Thị trường bán lẻ 2013: Sân chơi của các đại gia ngoại?
Kinh tế suy thoái đi kèm sức mua giảm khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lao đao, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải sáp nhập để tồn tại.
heo các chuyên gia, chính cung cách hoạt động manh mún, thiếu liên kết hiện nay khiến họ tự dồn mình vào "chân tường" và nếu không có sự "lột xác" thì việc bị các đại gia nước ngoài thôn tính sẽ là tương lai không xa.
DN nhỏ trước nguy cơ thôn tính
Hơn bốn năm mở cửa theo cam kết gia nhập WTO (1/1/2009), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với gần 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, trong đó, có 21 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Mặc dù tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất lớn nhưng trên thực tế, sự lớn mạnh của các đại gia bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp nội lo lắng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Saigon Co.op, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước mong muốn bắt tay liên kết với nhau để có những trung tâm lớn nhưng nội lực của các doanh nghiệp quá yếu, không đủ sức làm đa dạng hoá các siêu thị cùng một lúc nên “lực bất tòng tâm,” đành ngậm ngùi nhìn các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân.
Thậm chí, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không có khả năng can thiệp vào giá cả một số mặt hàng như thuốc, sữa, thức ăn gia súc nên thị trường các mặt hàng này không được ổn định.
Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống logistics chuyên nghiệp, điều này hiện cũng chỉ mới có được ở các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam vẫn còn mạnh ai nấy làm, khiến chi phí bị đẩy lên cao.
Đánh giá bức tranh của ngành bán lẻ trong nước, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cũng nhìn nhận hiện các nhà bán lẻ trong nước vẫn “chạy” rất chậm, chưa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là sự kém liên kết.
Trên thực tế, chỉ cần một siêu thị nước ngoài lớn như BigC, Metro... đặt ở gần thì doanh số các siêu thị trong nước sẽ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí khó tồn tại vì giá cả của họ rẻ hơn, địa điểm rộng rãi, bắt mắt kèm theo nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn.
"Cho đến thời điểm hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam là đủ sức cạnh tranh với các đại gia FDI," ông Phú dẫn chứng.
Còn một nguy cơ nữa, theo ông Phú, đó là khả năng các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đi làm thuê cho nước ngoài. Bài học từ liên doanh Coca cola với các doanh nghiệp Việt Nam trước đây, họ đẩy mạnh quảng cáo tiếp thị thoải mái cho đến khi bị lỗ và các doanh nghiệp trong nước không chịu đựng nổi thì bán nốt thị phần và doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ thương hiệu.
Gần đây nhất, trứng gia cầm cũng liên tục bị “thổi” giá, điều này là do chúng ta vẫn chưa có những công ty đủ mạnh, làm chủ được thị trường, trong khi đó Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi CP của Thái Lan hiện đang chiếm đến 19% thị phần về thức ăn chăn nuôi và trứng gia cầm, con giống nếu không cẩn thận thì chúng ta vẫn sẽ bị động.
"Xu hướng thôn tính sáp nhập diễn ra âm thầm, các doanh nghiệp sản xuất thì nước ngoài mua ngay, nhưng với doanh nghiệp ngành bán lẻ và dịch vụ thì bằng việc hợp tác liên doanh, sau đó nâng thị phần và làm chủ thương hiệu đó, nếu không cẩn thận thì sẽ phụ thuộc," ông Phú nói.
Hãy tự cứu chính mình!
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 2.342 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Tuy nhiên, đánh giá của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường bán lẻ Việt Nam 2013 vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa nhất là về việc mở các địa điểm bán lẻ.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp Hội bán lẻ Việt Nam, với dân số gần 90 triệu người nhưng các điểm kinh doanh vẫn chưa đáp ứng đầy đủ. Điều đó có thể nhìn thấy rõ trong các thời điểm lễ, Tết hay dịp khuyến mại, các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược rõ ràng để phát triển. Hơn nữa, cần bắt tay ngay vào xây dựng thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hoá cho họ, nhằm giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nội đang làm rất tốt việc này như Nguyễn Kim, hiện đồng loạt khai trưởng 6 siêu thị điện máy ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra còn có Vinatex mart chuyên về may mặc và thời trang cũng tiếp tục khởi sắc với hàng loạt cửa hàng mới... nhưng con số các doanh nghiệp làm được như vậy còn chưa nhiều.
“Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn vì đây là thị trường vẫn đang bị bỏ ngỏ. Việc thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, từ đó đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường là yếu tố quyết định,” bà Loan nhấn mạnh.
Đã là nhà kinh doanh thì phải hiểu biết tâm lý của các đối tượng khách hàng. Đối với nhiều người đôi khi giá cả lại không phải là vấn đề chính, mà cái họ quan tâm là mốt, là hàng độc, mẫu mã phong phú, phù hợp với họ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, điều mà các doanh nghiệp phải làm là bám sát thị hiếu của từng đối tượng khách hàng, thay đổi cung cách phục vụ, coi người tiêu dùng là "thượng đế".
Ông Phú cũng nhấn mạnh, hàng chục năm nay, chính sách của Bộ Công Thương cho ngành bán lẻ không nhiều, mới đây chỉ có văn bản ưu tiên đất đai cho chuỗi bán lẻ ở thị trường nông thôn và với mức quan tâm như vậy thị trường nội địa đang bị bỏ trống.
"Đáng lưu ý, cả nước vẫn chưa có một sàn giao dịch nông sản thực phẩm ra trò, mua bán không minh bạch công khai và người sản xuất bị ép giá còn người tiêu dùng chịu thiệt do qua rất nhiều khâu trung gian," ông Phú chia sẻ.
Xu hướng mở cửa thị trường là tất yếu, vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần lựa sức mình, phát triển lợi thế cạnh tranh, tránh đối đầu với các nhà bán lẻ mạnh của nước ngoài mà cần tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư.
"Doanh nghiệp nào có chiến lược, bài bản và lãnh đạo có năng lực thì vẫn phát triển ngược lại những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị thôn tính," ông Phú nói.
Theo Vietnam+