TS Nguyễn Trí Hiếu: “Nghỉ quá dài không hẳn có lợi cho nền kinh tế!”
(Petrotimes) - Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, người nhiều năm làm việc tại nước ngoài, một kỳ nghỉ vừa đủ sẽ giúp nền kinh tế “ấm” lên, nhưng nếu quá dài sẽ gây ra những lực cản không đáng có...
PV: Năm nay người lao động tiếp tục được nghỉ Tết dài tới 9 ngày. Về góc độ kinh tế, TS có những nhận đình gì về kỳ nghỉ dài ngày trên?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước đây, tôi nhớ là người lao động hiếm khi được nghỉ dài quá 4-5 ngày. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại, nhất là khi công chức được nghỉ thêm ngày thứ 7, mỗi kỳ nghỉ đã đầy đặn hơn, cá biệt như năm ngoái và năm nay, kỳ nghỉ Tết cổ truyền lên tới gần 10 ngày.
Về mặt lý thuyết, đúng là sức mua, việc tiêu xài sẽ tăng lên trong nhân dân, đặc biệt là khu vực bán lẻ và du lịch, nhà hàng, khách sạn. Điều này đúng và chúng ta không phải bàn nhiều. Vấn đề là mỗi kỳ nghỉ dài như thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến khu vực sản xuất. Nói một cách đơn giản là nền kinh tế đang vượt cạn của chúng ta không nên “đẩy” khu vực sản xuất vào tình trạng “nghỉ ngơi” dài ngày như vậy.
Giảm giá nhưng hàng hóa vẫn ế "sưng", chứng tỏ sức mua giảm ở một bộ phận người dân
Khi mỗi nền kinh tế bước chậm khỏi suy thoái, sản phẩm quốc nội đóng vai trò hết sức quan trọng. Bạn cứ tưởng tượng 50 triệu người lao động Việt Nam làm thêm 1 ngày nghiêm túc, sẽ tạo ra bao nhiêu của cải? Khối hành chính sự nghiệp có thể nghỉ được, nhưng khối sản xuất mà nghỉ dài thì hoàn toàn không ổn. Ở Mỹ, kỳ nghỉ dài nhất là nghỉ Đông (từ Giáng sinh đến Tết Dương lịch – 7 ngày), kế đó là Lễ tạ ơn (cố định 4 ngày), còn lại người dân lao động quanh năm.
PV: Nghỉ dài, nhưng ai cũng nhìn thấy sức mua của người dân giảm mạnh trong dịp cận Tết nguyên đán năm nay. Ông nghĩ sao về điều này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cũng đúng thôi, điều đó hoàn toàn logic trong bối cảnh hiện tại. Trên đường đi làm, tôi quan sát thấy bản thân các tòa nhà, ngân hàng, doanh nghiệp lớn... đều trang hoàng vừa phải. Ngay cả TP.HCM, nơi luôn có tiếng “màu sắc” và nhộn nhịp vô cùng khi năm hết Tết đến, nhiều con phố cũng không thoát được cảnh đìu hiu.
Chúng ta không thể kỳ vọng người dân vùng tay mua sắm, trong khi thưởng không có, còn lương chỉ được thanh toán 50%. Đồng ý là một bộ phận người dân vẫn còn tiết kiệm, nhưng họ thừa nhận thức để dành dụm nhằm đối phó cho những năm sau nữa. Bởi vậy tôi cũng thấy sốt ruột khi người dân được nghỉ quá dài. 9 ngày là trên lí thuyết, nhưng thực tế chứng minh là nhiều bộ phận người lao động tự cho phép mình xả hơi ít nhất 2 tuần.
Ở một diễn biến khác, bản thân người lao động chắc cũng không hài lòng nếu chủ lao động cho nghỉ Tết dài rồi trừ nghiến vào ngày công, ngày lương khi trở lại sản xuất. Kinh tế đi xuống, người lao động càng “khát” tiền, và đó là lí do do chúng ta phải tìm cách giúp họ kiếm tiền nhiều hơn bằng cách tạo thêm công ăn, việc làm.
Các ngành dịch vụ, bản lẻ luôn khoái những kỳ nghỉ dài, nhưng 1 kỳ nghỉ quá dài sẽ gây sức ì lớn và tạo tâm lý ngại làm việc trong một bộ phận người lao động. Cá nhân tôi cho rằng, và thực tế từ những nền kinh tế tiên tiến, hoàn chỉnh về mô hình đã chứng minh: những kỳ nghỉ 4-5 ngày, cùng lắm 1 tuần là hợp lý hơn cả, cho cả dịch vụ lẫn sản xuất.
PV: Theo quan điểm cá nhân ông, bức tranh kinh tế Việt Nam 2013 sẽ mang màu sắc như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đầu năm không nên nói chuyện xui xẻo, nhưng đúng thật năm nay tôi chưa thấy điểm sáng ở đâu cả. Tất nhiên, mọi việc cũng không đến nỗi quá bi đát, tuy nhiên người dân có quyền được nắm bắt thông tin và hiểu rõ chỗ đứng của nền kinh tế nước nhà.
Đối với năm 2013, kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp ở ba lĩnh vực chính là xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Đây được coi là 3 khó khăn nhưng cũng là “điểm tựa” cho nền kinh tế. Cán cân thanh toán chưa thể lạc quan do các doanh nghiệp nội địa phải nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu hơn. Lượng kiều hối có thể sẽ sụt giảm khi những bất ổn về kinh tế toàn cầu chưa được cải thiện. Dòng vốn FDI giảm nếu Việt Nam chưa hoàn tất việc tái cấu trúc nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro năm tới, vấn đề cải cách hệ thống ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư – là một trong những mục tiêu trọng yếu giúp kinh tế Việt Nam phục hồi trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tùng Lê (thực hiện)