Cổ phiếu "vua" có trở lại?
2013 có thể là năm may mắn đối với cổ phiếu ngân hàng lớn, nhưng có thể sẽ là năm hạn đối với cổ phiếu ngân hàng nhỏ.
(Ảnh minh họa)
Hơn 9,3 triệu cổ phiếu Eximbank đã được giao dịch vào đầu giờ chiều ngày 29.1, trước tin đồn về thương vụ sáp nhập với Sacombank. Kết quả cuối phiên giao dịch, cổ phiếu EIB của Eximbank tăng hơn 500 đồng/cổ phiếu. Còn tính đến ngày 28.1, số lượng cổ phiếu EIB được giao dịch trong tháng 1 nhiều gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. Phải chăng, đây là tín hiệu cho thấy cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá như đã từng trong năm qua?
“Đu” theo M&A
Nhìn lại một lượt 8 cổ phiếu ngân hàng trên sàn trong năm 2012, chỉ 2 ngân hàng có giá cổ phiếu giảm. Đó là Navibank, một ngân hàng nằm trong nhóm cần tái cấu trúc và ACB, ngân hàng có khoản lỗ lũy kế hơn 1.700 tỉ đồng do hoạt động kinh doanh vàng. Cổ phiếu các ngân hàng còn lại đều tăng cao; cao nhất là CTG của VietinBank (hơn 51%), tiếp theo là STB của Sacombank (31,79%).
Theo báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng 2013 của Công ty Chứng khoán BSC, kết thúc năm 2012, cổ phiếu ngành này tăng 18%, trong khi VN-Index tăng trưởng 10% và HNX-Index âm 10%.
Không chỉ tăng giá, năm 2012 cũng là năm đột biến về lượng giao dịch của cổ phiếu ngân hàng. Tổng khối lượng giao dịch của 8 ngân hàng đang niêm yết lên tới hơn 2,4 tỉ cổ phiếu, gấp hơn 2,1 lần so với lượng giao dịch năm 2011 và hơn 1,85 lần so với năm 2010.
Mặc dù giá và khối lượng tăng nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của ngành lại cho thấy chiều hướng ngược lại.
Tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ đạt 8,91%, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, khá khiêm tốn so với con số gần 11% của năm 2011. Điều này đồng nghĩa kỳ vọng về thu nhập từ các hoạt động tín dụng sẽ bị thu hẹp đáng kể, do phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập từ lãi thuần.
Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và các tác động của nó đã trở thành tâm điểm xuyên suốt trong năm 2012. Người ta cố gắng ước tính con số nợ xấu là bao nhiêu. Theo báo cáo của các ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu chỉ hơn 4,8%. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu phải trên 8,8%. Còn theo một số tổ chức nước ngoài, con số có thể lên tới 13%. Tới thời điểm này con số thật vẫn còn trong vòng bí ẩn.
Ngoài yếu tố giá và thanh khoản, một nguồn lợi nhuận khác mà nhà đầu tư dài hạn thường quan tâm ở cổ phiếu ngân hàng là cổ tức. Tuy nhiên, cổ tức năm 2012 có thể làm thất vọng các nhà đầu tư ưa chuộng nhóm cổ phiếu vua, vốn được tiếng là trả cổ tức cao và bền vững.
Tính đến thời điểm này, chi trả cổ tức năm 2012 cao nhất là Ngân hàng Quân đội (MBB) với mức tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 10%. Trong khi đó, Eximbank thông báo tạm ứng cổ tức 8%, thấp hơn nhiều so với mức 12% của năm 2011. VietinBank đã thông qua việc giảm cổ tức từ 16% xuống còn 13-15%. Còn với Navibank, nhiều khả năng đây là năm thứ hai liên tiếp ngân hàng này không chia cổ tức.
Cổ tức kém là điều dễ hiểu khi lợi nhuận của toàn ngành, nguồn chi trả cho cổ tức, trong năm 2012 đã giảm gần 50% so với năm 2011, theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước. Đó là chưa kể áp lực phải trích lập dự phòng các khoản nợ xấu rồi mới được phép chia lợi nhuận cho cổ đông.
Thế nhưng, bất chấp một năm kinh doanh yếu kém, giá cổ phiếu ngân hàng năm 2012 lại cho thấy xu hướng tăng.
Có một điểm dễ nhận ra là các đợt tăng giá cổ phiếu ngân hàng đều gắn liền với các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), nổi bật nhất là cuộc thâu tóm Sacombank.
Từ giữa năm 2011, thị trường đã xuất hiện những tin đồn Sacombank nằm trong tầm ngắm thâu tóm. Cổ phiếu STB của ngân hàng này nhờ đó mà rục rịch tăng giá.
Đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, khi thông tin về quá trình thâu tóm bắt đầu hé lộ, giá cổ phiếu STB lập tức tăng mạnh: trung bình tháng 1.2012 tăng hơn 18% so với tháng 12.2011. Đà tăng này tiếp tục trong 6 tháng tiếp theo, với tốc độ tăng trung bình là 8,38%/tháng.
