Giải mã đợt lao dốc mạnh của giá vàng
Chỉ 4 ngày sau khi đưa thị trường vàng miếng hoạt động theo khuôn khổ, giá trong nước đã giảm hàng triệu đồng và co hẹp với thế giới còn 2,6 triệu đồng. Nguyên nhân được số đông đưa ra là cung tăng và cầu giảm.
Diễn biến thị trường vàng trong nước từ ngày 10/1 khi chính thức kinh doanh theo phương thức mới đã đảo ngược hoàn toàn so với những gì diễn ra trước đó. Giá giảm nhanh hơn nhiều so với thế giới, giúp khoảng chênh giữa hai thị trường co hẹp đáng kể.
Từ chỗ đắt hơn thế giới 4,7-4,9 triệu đồng mỗi lượng kéo dài trong khoảng mấy tháng trời, hôm 10/1, bất ngờ giá trong nước giảm hơn 400.000 đồng dù thế giới đang đi lên. Bước qua ngày 11/1, giá nội tiếp tục suy yếu mạnh khi để mất hàng trăm nghìn đồng, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua, khoảng chênh giữa hai thị trường thu hẹp còn 3,6 triệu đồng.
Giá vàng giảm mạnh do không còn đất đầu cơ, găm hàng. |
Hiện tượng "lạ" này vẫn chưa kết thúc khi giá tiếp tục lao dốc mạnh hôm 12/1, giảm hơn một triệu đồng mỗi lượng, bất chấp vàng quốc tế nghỉ cuối tuần. Khoảng chênh vì vậy đã được rút ngắn xuống dưới 2,9 triệu đồng mỗi lượng. Đến sáng nay giá nội chỉ còn đắt hơn ngoại vỏn vẹn 2,6 triệu đồng.
Đại diện doanh nghiệp Phú Quý tại Hà Nội cho biết dù là một công ty vàng có quy mô khá lớn nhưng họ không thể hiểu rõ bản chất của đợt giảm giá vàng kéo dài một tuần qua. "Ở Việt Nam, hiện nay vàng được định giá bởi những market maker (người tạo lập thị trường)", ông này khẳng định.
Với tiềm lực tài chính lớn trong tay, market maker này có khả năng đưa giá lên, xuống không cần theo quy luật nào. "Những ngày vừa rồi, hiện tượng giá trong nước giảm mạnh dường như không còn tuân theo luật cung cầu nữa", đại diện Phú Quý khẳng định.
Theo phân tích của vị này, khi số lượng doanh nghiệp, cửa hàng được tham gia mua bán vàng miếng giảm mạnh, sẽ khiến nguồn cung giảm và về lý thuyết nguồn cung giảm thì giá sẽ phải tăng. Nhưng thực tế 4 ngày qua lại không như vậy.
Trước đây, khi giá vàng trong nước ngày càng vênh xa so với quốc tế, có những ý kiến giải thích nguyên nhân do giới ngân hàng mạnh tay mua vàng vào để kịp thời hạn tất toán. Hiện nay, việc các ngân hàng tạm ngừng mua vàng do hạn chót được nới lên 30/6, hoặc một số khác đã hoàn tất việc tất toán, có thể giải thích phần nào hiện tượng vàng giảm giá mạnh, đại diện Phú Quý nhận định.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, sự lao dốc của giá vàng trong nước xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, kể từ ngày 10/1, khi danh sách 38 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng miếng đã chốt thì những đơn vị này đã sẵn sàng bán vàng ra thị trường, khiến nguồn cung tăng lên. Trước đó, họ trong tâm thế găm giữ không dám bán ra vì sợ không nằm trong doanh sách được cấp phép sẽ không có cơ hội mua vào, nhất là các tổ chức tín dụng.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hải có thể sau việc chốt danh sách các đơn vị được mua bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tác động nhất định đến những đầu mối này. Do vậy mà giá vàng đã lao dốc mạnh trong những ngày vừa qua.
