Xuân Quý Tỵ (2013):
Tỵ [巳] là rắn hay bào thai?
(Petrotimes) - Về chữ “Tỵ” [巳], cách đây 12 năm, trong bài “Thử gợi một cái hướng để đi tìm nghĩa gốc của thập nhị chi”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 375 (Xuân Tân Tỵ, 2001), chúng tôi đã viết vắn tắt:
“Sở dĩ chữ Tỵ ứng với con rắn thì chẳng qua chỉ vì “tỵ” có nghĩa là… rắn. Dù cho các học giả có bàn luận như thế nào về chữ này thì người ta cũng không thể phủ nhận được điều sau đây: “Tỵ” [巳] có nghĩa là rắn và đây là một chữ tượng hình, như đã được khẳng định từ xưa trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận”.
Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn đơn giản như thế nên lần này chúng tôi xin nói kỹ thêm. Về công dụng thực tế của chữ “Tỵ” [巳] trong việc chỉ thời gian, thì nói chung, các từ điển đã giảng như sau: 1- Phối hợp với thiên can để chỉ năm; 2- Dùng để chỉ tháng và đó là tháng Tư theo nông lịch; 3- Dùng để chỉ ngày; 4- Dùng để chỉ giờ và đó là thời gian từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa.
Rắc rối là ở chỗ nhiều nguồn thư tịch đã khẳng định rằng “Tỵ” [巳] là một chữ tượng hình bào thai, chẳng hạn “Hiện đại Hán ngữ từ điển” (hanyu.iciba.com), “Tại tuyến Tân Hoa tự điển” (xh.5156.edu.com), “Tri thức từ điển” (dic123.com), “Văn hóa hệ thống tự điển” (yizitong.com/dict/xinhua). Còn “Hán ngữ đại tự điển” [HNĐTĐ] (Thành Đô, 1993) thì đã ghi cho nó 6 nghĩa mà nghĩa 1 là [胎儿] “thai nhi” (bào thai); còn nghĩa 4 là [嗣] “tự” (con cháu - nối dõi). Nhưng trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận đã có kết luận mang tính khẳng định về chữ “Tỵ” [巳] như sau: “Cố Tỵ vi xà, tượng hình” [故巳為蛇,象形], nghĩa là “Do đó, Tỵ là rắn [là chữ] tượng hình”. Có vẻ như không ai quan tâm đến cái ý quan trọng này của Hứa Thận. Còn về phần mình thì, vì chủ trương rằng tên của từng chi trong thập nhị chi vốn là tên một con vật, nên chúng tôi muốn tận dụng cái nghĩa này. Tỵ là rắn thì cũng như “Sửu” là trâu, Dần” là hổ, “Mão” là mèo, “Thìn” là rồng, “Ngọ” là ngựa, v.v..., như chúng tôi đã chứng minh trong những bài khác trên các số Xuân của Kiến thức Ngày nay trước đây. Vậy thì tại sao chữ “Tỵ” [巳] lại “nhảy” từ chỗ “tượng hình con rắn” trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận sang “tượng hình bào thai” trong các tự thư về sau? Theo chúng tôi thì đó là do hiện tượng mà Pierre Guiraud gọi chung là “accident linguistique” (sự cố ngôn ngữ).
H1 - Chữ "Tỵ" [巳] trong HNĐTĐ (tr.414)
H2 - Chữ "Tử" [子] trong HNĐTĐ (trang.423)
H3 - Chuỗi 964 (từ cuối dòng trên) trong GRS
H4 - Các dạng của chữ "xà" [它] trong HNĐTĐ
Trước đây, để ứng dụng vào một số trường hợp của tiếng Việt, thỉnh thoảng chúng tôi có nhắc đến hai loại sự cố mà Guiraud gọi là “croisement de formes” (sự đan xen hình thức) và “contamination de sens” (sự lây nghĩa). Ở đây, ta cũng có thể vận dụng hiện tượng đó để phân tích và chứng minh rằng sở dĩ chữ “Tỵ” [巳] có cái nghĩa “bào thai” hoặc “con cháu” là do nó bị chữ “Tử” [子] lây nghĩa, vì giữa hai chữ đã có sự đan xen tự dạng. Trong quá trình phát triển từ những chữ gốc riêng, hai chữ này đã tiến dần đến tình trạng đồng dạng như có thể thấy trong hai hình H1 và H2 dưới đây. H1 là những tự hình của chữ “Tỵ” [巳] còn H2 là những tự hình của chữ “Tử” [子] sao lại từ HNĐTĐ. Chính vì sự đồng dạng này mà người ta đã “gá nghĩa” của “Tử” [子] cho “Tỵ” [巳] với một độ chênh hoàn toàn có thể giải thích được.
