Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2012
(Petrotimes) - Kết thúc một năm đầy khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã cán đích nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, là nền tảng tạo dựng sự ổn định, từ đó củng cố lòng tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tham dự hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, ngân sách năm 2013 vừa qua.
Sơ chế mặt hàng tôm xuất khẩu tại Công ty chế biến thủy sản Vàng (TP. Bạc Liêu).
GDP tăng hợp lý
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh cho rằng, mặc dù mức tăng GDP năm 2012 (GDP năm 2012 ước khoảng 5,03% thấp hơn kế hoạch đề ra là 6-6,5%, nhưng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng trong việc thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vẫn được nâng lên…
Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng cải thiện sau từng quý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 4,8% so với năm 2011; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển, đạt kết quả khá...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, ngân sách năm 2013: “Đến hôm nay nhìn lại, nền kinh tế nhìn chung đã đạt được chuyển biến tích cực, trên nhiều lĩnh vực. Cơ bản thực hiện có kết quả mục tiêu tổng quát như kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. GDP tăng 5,03% tính theo giá gốc 1994 và khoảng 5,2% theo thời giá 2010 là một cố gắng lớn, phù hợp với thực tế, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế”.
Nói về mức tăng lạm phát 2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định: “Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm (-) trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29). CPI tháng 12 tăng 6,81% so với tháng 12-2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước và đạt mục tiêu đề ra”.
Chính sách tài chính đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến hết tháng 11-2012, Bộ Tài chính đã thực hiện việc miễn, giảm, giãn thuế cho trên 450.000 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình, cá nhân với số tiền lên tới gần 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, thực hiện công tác bình ổn giá, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá các hàng hóa và dịch vụ quan trọng thiết yếu… Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định… cũng là điều kiện góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát trong năm 2012.
Từ đó để thấy rằng, mức lạm phát 6,81% trong năm 2012 là hợp lý, khẳng định sự đúng đắn trong điều hành tỷ giá, lãi suất của Chính phủ, đáp ứng những kỳ vọng và mong mỏi của giới chuyên gia cũng như cộng đồng DN.
Điểm sáng xuất siêu và ổn định
Vượt qua những thách thức khó khăn trong năm 2012, Việt Nam sau 20 năm đã xuất siêu trở lại. Và theo đánh giá của TS Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì, vượt lên sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn giành được chỗ đứng đáng nể trên thị trường quốc tế.
Còn nhớ trong quý I/2009, Việt Nam cũng xuất siêu gần 1,4 tỉ USD nhưng đó là xuất siêu vàng. Còn năm nay, xuất siêu ở 3 quý là nhờ xuất siêu hàng hóa. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là nông sản, mặc dù yếu tố giá xuất khẩu bị sụt giảm; trong đó gạo giảm 11%, cao su giảm 29%... nhưng sự tăng về lượng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo lần đầu tiên lập kỷ lục 8 triệu tấn đã góp phần bù đắp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam chỉ nhập siêu 160 triệu USD trong quý 2, còn lại các quý đều xuất siêu. Đây là tín hiệu tốt, đóng góp tốt cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá, đồng thời tăng thanh khoản đáng kể về ngoại tệ cho ngân hàng.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Pricewaterhouse Coopers được thực hiện từ tháng 6-8/2012 đối với 376 giám đốc điều hành và các chuyên gia đầu ngành tại 40 quốc gia, bao gồm toàn bộ 21 nền kinh tế APEC cho thấy: Các CEO đặt niềm tin vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư thứ 9 mà các công ty có có trụ sở chính tại các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh dự kiến đầu tư nhiều nhất trong 3-5 năm tới.
Khi nói về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, nhân lực chất lượng cao… nhưng bạn bè quốc tế đánh giá rất cao sự ổn định của Việt Nam. Minh chứng cho điều này là một loạt các dự án tỉ đô vẫn đang tiếp tục đầu tư, triển khai như dự án nhà máy cán thép lớn nhất Việt Nam mới khởi công tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư lên tới 10 tỉ USD.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, TS Nguyễn Mại - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng: Lợi thế nổi trội nhất của Việt Nam để hấp dẫn các nhà đầu tư chính là sự ổn định về chính trị gắn với thể chế kinh tế, an ninh và an toàn xã hội được bảo đảm; tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập và dân trí của người dân tăng lên, dung lượng thị trường ngày càng lớn với trên 86 triệu dân.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 11 tháng năm 2012, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 12,18 tỉ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2011. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút 431 dự án với vốn cấp mới và tăng thêm là 8,5 tỉ USD, chiếm 69,8% tổng vốn đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 9 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỉ USD, chiếm 15,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 169 dự án với số vốn đăng ký đạt 465,6 triệu USD, chiếm 3,8%.
“Những kết quả đạt được là nền tảng, là tiền đề cho sự phát triển vững chắc hơn của đất nước trong năm 2013 và những năm tới” - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đã cải thiện dần qua các quý, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18,3% và lần đầu tiên sau 20 năm chúng ta xuất siêu. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, tai nạn giao thông đều giảm so với năm 2011...
Thanh Ngọc