Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát hàng hóa phục vụ Tết
(Petrotimes) - Ngày 4/2, Bộ Công Thương tổ chức họp báo tháng 1 và đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013.
Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo từ rất sớm và rất quyết liệt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Bộ Công Thương với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng kế hoạch cụ thể, quyết định thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm.
Cho đến nay, Cục Quản lý thị trường đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 127/TW và Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch, thành lập 8 Đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sức mua dịp Tết Qúy Tỵ dự báo sẽ không bằng các năm trước
Dịp Tết Nguyên đán, vấn đề an toàn thực phẩm càng trở nên quan trọng, vì vậy Cục Quản lý thị trường giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm cho 10 Chi cục Quản lý thị trường thuộc các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…; tổ chức 5 Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường đã khẩn trương hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm trái phép.
Riêng tháng 1/2013, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 11.395 vụ, xử lý 6017 vụ vi phạm (trong đó 945 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 855 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 2986 vụ kinh doanh trái phép và 1231 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với tổng số thu 23,87 tỉ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 16,98 tỉ đồng; tiền bán hàng tịch thu là 6,85 tỉ đồng và truy thu thuế là 42,54 triệu đồng).
Năm nay, công tác chuẩn bị Tết được các địa phương, doanh nghiệp gắn kết hiệu quả với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều cách làm mới thông qua các chương trình Lễ hội tung hàng Việt, gói quà thuần Việt, các chương trình kết nối đưa hàng Việt ra thị trường giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối, chương trình Tết Việt gắn kết mọi nhà…nhằm quảng bá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trong dịp Tết.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các địa phương cũng tích cực chuẩn bị tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, cung ứng hàng chính sách cho đồng bào dân tộc, dân vùng sâu vùng xa, tổ chức các hội chợ xuân, tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, chỉ đạo các nhà phân phối cải tiến phương thức phục vụ, tăng cường các tiện ích cho khách hàng mua sắm, vui xuân, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trong dịp Tết, chăm lo cho các đối tượng chính sách ....
Đến nay cả nước đã có 37 địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, với tổng số vốn cho vay dự trữ hàng hóa bình ổn là 1.552 tỉ đồng. Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, hàng hóa Tết được các địa phương, các doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng thường từ 15-20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5-10%. Ước tính giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho 1 tháng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán khoảng 170.000-180.000 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, tuy Bộ đã có nhiều chỉ đạo nhưng sức mua của người dân trong dịp Tết theo dự báo sẽ không cao. Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp giảm hàng tồn kho trong doanh nghiệp thì người làm công ăn lương sẽ có thu nhập cao, ổn định, từ đó kéo sức mua tăng.
Đ.C