Chữ của Trương Kế
Bạn đọc: Thưa Học giả An Chi. Trong bài thơ "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế tôi thấy câu 3 có bản ghi: "Cô Tô đài hạ Hàn san tự" Nhưng có bản lại viết: "Cô Tô thành ngoại Hàn san tự" Vậy xin ông cho biết chính xác là "đài hạ" hay "thành ngoại"? Cũng trong bài thơ này có câu: "Giang phong ngư hỏa đối sầu miện". Có người cho rằng "Giang phong; ngư hỏa" là tên hai ngọn núi ở khu vực này. Vậy ông có ý kiến gì khác không? (Hoàng Hưng - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)
Học giả An Chi: Trước nhất, xin ghi lại toàn văn bài thơ của Trương Kế:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang Phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Tại sao chúng tôi viết “Giang Phong” thì chúng tôi sẽ nói sau. Riêng về câu “Cô Tô đài hạ Hàn san tự” thì chúng tôi cho rằng, nó không đáng gọi là một dị bản của câu “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự”. Mà thực ra thì hình như cũng chẳng phải là nó được nhắc đến nhiều, có lẽ ngoại trừ khi người ta nhắc đến lời bình luận của Âu Dương Tu trong “Lục Nhất thi thoại”, được xem là tác phẩm lý luận thi ca đầu tiên của Trung Hoa. Mà cũng có phải họ Âu Dương đặt vấn đề về hai chữ “thành ngoại” quen thuộc của bài “Phong Kiều dạ bạc” đâu. Ông ta muốn nói về một chuyện khác. Âu Dương Tu nêu hai câu:
Cô Tô đài hạ Hàn San tự,
Bán dạ chung thanh đáo khách thuyền.
là để nói về tiếng chuông chùa ban đêm (có đúng hay không), chứ có phải để cải chính hai chữ “thành ngoại” của Trương Kế đâu. Cho nên, ngày nay đã có tác giả đặt vấn đề: Liệu ở đời của Âu Dương Tu (1007-1072), mấy chữ “thành ngoại” và “đài hạ” có phải thực sự là dị bản của nhau hay không, hay đó chỉ là do riêng Âu Dương Tu nhớ sai? Bằng chứng là ông còn nhầm cả “dạ bán” thành “bán dạ” nữa! Chúng tôi cho rằng, có nhiều phần là do họ Âu Dương nhớ sai. Đối với người thuộc lòng nhiều thơ thì đây không phải là chuyện không thể xảy ra, nhất là khi mà bên cạnh câu thơ (hoặc cụm từ trong câu thơ) đang xét, lại còn có những câu thơ (hoặc cụm từ trong câu thơ)… na ná, tương tự. Thì đây, câu đầu tiên: "Cô Tô đài thượng ô thê thời" trong bài “Ô thê khúc” của Lý Bạch (701-762), người cùng đời Đường (618-907) với Trương Kế (715?-779?). Biết đâu Âu Dương Tu chẳng bị ba chữ “Cô Tô đài” của Lý Bạch ám ảnh nên mới đọc câu thơ của Trương Kế thành “Cô Tô đài hạ Hàn San tự”.
Dù thế nào đi nữa, cá nhân chúng tôi cũng không xem đây là một dị bản cần ghi nhận.
Chúng tôi chưa nghe nói “ngư hỏa” là địa danh; còn “ô đề”, “giang phong” và “sầu miên” thì có nhưng có vẻ như đây chỉ là những địa danh hậu kỳ, ra đời sau bài thơ của Trương Kế, nói rõ ra, đó chỉ là hệ quả của việc đặt tên bằng ngôn từ trong bài thơ của Trương Kế. Vì thế mà những người chuộng lạ thì thích quảng bá lối hiểu này, chứ các nhà nghiên cứu nghiêm túc thì hình như không có mấy ai theo.
Với sự tiến triển về kiến thức và tư liệu, cách hiểu kinh điển, thường thấy trong sách giáo khoa, bây giờ gần như mặc nhiên không còn giá trị nữa. Thông thường, xưa nay người ta cứ hiểu “giang phong” là “(đám, hàng, v.v...) cây phong bên sông” nhưng tại chỗ đang nói thì làm gì có sông, tức là giang 江 theo đúng chữ nghĩa trong tiếng Hán. Chỉ có “Tô Hàng cổ vận hà”, nghĩa là con kênh xưa nối liền Tô Châu với Hàng Châu mà thôi. Rồi theo địa lý lịch sử thì vào thời của Trương Kế, ở đây cũng chẳng làm gì có phong vì mãi về sau người ta mới đem giống cây này đến đó trồng. Ngay cả ở Phong Kiều hồi đó cũng chẳng có phong; huống chi người ta đã chỉ ra rằng chữ “phong” trong Phong Kiều vốn viết bằng chữ 封 (trong phong tỏa) chứ không phải 楓 (= cây phong).
