Gian nan hành trình lấy lại thương hiệu Việt bị đánh cắp
(Petrotimes) - Trong thời điểm hiện nay, việc thiếu cảnh giác trong kinh doanh đã khiến các doanh nghiệp Việt gặp phải không ít khó khăn trong hành trình lấy lại tên tuổi thương hiệu của mình.
>> Những thương hiệu Việt 'vang bóng một thời'
>> Các thương hiệu Việt đã bị 'nuốt gọn' như thế nào?
>> Thương hiệu Việt và những quyết định lịch sử
Đánh cắp trắng trợn
Mặc dù đã tạo được vị thế và chổ dứng trên thị trường nhưng không ít thương hiệu Việt gặp phải khó khăn khi bị các công ty nước ngoài “ăn cắp” thương hiệu nhằm kinh doanh dựa trên tên tuổi của thương hiệu Việt.
Tiêu biểu trong số những thương hiệu này phải kể đến trường hợp của thương hiệu thuốc lá hàng đầu Việt Nam là Vinataba. Sự việc được phát hiện vào năm 2002, khi thương hiệu này bị công ty của Indonexia có tên là P.T. Putra Stabat Industri chiếm đoạt trắng trợn bằng việc đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean.
Để tìm lại tên tuổi của mình ở những quốc gia trên, Vinataba đã phải bỏ ra khoản chi phí đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.
Thương hiệu thuốc lá Vinataba đã từng bị đánh cắp thương hiệu tại nhiều nước trong khu vực
Sau một năm vất vả với những chuyến đi và hồ sơ chứng minh việc đăng ký thương hiệu từ trước, ngày 24/1/2003 thương hiệu Vinataba cũng đã giành lại được tên tại Lào.
Tại Campuchia, vào tháng 12/2002, sản phẩm Vinataba của Việt Nam cũng được công nhận. Còn hiện tại ở thị trường Trung Quốc, thương hiệu Vinataba vẫn chưa được công nhận.
Riêng tại thị trường Indonexia, với nổ lực không ngừng nghỉ của mình Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã được công nhận là doanh nghiệp có quyền sở hữu thương hiệu Vinataba, Công ty Sumatra do không chứng minh được quyền sở hữu của mình đã buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba ở thị trường này.
Cũng lâm vào trường hợp như trên, thương hiệu kẹo dừa Bến Tre cũng có thời gian bị các công ty của Trung Quốc ăn cắp thương hiệu một cách trắng trợn. Năm 1998, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (còn gọi là Hai Tỏ) đang ăn nên làm ra bỗng chùng xuống. Sau khi thăm dò thị trường, chủ doanh nghiệp này mới phát hiện ra nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đang bị các công ty Trung Quốc làm giả, làm nhái.
Sau hành trình sang Trung Quốc kiện doanh nghiệp làm nhái thương hiệu của mình, phải mất nhiều thời gian đến tháng 5/1999, bà Hai Tỏ lấy lại được nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre và bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tăng cường bảo vệ thương hiệu
Một điều dễ nhận thấy là không ít các thương hiệu Việt bị đánh cắp do bản thân họ bỏ quên việc đăng ký tên thương hiệu của mình. Đây là cơ sở để các công ty nước ngoài lợi dụng để chiếm mất thương hiệu Việt.
Tiêu biểu cho sự việc này phải kể đến vụ việc đình đám xảy ra với thương hiệu cà phể nổi tiếng Việt Nam là Trung Nguyên. Khi vào năm 2000, Trung Nguyên phát hiện bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới). Sự việc khiến cho không chỉ Trung Nguyên mà ngay cả giới kinh doanh Việt xôn xao khi đúng lúc Trung Nguyên bắt tay phát triển sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ.
Phải mất 2 năm đằng đẵng đàm phán và tiêu tốn hàng trăm nghìn USD để lấy lại tên miền, Trung Nguyên mới mới lấy lại được thương hiệu và Rice Field nhận làm đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ. Sau sự kiện này, Trung Nguyên rút đã nhanh chóng thực hiện ngay việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, tưởng chừng những vấn đề liên quan đến đăng ký thương hiệu đã qua đi thì mới đây lại một lần nữa thông tin về thương hiệu của Trung Nguyên lại một lần nữa “dậy sóng” khi website Trungnguyen.com.au trở thành website quảng bá, giao dịch Highlands coffee.
Đáng lo ngại hơn là việc Trung Nguyên tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ, sau khi tên miền thương hiệu Legendeecoffee bị người khác thâu tóm. Có nhiều nguy cơ thương hiệu này bị chặn đường xuất khẩu Legendee Coffee tại thị trường Hoa Kỳ.
Khung võng xếp Duy Lợi cũng từng lao đao vì bị đánh cắp thương hiệu tại thị trường Mỹ
Cùng chung cảnh như Trung Nguyên, thương hiệu võng xếp Duy Lợi cũng đã từng lao đao khi bị đánh cắp thương hiệu tại thị trường Mỹ. Còn nhớ vào giữa tháng 5/2004, “khung võng xếp Duy Lợi" được phát hiện là đã cấp Bằng sáng chế (SC) độc quyền: số US6.467.109 B1 độc quyền tại Mỹ, với người đứng tên Chủ Bằng SC là ông Chung - Sen Wu (người Đài Loan).
Sau quá trình gian nan chứng minh kiểu dáng võng xếp Duy Lợi bị đánh cắp, ngày 19/9/ 2005, USPTO đã ra thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ sáng chế của ông Chung Sen Wu.
Qua những sự việc trên có thể thấy, thương hiệu Việt nếu chỉ chăm chăm vào việc khẳng định mình thì chưa đủ. Điều quan trọng là việc phát triển thương hiệu luôn phải đi đôi với bảo vệ thương hiệu ngay từ trên văn bản pháp luật. Đây là điều tối ưu để chống lại việc bị đánh cắp từ các cá nhân, công ty nước ngoài.
“Để tránh xảy ra kiện tụng, các doanh nghiệp khi có sản phẩm mới nên đăng ký bảo hộ kiểu dáng, hoặc đăng ký sáng chế mới. Trước tiên nên đăng ký ở Việt Nam, sau đó đăng ký ở các thị trường chủ yếu sẽ xuất khẩu sản phẩm.
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp không có tính mới về kiểu dáng, công nghệ để có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng hoặc sáng chế, trước khi sản xuất hoặc xuất khẩu tốt nhất nên nhờ luật sư tiến hành tra cứu xem đã có ai đăng ký sáng chế liên quan đến cơ cấu, sản phẩm sắp xuất khẩu hay chưa. Dựa trên tra cứu đó, doanh nghiệp tránh được vi phạm quyền của một bên thứ ba ở nước ngoài” - luật sư Dương Tử Giang, Văn phòng luật sư Phạm & Liên Danh khuyến cáo.
Thùy Trang