Ta hãy quan sát về mặt tự hình. Các chữ thứ nhất, thứ hai trên hàng ngang thứ nhất và các chữ thứ nhất, thứ hai trên hàng ngang thứ hai của H1 giống hệt chữ thứ ba trên hàng ngang thứ nhất, chữ thứ ba trên hàng ngang thứ hai, chữ thứ nhất trên hàng ngang thứ ba và ba chữ trên hàng ngang thứ tư của H2. Nếu vào Chinese Etymology (//www.internationalscientific.org), ta sẽ còn thấy hàng loạt trường hợp mà tự hình của hai chữ này hoàn toàn giống nhau nữa. Chính vì sự đồng dạng oái oăm này mà trong Grammata Serica Recensa [GSR] (Museum of Far Eastern Antiquities, Stockholm,1964), Bernhard Karlgren mới dành cho chữ “Tử” [子] và chữ “Tỵ” [巳] những cái “xác” chung như có thể thấy ở hình H3.
Về chuỗi 964 trong GSR (Xin x. H3), Karlgren đã nhận xét và lưu ý rằng có chữ là hình một vòng tròn đơn giản (thể hiện) cái đầu và một thân mình thô sơ với hai cánh tay (the graph with a simple circle as head and a rudimentary body with two arms). Ông cho biết nó có hai công dụng: 1. Âm *tsịəg, với nghĩa “con”, như các chữ “e”, “f ” và “g” - 2. Âm *dzịəg , dùng để chỉ chi thứ sáu của thập nhi chi, về sau luôn luôn viết thành [巳], như các chữ “f ”, “h”, “i” và “j” (Vì font chữ không có ký hiệu thích ứng nên xin thay dấu “á” ngược dưới chữ “i” của Karlgren bằng dấu nặng).
Chúng tôi không nói chúng vốn là những chữ cùng gốc nhưng đây hiển nhiên là trường hợp “đồng tự dị từ” (cùng chữ khác từ) rất đặc biệt nên đã gây nhiễu cho nhận thức của người sử dụng từ, ngữ bên Tàu thời xưa. Cho nên tổ tiên của dân Tàu mới làm chuyện đem râu ông nọ cắm cằm bà kia mà “gá nghĩa” của H2 cho H1. Vậy H2, tức chữ “Tử” [子] nghĩa là gì? Ai cũng biết nó có nghĩa là “con”. Còn “Tỵ” [巳] thì đã được HNĐTĐ ghi cho nghĩa 1 là “thai nhi” và nghĩa 4 là “con cháu”. Nhưng chúng tôi thì tin theo lời giảng của Hứa Thận rằng “Tỵ” [巳] vốn có nghĩa là rắn. Chữ có nghĩa là rắn hiện hành trong tiếng Hán là “xà” [蛇] thì tuyệt nhiên không có mặt trong kim văn và giáp cốt văn. Đây là một chữ hình thanh, xuất hiện mãi về sau, với nghĩa phù “hủy” [虫] bên trái và thanh phù “xà” [它] bên phải. Nhưng chính thanh phù này mới đúng là chữ “xà” [它] gốc mà các nhà văn tự học đã tìm thấy trong kim văn và giáp cốt văn. Ở đây, chúng tôi xin sao lại từ HNĐTĐ một số dạng của nó, như trong hình H4:
Với H4, ta có thể thấy giữa chữ “Tỵ” [巳] và chữ “xà” [它] cũng có những tự hình giống nhau : chữ thứ ba ở hàng thứ hai và hai chữ đầu ở hàng thứ ba của H1 giống chữ thứ hai ở hàng thứ nhất của H4; chữ thứ ba ở hàng thứ nhất của H1 giống chữ thứ ba ở hàng thứ nhất của H4. Những tự hình đã nói ở H1, H2, H4 và những tự hình “cùng xác” ở H3 cứ quấn quít nhau như thế không thể không làm cho nhà văn tự học phải đặt thành vấn đề. Chỉ cần một chút dè dặt và nghiêm túc, ta hẳn phải nghĩ rằng đó khó có thể là chuyện ngẫu nhiên, khi mà không những tự hình quấn quít mà cả nghĩa cũng… quấn quít.
Với chúng tôi thì chữ “Tỵ” [巳] vốn có nghĩa là “rắn” nhưng vì tự hình dần dần tiến tới chỗ đồng dạng với tự hình của chữ “Tử” [子], như đã phân tích, nên đã bị chữ này đồng hóa bộ phận mà mang thêm nghĩa “bào thai”, rồi nghĩa phái sinh là “con cháu”. Rồi hai cái nghĩa này dần dần làm lu mờ đi cái nghĩa gốc của “Tỵ” [巳] (là “rắn”) khiến cho đời sau nghĩ rằng “Tỵ” [巳] chỉ là tên của một trong 12 địa chi mà rắn là con vật cầm tinh chứ không ngờ rằng chính “rắn” mới đúng là nghĩa gốc của nó.
An Chi