Nhìn lại tội phạm hình sự trong năm 2012
(Petrotimes) - Năm 2012 được đánh giá là năm nhiều biến động về mặt xã hội ở Việt Nam, trong đó có cuộc chiến ngày đêm của lực lượng an ninh kết hợp với người dân cả nước chống lại những diễn biến tiêu cực của các loại tội phạm. Trước thềm năm mới, hãy cùng nhìn lại những “điểm nóng” an ninh khiến người dân lo ngại và các cơ quan chức năng phải căng sức tìm cách chặn triệt phá tận gốc rễ.
Nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng
Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can); đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 410 tỉ đồng. Cơ quan Điều tra trong Quân đội đã khởi tố 16 vụ, 46 bị can về các tội danh tham nhũng; thu hồi 163 triệu đồng. Cục Điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng, đóng góp 19 kiến nghị về xử lý và phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 244 vụ, 601 bị can về tham nhũng (tăng 50 vụ, 192 bị can so với cùng kỳ năm 2011). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1% (năm 2011 tỷ lệ này là 31,7%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2% (năm 2011 tỷ lệ này là 39,2%).
Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 1.000 người trong nước bị lừa bán. Tính từ năm 2005 đến tháng 12/2012, các lực lượng chức năng phát hiện hơn 3.000 vụ với hơn 6.500 nạn nhân bị lừa bán, đồng thời bắt giữ, xử lý hơn 5.050 đối tượng buôn người. Riêng năm 2012, cả nước phát hiện gần 500 vụ, hơn 800 đối tượng, lừa bán trên 850 nạn nhân. Tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp hơn, tính chất và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thường có tổ chức chặt chẽ và móc nối với người nước ngoài. Trong năm 2012, lực lượng chức năng Việt Nam cũng phát hiện một số đường dây đưa phụ nữ dưới dạng tìm việc sang Singapore, Thái Lan, Malaysia rồi bán vào các động mại dâm, lao động cưỡng bức. Từ đầu năm đến nay, Cảnh sát Malaysia giải cứu 210 phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đối tượng gây án có chiều hướng “trẻ hóa”
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Năm qua, dư luận xã hội nhiều lần “dậy sóng” khi những vụ án diễn ra với đối tượng gây án có tuổi đời quá trẻ. Điển hình là vụ án ngày 19/12 ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội). Cái chết oan uổng và thương tâm của sinh viên Vũ Ngọc Cương ngay trước cửa lớp khiến nhiều người bàng hoàng.
Cơ quan Công an đã bắt giữ Bùi Ngọc Quân, Nguyễn Hồng Quân, Bùi Anh Phan. Ngoài Bùi Anh Phan, cả hai đối tượng còn lại có tuổi đời còn rất trẻ. Nguyên nhân của vụ án xuất phát từ mâu thuẫn của Bùi Anh Phan với một sinh viên cùng lớp với Vũ Ngọc Cương. Chỉ can ngăn vài câu, lớp trưởng Vũ Ngọc Cương đã bị đánh và đâm một nhát thấu tim, khiến Cương tử vong ngay sau đó.
Vụ dùng mìn cướp tiệm vàng của Tạ Văn Thanh và em trai cùng cha khác mẹ là Tạ Thái Hà ở Bắc Giang cũng là một ví dụ. Anh em Thanh đã dùng 2 quả mìn tự chế để mưu toan cướp tiệm vàng Hoàng Tín trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đe dọa và yêu cầu chủ tiệm không được, Thanh giằng co với chủ tiệm rồi bỏ chạy và đồng thời kích nổ khiến tiệm vàng hư hỏng hặng, một số người bị thương.
Cướp giật hoành hành với mức độ liều lĩnh tăng cao
Nhóm cướp chặt tay - cướp xe SH bị bắt giữ
Đỉnh điểm của nạn cướp giật đang hoành hành trong cuộc sống thường nhật của người dân TP HCM là vụ chị Trần Thị Ngọc Thúy bị cướp chặt gần lìa bàn tay để cướp xe Honda SH. Vụ việc xảy ra vào tối 24/11, trên cầu Phú Mỹ, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 TP HCM. Nhóm cướp 4 người sau đó đã bị bắt. 4 đối tượng này khai rằng đã “hoạt động” được 4 tháng và gây ra 15 vụ cướp.
Và đến đêm 21/12, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP HCM khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ vụ nghi án giết người cướp tài sản xảy ra tại khu vực giao cắt hẻm số 436 và 436A đường 3/2, phường 12, quận 10. Nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Huy đã bị kẻ gian cắt cổ chết để cướp chiếc xe Nouvo…
Số vụ án “cuồng yêu” tăng mạnh
Năm 2012, ở nhiều tỉnh thành trong nước liên tục xảy ra các vụ giết người do cuồng yêu. Thủ phạm là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vì bị từ chối tình cảm đã gây án với chính người con gái mà mình yêu.
Điển hình là chỉ trong tháng 11/2012 đã xảy ra nhiều vụ “cuồng yêu” có hậu quả nghiêm trọng như vụ Vũ Văn Đông ở Sóc Sơn, Hà Nội đã ép người yêu là Nguyễn Thị H uống thuốc trừ sâu khi H kiên quyết đòi chia tay. Trước đó vài ngày, một vụ “cuồng yêu” khác cũng xảy tại một nhà nghỉ ở Gia Lâm, Hà Nội. Trần Minh H ở Phú Thọ và Phạm Thị Y ở Hải Dương yêu nhau được nửa năm thì H bắt đầu nghi ngờ Y không còn yêu mình, nên liên tục yêu cầu Y phải đáp ứng những ham muốn bất thường. Những đòi hỏi của H ngày càng quá đáng khiến Y cảm thấy mệt mỏi.
Ngày 26/11, H đã rủ Y vào nhà nghỉ với mục đích kết liễu tính mạng của cả hai người. Cũng trong tháng này, một vụ trọng án đã xảy ra tại căn nhà trọ ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Vũ Văn Thành đã xông vào phòng trọ của chị Trần Thị H. T đâm bị thương chị họ của T, sau đó bóp cổ T cho đến chết vì cô gái này từ chối lời tỏ tình của hắn.
Điều dễ nhận thấy nhất ở những kẻ cuồng yêu là đều mang một tâm lý không bình thường, ích kỷ và hèn hạ. Bên cạnh đó, có thể thấy tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi lối sống dễ dãi, yêu sớm, sống thử, đang được giới trẻ đua theo với những nông nổi, mù quáng và hạn chế về nhận thức xã hội.
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Theo đánh giá của các Cục Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan thì tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại năm 2012 vẫn tiếp diễn với số vụ buôn lậu tăng cao cùng thủ đoạn ngày một tinh vi, phức tạp. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng cuối năm (tháng 10 và tháng 11), tổng số vụ buôn lậu lên tới 6.788 vụ với trị giá hàng hóa là 132,873 tỉ đồng. Con số này gấp 1,12 lần về số vụ và 1,71 lần về giá trị hàng hóa so với 3 tháng của Quý III/2012.
Sau tình trạng buôn lậu xăng dầu với hình thức tạm nhập - tái xuất bị cơ quan Hải quan phát hiện trên biển, gây thất thu thuế rất lớn cho Nhà nước, thì mới đây tình trạng thẩm lậu mặt hàng đường kính vào nội địa từ các cửa khẩu biên giới Lào, Campuchia và các khu phi thuế quan cũng không kém phần phức tạp, nhưng giải pháp chống buôn lậu mặt hàng này vẫn còn không ít khó khăn.
P.D