"Sinh viên sẵn sàng làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân"
(Petrotimes) - Theo kế hoạch Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ vận hành vào năm 2020. Như vậy sẽ cần có một lực lượng lớn nhân lực “đón đầu” ngay từ bây giờ. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, ngành kỹ thuật hạt nhân vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.
Phóng viên Petrotimes đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Kim Tuấn - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội).
PV: Xin ông cung cấp một số thông tin cơ bản về ngành học kỹ thuật hạt nhân?
TS Trần Kim Tuấn: Ngành Kỹ thuật hạt nhân của trường ĐH Bách khoa được bắt đầu khá sớm, từ năm 1970. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ là Bộ môn Vật lý hạt nhân, đào tạo kỹ sư hạt nhân và được trực tiếp Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ký quyết định thành lập.
Thời gian ấy, những sinh viên trong top đầu của nhà trường sẽ được chọn vào đào tạo. Những khóa đào tạo ấy có chất lượng rất tốt, nhiều người đã trở thành những nhân vật chủ chốt của ngành kỹ thuật hạt nhân hiện nay. Thời đó chúng tôi đã có 2 định hướng: Năng lượng hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân ứng dụng (ứng dụng đồng vị phóng xạ). Ngành kỹ thuật hạt nhân gồm năng lượng (áp dụng trong nhà máy điện hạt nhân) và phi năng lượng (ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp).
Và ở thời điểm đó, chúng tôi cũng đã có định hướng rõ ràng và chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự cố Chernobyl, ngành kỹ thuật hạt nhân cũng bị ảnh hưởng. Việt Nam không có nhu cầu làm nhà máy điện hạt nhân, cũng như khủng hoảng kinh tế nên kỹ thuật hạt nhân không được phát triển một thời gian khá dài.
TS. Trần Kim Tuấn - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội).
Đến năm 2000, Chính phủ đã có định hướng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Đến khi ấy, trường ĐH Bách Khoa đã có quyết định xây dựng lại ngành kỹ thuật hạt nhân, và đến năm 2008, Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý môi trường được thành lập, đảm bảo việc đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân.
Từ năm 2000, nền kinh tế của chúng ta cũng như việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào y tế, công nghiệp có tiến bộ đáng kể; vì thế nhu cầu về nhân lực kỹ thuật hạt nhân lớn tương ứng. Tựu trung lại, do nhu cầu của nhà máy điện hạt nhân cũng như kỹ thuật hạt nhân ứng dụng, trường cũng phối hợp với Bộ GD-ĐT nâng cấp từ Bộ môn lên Viện để đảm nhận vai trò đào tạo.
Theo thời gian, chương trình đào tạo đã được thay đổi, cập nhật cho phù hợp với các nhiệm vụ. Từ những năm 1990 – 2000, trường chủ yếu đào tạo hạt nhân ứng dụng, và từ 2005 trở lại đây, chúng tôi đã trở lại đào tạo về năng lượng hạt nhân. Hiện nay, Viện có chương trình đào tạo ĐH và cao học. Với ĐH có 2 chuyên ngành: năng lượng hạt nhân và hạt nhân ứng dụng; đối với cao học có chương trình đào tạo về kỹ thuật hạt nhân.
PV: Ông nhận định thế nào về lượng thí sinh đăng ký ngành học về kỹ thuật hạt nhân trong những năm gần đây?
TS Trần Kim Tuấn: Với nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT và Nhà nước giao cho trường, chất lượng sinh viên ngày càng tốt hơn. Số sinh viên xin tham gia học tập tại Viện ngày càng nhiều hơn, nên chúng tôi càng có cơ hội lựa chọn sinh viên tốt hơn.
Trước đây, khi chưa có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân và chưa có chính sách hỗ trợ, chúng tôi chỉ nhận 20 sinh viên/khóa, hiện nay là 40-50 sinh viên/khóa để đáp ứng yêu cầu nhân lực. Con số ấy không phải là nhiều, mặc dù năng lực của trường cũng như nhu cầu của sinh viên là rất lớn, nhưng chúng tôi mong muốn giữ được chất lượng, chỉ muốn đào tạo 40 em trở xuống để đảm bảo chất lượng đào tạo. Sau quá trình đào tạo, bao giờ cũng có thải loại. Đối với trường Bách Khoa thì việc này càng khắc nghiệt hơn, một số sinh viên chuyển ngành hoặc ra nước ngoài du học nên số lượng sinh viên tốt nghiệp có thể chỉ khoảng 30-35 sinh viên.
PV: Theo ông, mỗi khóa chỉ có 30-35 sinh viên tốt nghiệp, liệu có đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực cho sự phát triển của nhà máy điện hạt nhân không? Trong tương lai, Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý môi trường có mở rộng quy mô đào tạo?
TS Trần Kim Tuấn: Tôi nghĩ số lượng ấy không thấp. Vì không chỉ có trường ĐH Bách Khoa đào tạo mà còn nhiều cơ sở giáo dục khác như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt … cũng đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của nhà máy điện hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân cần 1.200 cán bộ, trong đó chỉ 200-300 làm về kỹ thuật hạt nhân. Ngoài ra còn có một số cơ quan khác cũng cần nhân lực về kỹ thuật hạt nhân như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân…
Như vậy mỗi khóa ra trường sẽ lên con số 100, chỉ vài năm nữa sẽ có số lượng lớn sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân tốt nghiệp. Vì thế chúng tôi không quan tâm đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng đào tạo. Với đầu vào khoảng 50, sau quá trình chọn lọc, còn 30-35 sinh viên là vừa.
