Vì sao phải hô biến hàng hiệu thành hàng Trung Quốc?
(Petrotimes) - Nhiều mặt hàng giày dép, quần áo, mỹ phẩm được trưng bày ở các tủ kiếng tại trung tâm Thương mại bậc nhất Sài Gòn với nhãn mác xuất xứ từ Ý, Pháp…. được giới sành điệu ưa chuộng. Tiếc thay, nhiều mặt hàng trên bỗng dưng thích “dạo chơi” ở Trung Quốc trước khi về Việt Nam đã làm cho người tiêu dùng phải e ngại.
Hàng nhập từ Trung Quốc, nhãn mác… “made in Italia”
Những tháng cuối năm 2012, công an TP HCM đã triệt phá nhiều vụ vận chuyển mua bán hàng giả với số lượng lớn như vụ bắt giữ 4 xe hàng của công ty Nam Đế nhập một số lượng lớn hàng hóa là túi xách nhãn hiệu “xịn” có tờ khai hải quan không đúng nguồn gốc và xuất xứ. Các lô hàng này đã bị công an TP niêm phong tạm giữ và 2 điểm bán hàng tại (quận 1, TP HCM) cũng bị ngừng hoạt động để làm rõ, xử lý.
Gần đây nhất, chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn, khu vực IV đã đặt lô hàng của công ty TNHH TM Tôn Nguyễn (có trụ sở tại Thủ Đức) vào diện nghi vấn. Phối hợp với các cơ quan chức năng, chi cục Hải quan tại đây kiểm tra hành chính lô hàng trong container loại 20 feet được nhập từ Hồng Kông (Trung Quốc).
Cửa hàng Gucci Hà Nội đã bị cơ quan chức năng niêm phong
Theo tờ khai hải quan, công ty Tôn Nguyễn kê đến hàng ngàn sản phẩm “linh tinh” có giá rẻ. Trong đó, tất cả các mặt hàng đều xuất xứ từ Trung Quốc. Kiểm kê các mặt hàng, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại mắt kính hiệu Gucci “xuất xứ từ Ý”. Ngay sau đó, vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để làm rõ và xử lý.
Năm 2012, công an TP HCM tiếp nhận, điều tra làm rõ 32 vụ, 65 đối tượng tham nhũng. Phát hiện 1.277 vụ vi phạm kinh tế chủ yếu là buôn lậu, kinh doanh hàng ngoại nhậu lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, kinh doanh trốn thuế, thu đổi ngoại hối trái phép. Tài sản thiệt hại khoảng 1.691 tỉ đồng; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 28,7 tỉ đồng, giá trị tài sản thu hồi 67,6 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tang vật khoảng 87 tỉ đồng. |
Theo báo cáo của công an TP HCM, hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực kinh tế chủ yếu là buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Thời gian qua, các đối tượng đã thay đổi về phương thức, thủ đoạn và có sự tổ chức, liên kết móc nối nhau.
Nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành và kiểm soát của các cơ quan chức năng để hoạt động trái pháp luật.
“Hô biến” thành hàng Trung Quốc để trốn thuế
Cơ quan chức năng cũng đã liên tục bắt giữ các vụ việc liên quan đến kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng cấm, hàng nhái nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp… Trong đó, một số công ty cũng đã tìm cách né thuế bằng những “chiêu” tinh vi. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là không khai báo hải quan hoặc khai báo không đúng số lượng, chủng loại hàng hóa.
Ngày đầu tháng 9, công ty Tạ Linh Giang có trụ sở tại đường Bàu Bàng (phường 12, quận Tân Bình) đến cảng Cát Lái mở tờ khai điện tử, khai báo nhập khẩu nhiều mặt hàng “rẻ tiền” có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo tờ khai của công ty Tạ Linh Giang, trong lô hàng nhập về chỉ chứa: túi xách, thắt lưng, lưỡi cưa gỗ, móc treo chìa khóa… Tổng trị giá lô hàng khoảng 50 triệu đồng. Sau khi tính toán, mức thuế công ty này có thể đóng tương đương 13,6 triệu đồng.
Giày hiệu McQ có xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện.
Bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén trong nghề, các cán bộ hải quan thu thập nhiều bằng chứng cho thấy công ty Tạ Linh Giang có biểu hiện gian dối để trốn thuế. Khi lô hàng được khui ra, nhiều mặt hàng đắt tiền với những nhãn mác “đẳng cấp quốc tế” dần lộ diện. Các nhãn hiệu Gucci (Ý), McQ (nhãn hiệu cùng “cha” với Alexander McQueen)… được lật tẩy.
Sự thật phơi bày, cơ quan chức năng đã đưa lô hàng trên đi kiểm tra và xác định giá trị thật hơn 4 tỷ đồng. Thủ đoạn của công ty này đã “khai báo không đúng số lượng, chủng loại hàng hóa”.
Ngay sau đó, vụ việc được chuyển sang cơ quan chức năng để xin ý kiến điều tra xử lý nghiêm hành vi trốn thuế của công ty Tạ Linh Giang. Ước tính, nếu lô hàng trên được thông quan trót lọt, công ty này gần như không phải đóng thuế.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc văn phòng Luật sư Giải phóng: Để tránh mua hàng hóa “dỏm” hoặc tiếp tay cho các công ty, đơn vị thực hiện những vụ trốn thuế tương tự, người tiêu dùng có quyền yêu cầu nơi bán hàng hóa cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Giả sử, nếu là hàng Gucci chính hãng, được nhập khẩu về Việt Nam đúng quy trình (từ Ý về thẳng Việt Nam – PV) thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu nơi bán sản phẩm này cung cấp bằng chứng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, có thể yêu cầu nơi đây cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Khi phát hiện mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa để yêu cầu được bồi thường. |
Hưng Long