Tại sao lại gọi là Nga La Tư
(Petrotimes) - Bạn đọc: Tôi “ráp” mãi mà không ra cái đẳng thức Tàu – Anh “Nga La Tư = Russia”; nó cứ mãi là bất đẳng thức “Nga La Tư > Russia” vì vế sau chỉ có hai âm tiết (“La Tư = Russia”). Vậy âm tiết “Nga” “lọt ra” từ đâu, thưa ông An Chi? (T.P.T, Vietsovpetro).
Học giả An Chi: Nhiều tác giả đã giải thích một cách rất tự tin (và vô căn cứ) rằng, Nga La Tư là những tiếng dùng để phiên âm địa danh Russia của tiếng Anh. Các vị đó chẳng cần quan tâm xem nếu quả đúng như thế thì tiếng (âm tiết) La tương ứng với Ros-, Tư tương ứng với –sia còn Nga tương ứng với tiếng (âm tiết) nào của Russia (từ này chỉ có hai âm tiết). Đó là còn chưa kể rằng, khi ba tiếng Nga La Tư ra đời trong tiếng Hán và chữ Hán để chỉ quốc gia mà ban đầu người Anh gọi là Russ, rồi về sau là Russia thì người Trung Quốc thậm chí còn chưa tiếp xúc với tiếng Anh. Quả đúng như thế thật vì danh xưng La Tư xuất hiện trong thư tịch của Trung Hoa vào cuối đời Nguyên (1206-1368) đầu đời Minh (1368-1644), nghĩa là vào khoảng giữa thế kỷ XIV; lúc đó người Trung Quốc làm gì đã biết đến tiếng Anh. Lúc bấy giờ, người Trung Hoa gọi nước Nga là La Tư 羅斯 hoặc La Sát 羅 刹. Âm Bắc Kinh của La Tư 羅斯 là luósì, còn của La Sát 羅刹 là luóshà, phản ánh gần đúng danh xưng Ross(ia) của tiếng Nga mà người Trung Quốc biết được qua sự tiếp xúc với các bộ tộc sống ở phía Tây của nước mình.
Nhưng đến đời Thanh thì bắt đầu có thay đổi. Triều đại này lại thích phiên âm tên của nước Nga từ tiếng Mông Cổ, mà một số từ ngữ cũng đã được biết đến từ đời Nguyên. Một đặc điểm của tiếng Mông Cổ là nó không có từ nào bắt đầu bằng l- hoặc r-; nói một cách khác, hai phụ âm [l] và [r] không thể đứng đầu âm tiết đầu tiên của từ trong thứ tiếng này. Vì vậy nên người Mông Cổ không thể chấp nhận cách phát âm Rossia (có r- khởi đầu). Họ đã xử lý bằng cách lặp lại nguyên âm chính của ros- (là [o]) làm âm tiết đầu tiên cho hình thức phiên âm. Do đó mà Rossia đã trở thành Orossia trong tiếng Mông Cổ.
Ban đầu, Orossia được phiên âm sang tiếng Trung Quốc thành Oát La Tư 斡羅斯 (âm Bắc Kinh là wòluósì) hoặc Ngạc La Tư 鄂羅斯 (âm Bắc Kinh là èluósì). Về sau, khi biên soạn “Đại Thanh nhất thống chí”, người ta lại phiên Orossia thành Nga La Tư 俄羅斯(âm Bắc Kinh là éluósì); rồi cũng có phần là do cái danh và cái uy của bộ sử này mà hình thức Nga La Tư đã trở nên thông dụng cho đến tận ngày nay để được nói tắt thành Nga.
Chữ nga 俄 không chỉ dùng để phiên âm âm tiết o trong Orossia mà còn dùng để phiên âm tiết đó trong nhiều địa danh hoặc nhân danh khác, như:
Obadiah thành Nga Ba Để Á;
Ohio thành Nga Hợi Nga;
Oklahoma thành Nga Khắc Lạp Hà Mã;
Ophir thành Nga Phỉ;
Oregon thành Nga Lặc Cương;
Ostrava thành Nga Tư Đặc Lạp Phát; v.v..
Vậy Nga là âm tiết tiếng Hán dùng để phiên âm tiết O- trong Orossia của tiếng Mông Cổ. Hóa ra Nga La Tư của Tàu và Russia của Ăng Lê chỉ là “false cognates” (bà con “dỏm”) mà thôi.
A.C