Phòng bệnh cho trẻ trong mùa rét
Rét đậm kéo dài tại các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng vì mắc các bệnh hô hấp hoặc bị bỏng do cha mẹ sưởi ấm cho con không đúng cách.
Theo BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương: Số lượng trẻ đến khám tại BV Nhi Trung ương những ngày rét đậm không tăng, hiện mỗi ngày tại viện chỉ có khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhi trong khi ngày thường là 2.500 - 3.000 bệnh nhi. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhi phải nhập viện do mắc bệnh nặng lại có xu hướng tăng, trong đó phần lớn là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tăng đột biến trong đợt rét đậm, rét hại. |
Mỗi ngày phải tiếp nhận 20 - 30 trẻ nhập viện vì mắc bệnh hô hấp nên những ngày này khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. TS. BS Lê Thị Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay: “Cả khoa có 81 giường bệnh nhưng có tới hơn 150 bệnh nhi điều trị. Nhiều giường bệnh phải nằm ghép 2, thậm chí 3 cháu”.
Để giảm bớt tình trạng quá tải này, các y, bác sĩ của khoa Hô hấp phải liên tục khám sàng lọc để chuyển những bệnh nhi ở mức độ nhẹ sang các khoa khác trong bệnh viện hoặc chuyển các cháu về bệnh viện tuyến dưới điều trị tiếp. Hiện tại, trong khoa Hô hấp chủ yếu chỉ tiếp nhận điều trị nội trú những ca bệnh nhân nặng, suy hô hấp do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng hoặc viêm phổi trên nền bệnh nhân bị tim bẩm sinh.
“Số bệnh nhân phải thở ôxy trong khoa ước tính khoảng 60 cháu, tương đương khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa, một số cháu khác bệnh nặng hơn còn phải chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu để thở máy. Có thể nói đây là thời điểm mà khoa phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng nhất”, BS Lê Thị Hoa, khoa Hô hấp, cho hay.
Theo bác sỹ Hoa, thời gian tới, nhất là khi rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay thì các bậc cha mẹ cần lưu ý phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi cho con trẻ.
Bệnh viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính thường xảy ra ở những trẻ lứa tuổi nhỏ dưới 24 tháng tuổi, hay gặp nhất ở trẻ 3 - 6 tháng tuổi. Bệnh do virút hô hấp gây ra, mà hàng đầu là loại virút có tên viết tắt là RSV. Khi mắc bệnh trẻ sẽ có triệu chứng sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong 2 - 3 ngày đầu. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa thì trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Đa số trẻ mắc bệnh này có thể điều trị tại nhà nhưng với một số trường hợp thì bệnh có thể diễn tiến nặng, suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa, thậm chí tử vong. Bệnh có nhiều biến chứng và tử vong cũng cao hơn trong trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non - nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, có sẵn bệnh tim, phổi…
“Tốt nhất, khi trẻ có các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản thì cần phải đưa trẻ đi khám để bác sĩ hướng dẫn cách điều trị cụ thể. Đặc biệt, cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi thấy trẻ thở nhanh, tím tái, tím khi gắng sức (khi trẻ ăn hoặc khóc), trẻ ho nhiều mà không bật được đờm ra, hoặc bú kém. Bởi nếu đường thở của trẻ không thông thoáng, tình trạng bít tắc tăng lên thì trẻ có thể bị suy hô hấp rất nhanh và dễ nguy hiểm tới tính mạng”, BS Hoa khuyến cáo.
Với bệnh viêm phổi, các bậc cha mẹ càng cần phải cẩn trọng hơn vì đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, đúng cách, trẻ rất dễ tử vong. Bệnh viêm phổi do nhiều nguyên nhân gây nên như vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, hemophilus influense...), virút (cúm, thủy đậu, sởi, SARS)...
Để phòng những biến chứng đáng tiếc của bệnh viêm phổi, cha mẹ nên đưa trẻ tới viện ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, đặc biệt là thở nhanh.
Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị viêm phổi. Các bậc cha mẹ có thể đếm được nhịp thở của trẻ (khi nằm im, khi ngủ) trong một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Mức độ khẳng định là thở nhanh khi trẻ dưới 2 tháng có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên, trẻ từ 2 - 11 tháng là từ 50 lần/phút trở lên, trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi là từ 40 lần/phút trở lên.