Vụ đào trộm mộ tại Tứ Kỳ, Hoàng Mai, Hà Nội:
Xâm phạm mồ mả có thể bị xử lý hình sự
(Petrotimes) - Liên quan đến vụ việc Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam điều hàng chục công nhân ra nghĩa trang thôn Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự động đào mộ đưa lên trên mặt đất và di chuyển đi nơi khác vào ngày 26/12, PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia pháp lý Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN Đà Nẵng để làm rõ những nội dung liên quan đến khía cạnh pháp lý của vụ việc.
>> Lại đào trộm, xâm phạm mồ mả giữa Thủ đô
PV: Xin ông cho biết quy trình di dời mồ mả được thực hiện thế nào?
Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả thì phải được tiến hành khi có quyết định, có phương án di dời mồ mả đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định. Theo quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Thông tư 14/2009/TT-BTNMT thì việc di dời mồ mả phải có phương án cụ thể được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Ngay khi nghe hung tin, dân làng Tứ Kỳ ùn ùn kéo nhau ra nghĩa trang để vây bắt những kẻ đào mộ.
PV: Trong vụ việc này doanh nghiệp được giao đất thực hiện di dời mồ mả có đúng không, thưa ông?
Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Việc di dời mồ mả, công trình xây dựng và các tài sản trên đất trước hết là do hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thực hiện theo quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không thực hiện thì mới bị cưỡng chế thu hồi, nhưng việc cưỡng chế phải do thành phần, lực lượng cưỡng chế do UBND cấp huyện thành lập để thi hành việc cưỡng chế. Ở đây nếu là người của doanh nghiệp được giao đất thực hiện việc tự ý đào, di dời mồ mả thì không được phép.
PV: Vậy hành vi này có khởi tố hình sự được không?
Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Điều 629 Bộ luật dân sự 2005 quy định cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Đó là về trách nhiệm dân sự, còn về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự thì người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Như vậy, có thể thấy những người xâm phạm mồ mả được nêu trong vụ việc tại làng Tứ Kỳ đã có dấu hiệu phạm vào tội danh chúng tôi nêu trên.
Ngay khi phát hiện mộ của gia đình bị đào xới, người dân đã phủ bạt chờ chính quyền đến giải quyết.
PV: Trước sự việc này, theo ông người dân cần phải làm gì?
Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Chuyện xâm phạm mồ mả không chỉ liên quan đến vấn đề pháp lý, đây còn là vấn đề tâm linh, là giá trị văn hóa của người Việt. Việc hành xử một cách thô bạo lên mồ mả đã nhiều lần bị xã hội lên án nhưng lâu lâu lại thấy xuất hiện tình trạng này. Đó là điều hết sức đau lòng.
Trước những bằng chứng thu thập được, người dân có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố vụ án, yêu cầu người xâm phạm mồ mả bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong thực tế cũng đã có những vụ việc, người xâm phạm mồ mả bị khởi tố, phải chịu trách nhiệm hình sự, do đó nếu có đầy đủ bằng chứng và cơ sở người dân cần yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thiên Minh