Hiện đang có mấy cách hiểu mới, hợp lý hơn: 1- Giang Phong là một danh ngữ đẳng lập gồm tên của hai cây cầu: Giang Thôn kiều và Phong kiều; 2 - Cũng là một danh ngữ đẳng lập nhưng gồm tên của hai địa phương: Giang Thôn và Phong Kiều trấn; 3 - Không phải Giang Phong mà là Giang Thôn (Xóm Sông) và câu thơ là Giang Thôn ngư hoả đối sầu miên. Chúng tôi thiên về cách hiểu này.
Cứ liệu đầu tiên chúng tôi muốn đưa ra là bài thơ của Cao Khải, thi sĩ người Tô Châu đời Minh, được xem như đối ứng với bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế:
Họa kiều tam bách ánh Giang Thành,
Thi lý Phong Kiều độc hữu danh.
Kỷ độ kinh quá ức Trương Kế,
Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh.
Tại địa điểm đang xét thì vào thời Trương Kế, làm gì có thành! Theo phân tích thì chữ “Thành” chỉ có thể nhầm từ chữ Thôn mà ra.
Ta còn có thể thấy chữ Thôn này trong Tô Châu thập cảnh sách của họa gia Văn Bá Nhân (1502-1575) đời Minh mà bức thứ 9 được đặt tên là “Giang Thôn ngư hỏa”. Chữ “thôn” không phải là một chữ trùng hợp ngẫu nhiên khi nó được dùng để nói về cảnh vật Tô Châu.
Chữ thôn cũng là một chữ đã được Chu Trại, thuộc Sở Văn học, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đề cập đến trong bài “Phong Kiều dạ bạc chất nghi”, đăng trên Văn học di sản, số 1, năm 2004. Tác giả này đã điểm lại việc tạc bia bài thơ của Trương Kế để đặt tại chùa Hàn San. Sớm nhất là thuộc bản viết mẫu của Vương Khuê (Tuân Công), đời Tống, từ lâu đã không còn. Sau đó, có bản khắc theo mẫu viết của Văn Chinh Minh, đời Minh, nay cũng mòn mờ. Tấm bia duy nhất của bài “Phong Kiều dạ bạc” đặt tại chùa Hàn San hiện nay là do Du Việt viết mẫu. Năm 1907, tuần phủ Giang Tô là Trần Tiểu Thạch trùng tu chùa, đã mời kinh học đại sư Du Việt viết bài thơ đó để khắc đá lập bia. Đáng chú ý là ở mặt sau của bia, Du Việt đã cho khắc mấy dòng: “Thi khoái trá nhân khẩu, duy thứ cú “giang phong ngư hỏa” tứ tự, pha hữu khả nghi” (bài thơ khiến người thích đọc ưa nghe, nhưng bốn chữ “giang phong ngư hỏa” của câu thứ hai có chút đáng ngờ). Căn cứ vào Ngô Trung kỷ văn của Củng Minh Chi đới Tống, chép rằng “giang phong ngư hỏa” vốn là “giang thôn ngư hỏa”, Du Việt cho là “những ghi chép xưa rất đáng quý”, giá trị ngàn vàng nên nhân dịp này, khắc vào sau bia mà nhắc nhở người xem. Du Việt cho khắc bài thơ:
Tuân Công cựu mặc cửu vô tồn,
Đãi chiếu tàn bi bất khả môn.
Hạnh hữu Ngô Trung kỷ văn tại,
Thiên kim nhất tự tại Giang Thôn.
(Chữ cũ Tuân Công đã chẳng còn
Bia tàn đãi chiếu (chỉ Chinh Minh) khó mò ra.
May còn Ngô Trung kỷ văn đó
Ngàn vàng một chữ ấy “Giang Thôn”).
Thế là Du Việt chẳng những tán thành chữ “thôn” mà còn khen nó đáng giá ngàn vàng. Chu Trại cũng tán thành Giang Thôn. Chắc rồi cũng sẽ có người chê “Giang Thôn” xơ cứng, khô khan; muốn sinh động, nên thơ thì xin hãy cứ giữ lại Giang phong. Chúng tôi cũng không chủ trương thay đổi lung tung, vô nguyên tắc nhưng lại chủ trương; một chữ dù có khô khan, xơ cứng đến mấy, nếu nó đúng là chữ của nguyên tác thì hãy trả nó về cho tác giả. Với văn bản học thì nguyên tác là vàng. Chính vì thế mà Du Việt mới cất công làm bốn câu khen ngợi chữ THÔN.
A.C