Đại diện Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thì lý giải, khi hệ thống kinh doanh vàng miếng được siết lại, những đầu mối từng tham gia kinh doanh vàng miếng trước đây, nay không được cấp phép và tổ chức giao dịch như trước, lượng vàng tồn quỹ được bán ra, họ thu hồi vốn để chuyển hướng kinh doanh và tạo cung cho thị trường. Đây là một nguồn cung lớn những ngày gần đây nên giá giảm mạnh.
Còn một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, giá giảm mạnh khi thị trường kinh doanh theo phương thức mới là do hiện nay có 22 tổ chức tín dụng tham gia mua bán vàng và họ bị giới hạn trạng thái rất thấp (2% vốn tự có), tức mua vào phải bán ra ngay nên không có hiện tượng găm giữ, đầu cơ. Trước kia, chủ yếu là các tiệm vàng và doanh nghiệp mua bán, nên họ có thể găm giữ nguồn vàng và cố thủ mức giá cao.
Trong khi đó, đại diện của Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra bốn nguyên nhân chính khiến vàng trong nước giảm giá những ngày vừa qua. Trước tiên là tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động từ ngày 10/1. Thứ hai, người dân đã yên tâm hơn khi bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép. Ngoài ra, trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn. Bên cạnh đó, mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những ngày qua, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép đã tích cực triển khai mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bản thân người dân khi tham gia mua bán vàng miếng tại các đơn vị cấp phép cũng hài lòng do được phục vụ chu đáo tận tình, quyền lợi được đảm bảo với việc được cung cấp hóa đơn giao dịch bao gồm cả số seri của miếng vàng.
Trao đổi với PV, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng thông tin cơ quan này sắp tham gia thị trường với vai trò điều tiết giá cũng tạo sức ép lên giới đầu cơ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia với tư cách người mua cuối cùng và kiến tạo thị trường. Khi hình hài thị trường dần ổn định, lúc đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều lựa chọn tham gia với vai trò người định giá hoặc người điều tiết giá. Vai trò định giá sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn vì định giá thường đi đôi với chi phí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Nhìn nhận về giá vàng thời gian tới, theo đại diện Phú Quý xu hướng co hẹp về gần với giá thế giới hiện nay sẽ còn tiếp diễn cho đến khi có những thông tin chính sách tiếp theo từ Ngân hàng Nhà nước. Còn trên thị trường quốc tế, giới chuyên gia nhận định vàng cũng khó bứt phá vì giá đang trong thế giằng co quanh 1.660 USD.
Chung quan điểm trên, ông Đỗ Minh Phú dự báo chênh lệch giá trong và ngoài nước sẽ còn co hẹp trong thời gian tới, vì độ vênh 2,5 triệu đồng hiện nay vẫn là bất hợp lý. "Theo tôi, trong thời điểm này chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ở mức một triệu đồng là hợp lý. Khi chênh lệch về được mốc này, thị trường sẽ tự điều chỉnh tiếp đề co hẹp về mức lý tưởng hơn", ông Phú nhận định.
Theo ông, khi thị trường ổn định, chênh lệch giữa giá vàng "nội" và "ngoại" ở mức 500.000 đến 700.000 đồng là phù hợp, đủ doanh nghiệp vận hành. Con số trên được tính toán bằng cách lấy giá vàng quốc tế quy đổi, cộng thêm các chi phí như chi phí vốn của doanh nghiệp, phí phòng ngừa rủi ro, phí sản xuất, thuế nhập khẩu, lãi suất ngân hàng, phí kinh doanh...
Còn ông Hải VGB phân tích, nếu giá thế giới tiếp tục giảm hoặc ổn định quanh mức 1.660 USD như hiện nay, cộng với động thái chuyển hóa một phần lượng vàng sang tiền đồng để tạo nguồn vốn "giải cứu bất động sản" (Thống đốc dự định cung 20.000-40.000 tỷ đồng cưu bất động sản, nhưng hiện nay lượng tiền mặt của Việt Nam rất hạn hẹp), giá vàng trong nước khả năng sẽ giảm tiếp và về quanh mức 43 triệu đồng. Trường hợp giá thế giới tăng cao khi Mỹ không đồng ý nâng trần nợ công...thì giá vàng trong nước cũng khó giảm sâu.
Theo VNE