Dấu ấn ngoại giao kinh tế Việt Nam
(Petrotimes) - Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sau 19 năm được giới chuyên gia đánh giá là một trong những điểm sáng vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối ngày 17/2.
Mở đầu chương trình, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2012, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối mà kiều bào đã gửi về Việt Nam lại tăng mạnh so với năm 2011, ước đạt hơn 10 tỉ USD, qua đó đưa nước ta trở thành nước nhận kiều hối nhiều thứ 7 thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh thì lượng kiều hối được kiều bào gửi về chủ yếu là để đầu tư, phát triển, sản xuất cũng như hỗ trợ cho gia đình xây dựng nhà cửa, hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất. Đặc biệt, lượng kiều hối này đã chuyển đến vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh đóng góp vào xóa đói giảm nghèo. Lượng kiều hối trong thời gian qua đã đầu tư cho hơn 2.000 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá đây chính là nguồn tiềm lực đóng góp vào phát triển đất nước, góp phần vào bình ổn tỉ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam.
Trước đó, trong rất nhiều bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra nhận định mùa kiều hối vào dịp cuối năm 2012 chính là cơ hội để hâm nóng một loạt các thị trường như: bất động sản - thị trường vốn đã đóng băng từ rất lâu; thị trường chứng khoán vốn đang trên đà sụt giảm có thể phục hồi; hay lĩnh vực tài chính – ngân hàng có thể cân bằng cán cân thanh toán;...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Điều này cũng đã được Bộ trường Phạm Bình Minh nhấn mạnh khi khẳng định: Riêng trong năm 2012, lượng kiều hối đó là 10 tỷ USD, chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là nguồn tiền thực đóng góp vào phát triển đất nước, đóng góp vào bình ổn tỷ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Chúng ta rất trân trọng và khuyến khích kiều bào ta tại nước ngoài, người Việt Nam làm việc, lao động, học tập ở nước ngoài gửi tiền về kiều hối về cho gia đình cũng đồng thời cho phát phát triển đất nước, đây cũng là việc ích nước lợi nhà.
Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sau 19 năm được giới chuyên gia đánh giá là một trong những điểm sáng vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và nước ta nói riêng đã và đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Thành tựu này có được là do kết quả nỗ lực chung của nền kinh tế cũng như sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành ngoại giao.
Về vấn đề, Bộ trưởng cho biết: Hiện chúng ta có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế.
Bộ trưởng lấy ví dụ cụ thể: Ở Hy Lạp, chúng ta thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp mới được 2 năm và trong 2 năm đó, chúng ta đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp. Chúng ta đã giới thiệu được các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hy Lạp.
Bộ trưởng nói: Qua con đường ngoại giao, khi năm bắt thị trường Hy Lạp đang có nhu cầu về hàng may mặc, cơ quan điện diện của Bộ Ngoại giao tại Hy Lạp đã giới thiệu cho Công ty may 10 để xuất hàng sang nước này. Và thực tế, Công ty may 10 đã bán được sản phẩm sang Hy Lạp.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cũng cho biết, mặc dù trong tình hình khó khăn nhưng cán cân thương mại của Việt Nam và Hy Lạp trong năm 2012 vẫn tăng tới 10% và đây chính là minh chứng cụ thể mà ngoại giao đã đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại.
Nhắc tới ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, đó là ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa. Ngoại giao kinh tế hiểu đơn giản là các hoạt động ngoại giao đóng góp vào việc phát triển đất nước, từ việc xây dựng quan hệ tốt với các nước, mở rộng hợp tác kinh tế đến hỗ trợ cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế cụ thể.
Nói về những nhiệm vụ mà hoạt động ngoại giao sẽ tập trung triển khai trong năm 2013, Bộ trưởng cho biết, năm 2013, kinh tế thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn nhưng hoạt động ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục tập trung tham mưu, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, đánh giá xu thế, chiều hướng kinh tế của các nước để cung cấp thông tin, tham mưu cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai là tăng cường tìm hiểu, phát hiện các thị trường, các nước có tiềm năng hợp tác của chúng ta với bên ngoài, giới thiệu cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, ngành Ngoại giao sẽ tăng cường vận động các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, làm ăn kinh tế tại Việt Nam.
Và để cụ thể hoá nhiệm vụ trên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục chiều hướng tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh nhưng đồng thời mở rộng ra các khu vực khác, đó là khu vực Trung Đông, châu Phi còn rất nhiều tiềm năng và ngoại giao thì cần phải mở đường, phát hiện ra những thị trường đó cho trong nước”.
Xung quanh câu chuyện kiện chống trợ giá của một nhóm công ty tôm tại Hoa Kỳ được đại diện một công ty thuỷ sản gọi đến chương trình, Bộ trưởng khẳng định: Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến con tôm của Việt Nam, nhất là khi lại phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Trong 7 năm qua, con tôm xuất khẩu của Việt Nam đã bị chịu một mức thuế chống bán phá giá, gây thiệt thòi cho người sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
“Bộ Ngoại giao đã sớm có thông tin về việc này để cung cấp cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương để cùng giải quyết” - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao cũng cho biết thêm, trong suốt thời gian qua, chúng ta phối hợp, hợp tác với Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ, đây là 2 cơ quan chủ trì chính trong xử lý vụ này. Chúng sẽ cung cấp thông tin đánh giá thật sự khách quan về các tác động và tác động này không chỉ ảnh hưởng tới người sản xuất tôm của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, chúng ta phải phối hợp với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ, cung cấp cho họ những thông tin thật sự khách quan và để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này. Ngoài ra, chúng ta phối hợp, chia sẻ thông tin với 6 nước cũng có tham gia vụ kiện này.
Bộ trưởng khẳng định: “Có thể nói, trong thời gian vừa qua, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ đã hợp tác rất chặt chẽ, tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ để cung cấp thông tin và khẳng định rõ chính sách của Chính phủ chúng ta hoàn toàn phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chúng ta không làm gì sai trong vấn đề này”.
"Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã dẫn nhiều đoàn, các doanh nghiệp đến các địa phương để tìm hiểu các cơ hội, đó là những bước đi rất cụ thể để đóng góp vào phát triển của đất nước. Năm 2012, Bộ Ngoại giao đã tổ chức diễn đàn về kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và hiệu ứng của diễn đàn, lần đầu tiên các nước Mỹ Latinh riêng trong năm 2012 có trên 10 đoàn cấp lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ Latinh đến Việt Nam. Đây gọi là hiệu ứng các nước Mỹ Latinh quan tâm đến Việt Nam. Qua các chuyến thăm đã có rất nhiều hợp đồng được ký kết". Bộ trưởng Phạm Bình Minh |
Thanh Ngọc