Nhiều sinh viên mong muốn làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Về việc mở rộng đào tạo, về số lượng, tôi nghĩ không cần thiết mở rộng. Nếu Nhà nước yêu cầu tăng số lượng, chất lượng thì trường ĐH Bách khoa sẽ tăng được; nhưng nếu không có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ không đào tạo nhiều để đảm bảo chất lượng, bởi đặc thù của ngành kỹ thuật hạt nhân là vấn đề rất khó khăn và yêu cầu rất cao. Về các bậc đào tạo, hiện Viện có 2 bậc đào tạo là ĐH và cao học, sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm bậc đào tạo Tiến sĩ và đây có thể là cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Tiến sĩ về vật lý hạt nhân ứng dụng.
PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển của ngành?
TS Trần Kim Tuấn: Ở Việt Nam, các ngành phi năng lượng, với trình độ kỹ thuật nói chung của xã hội càng ngày càng được áp dụng nhiều vào đời sống. Ví dụ như y học hạt nhân, nhiều bệnh viện đã đưa vào sử dụng các thiết bị chẩn đoán, trong đó có nhiều thiết bị sử dụng kỹ thuật hạt nhân.
Khi nền kinh tế phát triển như hiện nay, kỹ thuật hạt nhân còn được ứng dụng nhiều trong đời sống, ứng dụng trong kiểm tra an ninh ở các cửa khẩu, hải quan hoặc chiếu xạ, khử trùng.
Với điện hạt nhân, Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, vì thế việc chuẩn bị nhân lực và kỹ thuật sẽ được đẩy mạnh và tạo điều kiện cho kỹ thuật hạt nhân phát triển. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi rất quan tâm và sẵn sàng vào các nhà máy điện trong Ninh Thuận để làm việc.
PV: Ông đánh giá thế nào về kế hoạch đưa các sinh viên, giảng viên, cán bộ sang đào tạo, tập huấn tại các nước phát triển ngành năng lượng hạt nhân (Nga, Hungary)? Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường tham gia như thế nào vào kế hoạch này?
TS Trần Kim Tuấn: Trong chương trình chúng tôi đề xuất cho Bộ GD-ĐT về vấn đề đào tạo, chúng tôi cũng đã tính tới việc đưa những sinh viên giỏi ra nước ngoài học năm cuối và tốt nghiệp ở nước ngoài tại Nga và Pháp. Nếu Bộ cho phép và cấp kinh phí thì chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch này.
Với vấn đề đào tạo cán bộ, hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đã có kế hoạch đưa cán bộ đi Hungary để đài tạo, trường ĐH Bách Khoa vẫn luôn cử các cán bộ đi tập huấn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có liên kết với một số đơn vị nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để cử cán bộ đi tập huấn ngắn hạn, còn đào tạo dài hạn vẫn được thực hiện thường xuyên để nâng cao trình độ cán bộ cũng như chất lượng đào tạo. Trong năm nay, chúng tôi sẽ cử 2 cán bộ đi đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài.
PV: Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định miễn giảm học phí, đồng thời cấp học bổng cho những sinh viên theo học chuyên ngành nguyên tử, hạt nhân. Theo ông, thông tin này có khiến số lượng thí sinh đăng ký tăng lên?
TS Trần Kim Tuấn: Đối với trường Bách khoa, việc thi vào trường sẽ theo các nhóm ngành, sau khi các em học năm 1 thì chúng tôi mới phân nhóm cụ thể. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đầu vào đã được xác định chuẩn 40-50 sinh viên. Với chính sách đãi ngộ của Bộ GD-ĐT, tôi hi vọng số lượng thí sinh đăng ký sẽ nhiều hơn và chúng tôi sẽ có thể chọn lựa được những em có trình độ cao hơn, nâng cao chất lường đào tạo.
Nhà máy điện hạt nhân của Pháp
PV: Với tư cách là một giảng viên, theo ông, việc đào tạo ngành năng lượng nguyên tử, hạt nhân ở Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì?
TS Trần Kim Tuấn: Về đào tạo, thuận lợi hiện nay chính là việc sinh viên xác định được mục tiêu, mục đích nên chuẩn bị tinh thần học tập tốt hơn. Nếu như trước đây, rất ít sinh viên lựa chọn ngành nguyên tử, hạt nhân vì không có đầu ra, nhưng hiện nay, đầu ra đã tương đối rõ ràng.
Thứ hai, Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý môi trường cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà trường và Bộ GD-ĐT. Nhà trường đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên học tập, giảng dạy; Bộ GD-ĐT cũng có những dự án, chương trình đãi ngộ cho sinh viên, cán bộ. Ngoài ra những cơ quan khác như Viện năng lượng nguyên tử hạt nhân hay Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cũng có hỗ trợ nhất định.
Về khó khăn, sự kết hợp giữa Bộ GD-ĐT và đơn vị thu nhận cán bộ chưa có sự kết hợp chặt chẽ, vì vậy cho đến nay, sinh viên vẫn tự mình đi xin việc. Vì thế định hướng công việc chưa được rõ ràng, khó phân bổ sinh viên theo công việc tiếp nhận. Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng chưa được đầy đủ và khá chậm trễ, nếu đầu tư kịp thời hơn thì việc đào tạo sẽ nhanh hơn và chất lượng cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Khánh An (thực hiện)