tái cấu trúc đã làm dư luận càng tin rằng lại sắp có thêm một hãng hàng không tư nhân nữa sắp “khai tử” khỏi thị trường hàng không tư nhân.
Thị trường khốc liệt
Những dấu hiệu của Air Mekong không phải quá bất ngờ với dư luận bởi trước hãng này, người ta cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp các hãng hàng không tư nhân chưa kịp đi vào hoạt động đã bị khai tử: Trai Thien Air Cargo, Blue Sky… cũng lâm vào tình trạng tương tự rồi mất hút khỏi thị trường.
Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp hãng hàng không Indochina Airline của nhạc sĩ Hà Dũng sau thời gian hoạt động hầm hố trên thị trường cuối cũng vẫn lâm vào cảnh đóng cửa. Được thành lập vào tháng 5/2008 với tổng số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Indochina Airlines khởi hành chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/11/2008, nhưng chỉ một năm sau, Indochina Airlines lún sâu vào khủng hoảng chủ yếu do suy thoái kinh tế.
Liệu Air Mekong có lâm vào tình cảnh cuối cùng như Indochina Airlines?
Đến tháng 9/2009, hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng chỉ còn khai thác một chặng bay là TP HCM - Hà Nội. Năm 2011, hãng lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên và xin ngừng cất cánh. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất hẳn khỏi làng bay Việt sau nhiều thời gian chật vật cố gắng bám trụ. Sự ra đi của Indochina Airlines và giờ đây là những nghi vấn có cơ sở về Air Mekong càng làm nổi rõ việc thị trường kinh doanh hàng không tư nhân Việt Nam rất khốc liệt chứ không hoàn toàn béo bở như những tính toán của các nhà phân tích.
Theo thống kê, đến năm 2011, thị trường vận tải hành khách nội địa tăng khoảng 12 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên trong số này chỉ có 3 triệu lượt khách sử dụng hàng không là phương tiện đi lại. Và chỉ có 1 triệu người trong đó chọn máy bay là phương tiện đi lại thường xuyên. Bên cạnh đó, với việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ bay ngày càng gay gắt đã khiến các hãng hàng không tư nhân vốn đã ít tiềm lực càng khó có thể tránh khỏi việc bị loại khỏi thị trường này.
Thùy Trang