Cần chính sách năng lượng theo cơ chế thị trường
(Petrotimes) - Khi các nguồn năng lượng trong nước đang dần cạn kiệt thì việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới hoặc tập trung cho các dự án năng lượng mới là giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất cho phát triển các dự án mới này chính là chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập.
Điểm nghẽn lớn nhất: chính sách giá
Nước ta vốn có nguồn năng lượng sơ cấp như nước, than đá, dầu khí... rất phong phú. Tuy nhiên, trong các nguồn này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Tiềm năng thủy điện được chúng ta khai thác đã gần như hết”. Nhà máy thủy điện lớn cuối cùng là Lai Châu cũng đã được đưa vào xây dựng để chuẩn bị khai thác. Còn lại khoảng 4.300MW thủy điện nhỏ cũng đã khai thác khoảng 2.000MW, nhưng thủy điện nhỏ khi khai thác cũng mang đến những hậu quả khó lường trước được.
Đối với nguồn dầu khí, theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam không phải là nước có nguồn dầu lớn, lượng khí cũng hạn chế và chỉ đủ cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện khí. Nếu không phát hiện thêm mỏ khí hoặc mỏ dầu mới nào nữa thì nguồn này của Việt Nam cũng sẽ cạn kiệt trong vòng 20 năm tới.
Than cung cấp cho ngành điện cũng mới bằng khoảng 70% giá thành sản xuất và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác bằng 90% giá xuất khẩu
Riêng với nguồn than, nước ta có trữ lượng khoảng 3,3 tỉ tấn, nếu tính cả than của Đồng bằng sông Hồng thì là khoảng trên 200 tỉ tấn. Với trữ lượng này, cộng với điều kiện khai thác, theo tính toán, đến năm 2015, nước ta đã phải bắt đầu nhập khẩu than để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước. Do vậy, để bảo đảm an ninh năng lượng, việc cần thiết bây giờ là buộc Việt Nam phải nghĩ đến các nguồn năng lượng mới và tái tạo để thay thế.
Tuy vậy, điểm nghẽn lớn nhất trong vấn đề chính sách năng lượng hiện nay là giá năng lượng còn thấp. Ví dụ giá thành sản xuất điện tính trung bình là khoảng 5-6 cent/kWh (thủy điện là 2-3 cent/kWh, dầu DO khoảng 12 cent/kWh, điện mặt trời là 9-10 cent/kWh, khí hóa lỏng (LPG) là 16 cent/kWh…) nhưng giá điện bán ra hiện chỉ khoảng 5-6 cent/kWh nên các nhà đầu tư không hào hứng trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất để bán điện vào Việt Nam. Chưa kể, nhiều dự án ồ ạt đầu tư vào Việt Nam như các dự án thép, xi măng… đã gây vỡ quy hoạch cũng bởi nguyên nhân là giá điện rẻ.
Bên cạnh đó, mặt hàng than cung cấp cho ngành điện cũng mới bằng khoảng 70% giá thành sản xuất và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác bằng 90% giá xuất khẩu. Trong khi, để nhập khẩu 1 tấn than ở thời điểm hiện tại phải mất tới 150USD/tấn, nghĩa là gấp tới hơn 2 lần so với giá xuất đi (trung bình giá than đá xuất khẩu cuối năm 2012 hơn 65USD/tấn). Bù lỗ của ngành than cho các ngành kinh tế không chỉ hạn chế đầu tư của ngành, mà giá than không theo kịp với giá thị trường đã làm méo mó sức cạnh tranh thực tế của các ngành nghề, doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thế nhưng, không chỉ ngành than vẫn phải bù qua giá cho điện hơn 6.500 tỉ đồng trong năm 2012, ngành điện cũng đang phải bù giá cho những hộ sử dụng điện dưới 100kWh/tháng. Theo công bố giá thành sản xuất điện năm 2011 thì mỗi kWh điện sản xuất ra khi bán đến hộ tiêu dùng đã lỗ tới 56 đồng/kWh.
Hiện nay, chỉ có giá xăng dầu đang tiệm cận dần với giá thị trường, nhưng việc tăng giá xăng dầu vừa qua vẫn chưa theo kịp thế giới. Hệ lụy kéo theo là giá điện thấp vừa khó cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, vừa khó thu hút đầu tư vào ngành điện, lại không khuyến khích người tiêu dùng đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng.
Giá nào thích hợp?
Trước tình hình đó, trong năm 2013, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, Cục Quản lý giá sẽ tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm tra thanh tra theo quy định của pháp luật góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức khoảng 8%. Bên cạnh đó, minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiêu thụ điện, than, xăng dầu, dịch vụ công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước còn duyệt giá, những mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thị trường trong nước và thế giới; nâng cao chất lượng công tác dự báo để chủ động có giải pháp phù hợp trong quản lý, điều hành nhằm duy trì mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 8%.
Theo Cục Quản lý giá sẽ có các giải pháp thực hiện quản lý, điều hành giá như sau: Triển khai đồng bộ các nội dung của Luật giá, điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hoàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này... đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.
Đặc biệt, giá than bán cho điện sẽ căn cứ vào các điều kiện kinh tế xã hội cụ thể, trên cơ sở báo cáo chi tiết của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về kết quả kiểm toán giá thành than năm 2011, 2012, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tính toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giá than bán cho sản xuất điện cụ thể; hướng tới mục tiêu giá than bán cho điện bù đắp được giá thành toàn bộ như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Mục tiêu đưa giá năng lượng theo thị trường đã được quán triệt bằng những mệnh lệnh hành chính đanh thép. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị định 84, giá xăng dầu trong nước vẫn lỗi nhịp so với thế giới, còn giá điện thì cho dù có Quyết định 24, vẫn phải trông chờ vào nguồn thu ngân sách để bù lỗ cho tới tận năm 2015. Điều mà lẽ ra, nếu tính toán tốt, việc tăng giá điện theo lộ trình cho phép trong năm qua sẽ bớt được áp lực cho ngân sách cũng như số lần tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực có quan hệ gắn kết chặt chẽ không thể tách rời như than và điện, với tỷ trọng nhiệt điện than hiện nay chiếm tới hơn 50% công suất nguồn phát, nếu đưa giá than theo thị trường đối với sản xuất điện vào năm nay, ắt hẳn dẫn tới áp lực tăng giá điện lớn hơn.
Làm sao để đưa giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng theo đúng mục tiêu của Chính phủ và đúng với quy luật của thị trường, nhưng bảo đảm kiểm soát lạm phát, tránh sốc đối với doanh nghiệp và người dân - đòi hỏi cần một sự tính toán khoa học thời điểm, lộ trình tăng giá đối với từng mặt hàng, ngành hàng ngay từ những ngày đầu năm này. Nhưng cao hơn cả, cần một quyết tâm chính trị bởi vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá sẽ quyết định có hay không, sớm hay muộn một thị trường năng lượng cạnh tranh và minh bạch.
Khánh An