Bình Dương: Doanh nghiệp FDI báo lỗ trên 25.000 tỷ trong 5 năm
(Petrotimes) - Cục thuế Bình Dương vừa công bố, trung bình mỗi năm, tỉnh Bình Dương có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ. Tính trong 5 năm, số tiền báo lỗ này đã lên đến trên 25.000 tỷ đồng.
Theo Cục thuế Bình Dương, trong năm 2011 (năm 2012 chưa có con số quyết toán), trong tổng số 1.490 doanh nghiệp FDI kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, có đến 721 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ lệ 48%. Năm 2010 có 49%, năm 2009 có 55%, năm 2008 có 58%, năm 2007 có 53% và năm 2006 có 55% doanh nghiệp FDI của Bình Dương báo lỗ.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm (2007 – 2011), tổng số tiền mà các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương báo lỗ đã lên đến 25.682,603 tỷ đồng.
Nhìn nhận về con số này, đại diện Cục thuế Bình Dương cho rằng, dù chưa thể khẳng định 100% các doanh nghiệp FDI báo lỗ là chuyển giá nhưng đây là điều bất thường và việc xuất hiện hành vi chuyển giá tại các doanh nghiệp này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đủ hành lang pháp lý, chế tài để chống hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp.
Không chỉ làm thất thu ngân sách chuyển giá còn dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh
Nói về vấn đề chuyển giá, ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng: Vấn đề chuyển giá là một vấn đề có thực vì rõ ràng trong cùng ngành với nhau, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm có lãi để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp nước ngoài lại không đóng được thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi họ có nhiều lợi thế hơn chúng ta trên thị trường.
“Hệ thống luật pháp của nước ta ngày càng chặt chẽ và có đủ các biện pháp để kiểm soát tình trạng chuyển giá nhưng các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan chức năng còn thiếu khoa học và đầy đủ. Tôi thấy rằng các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn làm chưa hết sức với vấn đề chuyển giá. Trong ngành Tài chính, ngành Thuế có rất nhiều chuyên gia, nếu làm hết mình tôi cho rằng vẫn tìm được cách để giải quyết vấn đề chuyển giá”, ông Hưng chia sẻ.
Không chỉ làm “thất thu” cho ngân sách, chuyển giá còn gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Cùng kinh doanh nhưng các doanh nghiệp trong nước chịu rất nhiều loại thuế, nhiều sự kiểm soát trong khi các doanh nghiệp FDI được xem là các “đại gia” có nhiều lợi thế: vốn mạnh, nhiều kinh nghiệm, có thị trường lớn, có danh tiếng… nhưng lại không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh được.
Ồng Phạm Ngọc Hưng bức xúc: “Như vụ việc Coca Cola, một doanh nghiệp lớn như thế, quy mô tiếp tục được mở rộng như thế mà không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào trong nhiều năm, cũng không thấy ai đá động đến, trong khi chúng ta lại đi so đo với doanh nghiệp trong nước từng đồng, từng xu tiền thuế như thế thì chưa hẳn đã công bằng”.
Theo ông Hưng, để hạn chế vấn đề chuyển giá, Nhà nước cần xem xét kỹ việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, xem họ vào đầu tư với mục đích gì, san sẻ công nghệ, đào tạo hay chỉ vào đây với mục đích khai thác những ưu đãi về đất, về thuế rồi lại chuyển giá.
Mai Phương