Không chỉ STB, các cổ phiếu ngân hàng khác cũng dắt tay nhau vọt lên. Tính chung trong nửa đầu năm 2012 so với cuối năm 2011, trung bình mỗi ngân hàng niêm yết đã tăng giá 37,13%. Trong đó, tăng mạnh nhất không phải là Sacombank mà là CTG (58,97%) và SHB (55,62%). Cả 2 ngân hàng này cũng có một năm 2012 đình đám với M&A.
Thương vụ SHB mua lại Habubank, sáp nhập toàn bộ tài sản và nợ của Habubank cũng là sự kiện nổi bật của giới ngân hàng năm qua. Hệ quả của “cục nợ Habubank” chưa được phân tích, nhưng sau cuộc sáp nhập, cổ đông SHB được lợi khá nhiều, gồm phần tăng giá cổ phiếu, phần cổ phiếu phát hành thêm và cả giá trị tăng thêm của SHB. Năm 2012 còn đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay giữa Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ và VietinBank (CTG). Đối tác Nhật mua lại 20% cổ phần của CTG với giá trị tương đương 743 triệu USD.
Nhìn về năm 2013, những thông tin thật lẫn đồn đoán về các thương vụ M&A tiếp tục thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư về đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do để tin rằng rất có thể cổ phiếu vua sẽ còn bị “dìm hàng” trở lại trong năm nay.
Lên ngôi hay bị hạ bệ?
Có một số lý do để tin rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2013.
Thứ nhất, Chính phủ sẽ trực tiếp tham gia giải cứu thị trường bất động sản, đầu mối chính để giải trừ các khoản nợ xấu của ngân hàng. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này và chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra, nhưng sự quyết tâm của Chính phủ cũng đã phần nào thúc đẩy tâm lý kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng.
Thứ hai, năm 2013 được dự báo là năm nở rộ các thương vụ M&A ngành Ngân hàng. Đầu tiên là hướng xử lý 9 ngân hàng yếu kém, bắt buộc phải tái cấu trúc. Để tăng sức cạnh tranh, các ngân hàng này hầu như chỉ có 2 lựa chọn: hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, hoặc sáp nhập với ngân hàng khác để tăng quy mô. Và cũng như năm 2012, M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực đẩy giá cổ phiếu ngân hàng.
Một điều đặc biệt là những ngân hàng không thuộc diện bị “chỉ mặt đặt tên” phải tái cấu trúc cũng có nhu cầu M&A. Chẳng hạn, gần cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận cho HD Bank sáp nhập với Ngân hàng Đại Á, dù 2 ngân hàng này chưa lên tiếng. Hay gần đây nhất là kế hoạch “hợp tác chiến lược” giữa Eximbank và Sacombank.
Thứ ba, cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi khi dòng tiền đầu tư có nhiều động lực để chảy vào thị trường chứng khoán. Thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng. Thị trường vàng mất sức hấp dẫn khi dần biến thành độc quyền. Kênh tiết kiệm cũng không còn hấp dẫn người có tiền, khi lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Tuy nhiên, theo ông Lương Công Minh, Trưởng Phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Assets, không phải cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá.
Theo ông Minh, các thương vụ M&A trong năm nay, nếu có, thì cũng chỉ ở các ngân hàng nhỏ. Những ngân hàng này vốn được định giá không cao do rủi ro nợ xấu, do đó cũng khó đẩy giá cổ phiếu ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng này hầu hết đều cần phải bán và ở thế bị động nên cung lớn hơn cầu, giá bán sẽ không cao.
Tiềm năng tăng giá có thể chỉ đến từ các ngân hàng lớn, khi các nhà đầu tư ngoại sẽ liên tục rót tiền vào trong ít nhất là 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn thì rất ít, không đủ để tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường.
Cổ tức thấp cũng là một nguyên nhân dìm giá cổ phiếu ngân hàng, do tình hình kinh doanh của các nhà băng đang ngày một xấu đi.
Trong số những lãnh đạo ngân hàng mà phóng viên phỏng vấn, rất ít người lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2013. “Năm 2013 tính sàng lọc sẽ mạnh hơn”, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết.
Nhìn rộng hơn, năm 2013 có thể là tiền đề dẫn đến đợt chạy đua tăng vốn mới trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, mà nguyên nhân chính là áp lực gia tăng tài sản để cạnh tranh với các ngân hàng khác.
Chẳng hạn, nếu có 2 ngân hàng sáp nhập với nhau, quy mô tài sản sẽ lớn hơn nhiều. Ngân hàng thứ ba, mặc dù kinh doanh tốt, vẫn phải chịu áp lực tăng vốn nếu không muốn thua kém ngân hàng mới sáp nhập kia về tài sản lẫn quy mô hoạt động, hoặc nếu không muốn bỗng dưng lại mang tiếng là “ngân hàng nhỏ”. Nhìn theo hướng này, việc phát hành cùng lúc có thể dẫn đến một hệ lụy là nguồn cung cổ phiếu ngân hàng quá nhiều, kéo theo áp lực giá cổ phiếu giảm.
Theo Nhịp cầu đầu tư