Hiệu cầm đồ “xả hàng” cuối năm
(Petrotimes) - Cứ dịp gần Tết Nguyên Đán là nhu cầu về tài chính đối với các chủ hiệu cầm đồ lại “nóng” hơn bao giờ hết. Và để giải quyết vấn đề về vốn, các chủ hiệu cầm đồ đã phải thanh lý đồ, chịu bán với giá rẻ hơn.
Thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng lên. Không chỉ tiến công vào các cửa hàng có treo bảng "đại hạ giá", "sale off", nhiều người còn chĩa tầm ngắm vào hàng thanh lý tại các cửa hiệu cầm đồ với suy nghĩ "đồ đem cầm là đồ tốt nhưng khi cần thanh lý để thu hồi vốn, chủ hiệu sẽ bán với giá rất rẻ".
Theo ghi nhận của phóng viên, các hiệu cầm đồ thường tập trung gần các trường đại học, kí túc xá, khu công nghiệp. Nhộn nhịp nhất phải kể đến “phố cầm đồ” ở đường Láng, Bạch Mai, Nguyễn Trãi…Theo lý giải của nhiều “chuyên gia” cầm đồ, sở dĩ những con đường này sầm uất trong lĩnh vực cầm đồ bởi nó tập trung đông người qua lại, lại ở khu vực sinh sống của đông đảo tầng lớp sinh viên, người lao động, dân chơi… Khi bí quá thì chỉ việc mang món đồ gì đó ra "cắm" và chờ ngày chuộc lại.
Cuối năm, nhiều cửa hàng cầm đồ đua nhau “thanh lý hàng”.
Đa dạng như... siêu thị
Chúng tôi đảo qua các con phố cầm đồ kể trên để ghi nhận không khí cầm đồ của những ngày cuối năm và bất ngờ trước sự xuất hiện của nhiều tấm biển quảng cáo với những dòng chữ "hàng thanh lý", "cuối năm xả hàng thu hồi vốn", "thanh lý các loại xe máy"... Dưới những dòng chữ "thanh lý" kia là vô số món đồ cần được "bán" như xe máy, xe tay ga, laptop, máy ảnh, máy nghe nhạc MP3, kim từ điển, dây lưng, ví da…
Tại các hiệu cầm đồ, với rất nhiều mặt hàng đang cần thanh lý như điện thoại di động với đủ các tính năng quay phim, chụp hình, cảm ứng, ghi âm, nghe nhạc, xem phim với giá rẻ bèo đã thu hút nhiều khách đi đường.
Rẽ một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng, có vị khách hỏi mua "con" iPhone 4s đời mới "giá ngoài gần chục triệu, thanh lý có hơn 4 triệu", ông chủ cửa hiệu tâm tình: "Cuối năm hàng tồn nhiều quá, anh phải giảm giá rẻ cho khách dễ mua để mau thu hồi vốn. Em không lấy lát có người lấy ngay, hồi sáng giờ anh bán hai cái rồi. Đây là cái cuối cùng đấy".
Ngoài ra, anh cho biết cửa hàng còn rất nhiều mặt hàng cần thanh lý khác để nhằm thu hồi vốn như: laptop Lenovo giá 4,5 triệu, máy chụp ảnh kỹ thuật số Samsung WB 850F giá 1,8 triệu, đặc biết nhiều nhất vẫn chủ yếu là các loại xe máy, xe jupiter với giá 13 triệu, Jupiter exciter giá với giá 25 triệu, xe Air Blade với giá 27 triệu...
“Xanh, chín” với hàng rẻ
Qua tiếp xúc với những "khách hàng" tuy không có nhu cầu cầm đồ nhưng sẵn sàng đến cửa hiệu cầm đồ nuôi hy vọng mua những món đồ thanh lý, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. Người bảo: "Hàng thanh lý chất lượng cao nhưng giá bình dân nên dại gì bỏ qua cơ hội", người cho rằng: "mua hàng thanh lý chỉ có từ lời tới lời, không lo bị lỗ". Có người còn bỏ nhỏ phương thức làm ăn "mua về bán lại cũng lời chán".
Khi chúng tôi hỏi "không sợ đồ không thật sao?", một sinh viên trường Đại học Thủy Lợi vừa mua xong chiếc máy chụp ảnh kỹ thuật số Samsung WB 850F với giá 1,8 triệu để về đi chơi tết giọng chắc thắng: "Người ta mở cửa hiệu cầm đồ nên họ thừa kinh nghiệm để thẩm định chất lượng món hàng. Khi họ thanh lý, trước khi mua mình thử trước xem sau thấy nó chạy OK mới mua về nên không thể có chuyện lầm hàng được".
Vị khách lúc trước hỏi mua con iPhone đời mới bằng gần 50% giá thị trường cho hay: "Bao giờ cũng vậy, khi quyết định cầm món hàng của ai đó, chủ cửa hàng cầm đồ luôn nắm đằng chuôi. Bao giờ họ cũng tính đường đến hạn nếu khách không đến chuộc lại đồ sẽ tiến hành thanh lý món đồ để vừa thu hồi vốn, vừa lấy phần hoa hồng để kiếm lời. Thế nên món đồ mà chủ hiệu chịu cầm chắc chắn phải là hàng xịn thật, hàng có chất lượng".
Cận trọng mua “hàng thanh lý” tại các hiệu cầm đồ.
Với niềm tin như thế, vào dịp cuối năm người ta liên tục tìm đến các cửa hiệu cầm đồ có treo biển thanh lý. Và cũng bởi vì ham đồ xịn với giá rẻ mà không ít người tự đẩy mình vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Trường hợp của bạn Nguyễn Thị Huế, tranh thủ dịp Tết nhờ bạn trai học cùng lớp mua chiếc Laptop Acer với giá 4,5 triệu ca thán: "Hí ha hí hửng mua cái máy rẻ hơn 1/2 giá thị trường, dùng được chưa đầy một tuần thì khi khởi động không lên màn hình nữa, tối thui. Đem ra ngoài cửa hàng sửa chữa họ bảo hỏng ổ đĩa cứng phải thay tốn hàng triệu. Đến phàn nàn với chủ hiệu cầm đồ thì họ bảo chuyện máy móc ở bên trong làm sao biết được, thuận mua vừa bán thôi".
Rút kinh nghiệm, Huế chia sẻ: "Nắm bắt tâm lý mua hàng thanh lý giá rẻ chất lượng cao mà nhiều chủ cửa hàng cầm đồ tung hàng rởm, hàng kém chất lượng trong danh sách các mặt hàng cần thanh lý. Nếu không muốn tiền mất, tật mang tốt nhất nên nói không với mọi hình thức giao dịch ở các cửa hiệu cầm đồ, bằng không khi biết mình "dính đòn" thì chuyện đã quá muộn".
Mua hàng ở hiệu cầm đồ là phải chấp nhận "xanh, chín" - tức là có thể rất tốt hay có thể sẽ hỏng ngay và không được bảo hành. Nếu "khách hàng" đi mua không biết nhiều về mặt hàng mình cần mua thì đành bó tay.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia cầm đồ để mua được hàng "cầm đồ" là đồ "xịn" thật mà rẻ thì chỉ là người quen hoặc đó là những món hàng nhỏ, không có giá trị lớn. Trên thực tế, những chủ hiệu cầm đồ đã là những người quá "sành" trong cái gọi là "thế giới luộc đồ" rồi. Vì vậy, mua được hàng "xịn" và rẻ, giá trị lớn là không đơn giản.
Nguyễn Hoan