Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trên tàu Đô đốc Latouche Tréville, nhưng chiếc nào?
(Petrotimes) - Có lẽ tất cả các tài liệu, sử sách trong nước và nước ngoài đều nhất trí chép rằng ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là Anh Ba, đã xin lên tàu Đô đốc Latouche Tréville làm phụ bếp để đi tìm đường cứu nước.
Tên con tàu thì không có vấn đề gì quan trọng nhưng Đô đốc Latouche Tréville đích thị là con tàu nào thì lại là chuyện có thể gây băn khoăn. Chỉ cần căn cứ vào những nguồn gần đây nhất, ta cũng có thể thấy đến hai con tàu khác nhau nhưng đều được chú thích là con tàu trên đó Anh Ba từng làm phụ bếp. Rồi trên một tấm bưu ảnh thì một con tàu rất giống tàu Đô đốc Latouche Tréville lại đươc giới thiệu (bằng chữ in hẳn hoi) là tàu… Ville d’Arras!
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville. (Ảnh tư liệu)
Cùng được gọi tên là tàu Đô đốc Latouche Tréville nhưng hình 1 là do TS Phan Văn Hoàng đưa ra trong bài “Từ thành phố này, Người đã ra đi”, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 748 (2/5/2011); hình 2 là do nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra trong bài “Nghĩ về một con đường”, đăng trên Lao Động ngày 29/5/2011 còn hình 3 là tấm bưu ảnh in hình tàu “Ville d’Arras”.
Thực ra, lịch sử hàng hải của Pháp đã chứng kiến sự ra đời và hoạt động của bốn con tàu mang tên viên Đô đốc Latouche Tréville: ba chiếc mang tên Latouche Tréville trống không và một chiếc mà tên có kèm cả quân hàm “đô đốc” (amiral).
Xưa nhất là chiếc tàu hộ tống (aviso) Latouche Tréville bằng gỗ có chân vịt (1860-1886). Từ năm 1860 đến 1867, nó thuộc biên chế của phân đội hải quân Đại Tây Dương ở Tahiti. Nó trở về Brest ngày 27/1/1868 để tháo gỡ vũ khí tại cảng này vào ngày 23/2. Ngày 4/10, nó được gắn vũ khí trở lại. Rồi ngày 22/3/1869, nó được thu xếp để nhập vào phân đội hải quân Terre-Neuve. Trở về Brest, nó lại được tháo gỡ vũ khí ngày 15/11/1870. Lại lên đường phục vụ ngày 15/4/1873, nó được sung vào phân đội hải quân Nam Đại Tây Dương cho đến ngày 11/7/1875. Nó lại bị tháo gỡ vũ khí ở Brest ngày 3/8. Sau ngày 23/10/1876, nó lại được gắn lại vũ khí và sung vào phân đội thủy quân Đông Phương và từ tháng 9-1881, nó tham gia các chiến dịch chống Tunisia.
Ngày 11/2/1882, nó lại được rút về Toulon. Ngày 1/4/1886, nó bị phế bỏ và xóa khỏi danh sách đội hải thuyền. Đặc điểm của nó: 695 ton-nô (1 ton-nô = 2,83 m3); kích thước: 53 x 8,32 x 3,76m; sức đẩy: máy hơi nước 150 mã lực; vũ khí: 2 lựu pháo cỡ 30; biên chế: 65 người (năm 1860), rồi 68 (từ 1879).
Kế đến là chiếc tuần dương hạm bọc sắt (croiseur cuirassé) Latouche Tréville (1892-1926). Do Công ty rèn và Xưởng tàu Méditerranée đóng ở Le Havre, hạ thủy ngày 8/10/1892. Sau nhiều lần thử, rời Le Havre để sung vào phân đội hải quân Phương Bắc. Sau đó trực thuộc phân đội hải quân của Trường cao đẳng Chiến tranh (1895), rồi biệt phái sang Phương Đông (1897), nó được sáp nhập vào hạm đội Địa Trung Hải.
Tháng 2/1907, nó trở thành bộ phận phụ thuộc của Trường Pháo binh. Năm 1912, nó được đặt trong tình trạng dự bị. Được tái trang bị vũ khí năm 1912, nó được cử đi làm nhiệm vụ ở Phương Đông. Năm 1914, nó nhận lệnh đến Bizerte, rồi Casablanca. Tháng 10, nó đảm nhiệm việc phong tỏa kênh Otrante. Sau đó, nó hoạt động giữa Bizerte và Sardaigne. Nó phối hợp với phân đội hải quân do Guépratte chỉ huy và tham gia việc pháo kích Koum Kalehmột cách có hiệu quả nên đã nhận được điện khen ngợi của Tướng Gouraud.
Sau khi tham gia thêm hai chiến dịch ở Dardanelles, nó được điều về Toulon. Ngày 21/9/1916, nó lại lên đường đi Salonique. Nó tham gia phong tỏa Hy Lạp cho đến cuối năm 1918; rồi trở về Toulon ngày 31/12. Được tháo gỡ vũ khí ngày 26/6/1920, nó dùng làm kho chứa đến 1925 rồi sang 1926 thì bị phá hủy. Đặc điểm của nó: 4.748 ton-nô; Kích thước: 110 x 14 x 6,20m; sức đẩy: 8.300 mã lực, 2 máy ngang, 2 chân vịt; tốc độ: 19 hải lý/giờ; vũ khí: 2 pháo 194 và 6 pháo 138 có tháp bọc sắt, 4 pháo 65, 4 pháo 47 (năm 1886), thêm 4 (năm 1904).
Mới nhất là chiếc tàu hộ tống chống tàu ngầm (frégate anti-sous-marine) Latouche Tréville hiện đại. Đặc điểm: Kích thước: dài 139m, ngang (chợ rộng nhất) 14m, độ mớn nước tối đa 5,80m, khổ gầm cầu 39,36m; Sức đẩy: 5.200 mã lực, 2 chân vịt 4 cánh định hướng, tổng công suất 52.000 mã lực; thủy thủ đoàn: 20 sĩ quan, 120 hạ sĩ quan hải quân và 95 quân nhân phục vụ các ngành; vũ khí phòng không: 1 hệ thống Crotale EDIR với 8 tên lửa trên giàn và 18 dự bị, 2 hệ thống Simbad - 2x2 tên lửa Mistral, 1 pháo 100mm CADAM, 2 giá súng cho đạn 20mm, 4 giá cho tiểu liên 12,7mm; vũ khí chiến đấu mặt đất: 8 tên lửa Exocet MM40; vũ khí chống tàu ngầm: 10 ngư lôi L5 Mod4, 2 máy phóng ngư lôi L5, 12 ngư lôi MK46; v.v...
Ba con tàu Latouche Tréville trên đây tuyệt nhiên chẳng có liên quan gì đến việc ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Người ra đi trên một chiếc thương thuyền, chiếc Amiral Latouche Tréville của Compagnie des Chargeurs Réunis (Hãng Vận tải Hợp nhất), xuất phát từ Cảng Sài Gòn. Đây chính là con tàu mà ảnh được in tại tr.7 của tạp chí Kiến Thức Ngày Nay đã nói (ảnh 1), chứ không phải con tàu in trong bài của ông Dương Trung Quốc trên báo Lao Động (ảnh 2).
Trong bài của ông Dương Trung Quốc là ảnh của chiếc tuần dương hạm bọc sắt (croiseur cuirassé) Latouche Tréville (1892-1926), với những đặc điểm mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Còn chiếc thuyền trên đó Bác Hồ ra đi là một tàu buôn hỗn hợp, vừa chở hàng vừa chở khách, với những đặc điểm mà Kiến Thức Ngày Nay đã ghi như sau: Do Hãng đóng tàu Loire (Chantiers de la Loire) ở Saint-Nazaire đóng, xong ngày 21/9/1903, hạ thủy tháng 2-1904, đăng bạ tại Cảng Le Havre dưới số hiệu 5601960, dài khoảng 119m, rộng khoảng 12m và chiều sâu khoảng 8m, mạnh 2.800 mã lực, vận tốc tối đa 13 hải lý/giờ, trọng tải 7.200 tấn; chấm dứt hoạt động tại Dunkerque ngày 11/3/1929.
Rất đáng tiếc là có nhà in ấn kinh doanh bưu ảnh đã gây rắc rối thêm cho việc xác định hình dáng và đặc điểm của con tàu như có thể thấy trong (ảnh 3). Đây rõ ràng là dáng dấp của chiếc Amiral Latouche Tréville nhưng chữ nghĩa rành rành là “Paquebot français Ville d’Arras” (Tàu chở khách Pháp Ville d’Arras). Nhưng diễn đàn của những nhà thông thạo hoặc kỳ cựu cho phép ta có thể khẳng định đây chắc chắn không phải là chiếc Ville d’Arras.
Trước nhất, Ville d’Arras là tàu đông lạnh của Compagnie Havraise Péninsulaire (Công ty bán đảo Le Havre); đồng thời đội thuyền của Compagnie des Chargeurs Réunis không có con tàu nào tên Ville d’Arras. Thứ đến, trong ảnh là một con tàu có mọi dấu hiệu thuộc về Chargeurs Réunis (Terraillon Marc). Mục “Compagnie des Chargeurs Réunis” của mạng The Ship List cũng không ghi tên “Ville d’Arras” (Rutilius).
Có ý kiến cho rằng, tấm bưu ảnh đã được chú thích sai (Ar Brav). Có ý kiến cho rằng trên bưu ảnh là một con tàu của Chargeurs Réunis, thuộc loạt mà tên có quân hàm Amiral (Đô đốc) đứng đầu (Latouche Tréville, De Kersaint, Nielly, Orly, Ponty) và đoán là chiếc Amiral de Kersaint (Olivier 12). Một người khác thì đoán đây là chiếc Amiral Ponty (Memgam). Memgam còn ngờ rằng chuyện này thuôc về lỗi vô tình hoặc cố của cơ sở in ấn. Còn linh tính thì mách bảo chúng tôi rằng đây là chiếc Amiral Latouche Tréville.
Vẫn chưa dứt được chuyện vì ta hãy còn một chiếc nữa là chiếc… mô hình trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả là “goodluck” đã tuyên bố là: “Tôi sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm” và “Tôi, người nắm bản quyền, từ đây phát hành tác phẩm này vào phạm vi công cộng. Điều này có giá trị trên toàn thế giới”. (theo Wikipedia, tính đến 3 giờ 30 phút sáng 1/6/2011). Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng nếu thực sự muốn cho Phòng trưng bày được nghiêm túc thì Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh nên cất cái mô hình này vào một nơi thật kín đáo.
Học giả An Chi